Đại biểu Quốc hội: Phải tìm nguồn để tăng lương

FICA - Đại biểu Quốc hội yêu cầu Chính phủ cần phải tìm nguồn để tăng lương, ưu tiên với những người lương thấp, người có công, người về hưu.

Thảo luận về tình hình kinh tế xã hội, việc tiếp tục trì hoãn hay phải tăng lương theo lộ trình... là một trong nội dung trọng tâm mà nhiều đại biểu Quốc hội đề cập tới.

Đại biểu Đặng Thuần Phong (Bến Tre) cho rằng: “Lộ trình tăng lương không thực hiện được là do biên chế không giảm, năng suất lao động thấp nên không cân đối được, nếu kéo dài vấn đề này hệ lụy xã hội sẽ khôn lường, mong Chính phủ hết sức quan tâm vấn đề này”.

Theo đại biểu Phong, vấn đề ta đang mắc phải là cần tập trung trí lực giải quyết ngay đó là tăng chi lương hiện tăng hơn tốc độ tăng năng suất lao động. Tăng chi an sinh xã hội cao hơn tốc độ tăng thu ngân sách, tăng chi thường xuyên cao hơn tốc độ đầu tư phát triển.

Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm cho rằng, tình hình căng thẳng trong cân đối ngân sách đến nỗi không có kinh phí để tăng lương theo lộ trình nhưng chưa thấy Chính phủ báo cáo một cách đầy đủ trong báo cáo của mình. Hay là vấn đề nợ công hiện nay dư luận đang rất quan tâm, nhưng trong báo cáo cũng rất đơn giản. “Tôi đề nghị Chính phủ nên báo cáo một cách đầy đủ, minh bạch với Quốc hội và nhân dân biết, để từ đó Quốc hội, Chính phủ và nhân dân cả nước cùng lo liệu về vấn đề này”, đại biểu nhấn mạnh.

Phân tích về thực trạng của nền kinh tế, đại biểu Bùi Đức Thụ (đoàn Lai Châu) cho rằng, nền kinh tế của chúng ta đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Khó khăn, thách thức lớn nhất là chất lượng nền kinh tế của chúng ta thấp, đây là vấn đề cần tập trung giải quyết trong nhiều năm.

Theo đại biểu Thụ, chính vì khó khăn dẫn đến nhiều mục tiêu như vấn đề tăng lương, vấn đề bố trí chi trả nợ, bố trí chi đầu tư phát triển ở mức hết sức khó khăn. Do đó, một trong những điểm đại biểu nhấn mạnh là trong thời gian tới Chính phủ cần huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển.

Tuy nhiên, theo hòa thượng Thích Bảo Nghiêm (Hà Nội), liệu có phải chỉ do kho khăn về cân đối ngân sách Nhà nước mà chậm thực hiện lộ trình tăng lương hay còn do quan điểm và cách tiếp cận giải quyết? Hiện nay, tiền ngân sách còn sử dụng lãng phí khi xây nhiều công trình công cộng vượt quá nhu cầu hay đầu tư lớn cho hạ tầng nhưng chất lượng kém.

Do đó, đại biểu nhấn mạnh, Chính phủ cần quan tâm tới lương của các đối tượng cán bộ viên chức người lao động. Đây là vấn đề sẽ tác động đến phòng chống tham nhũng, đến vấn đề cải cách hành chính, hiệu quả quản lý của bộ máy.

Số liệu do đại biểu cung cấp cho thấy, hiện chi thường xuyên chiếm 67,3%, chi đầu tư phát triển chiếm 17,1%  và chi trả nợ chiếm 13,2% tổng chi ngân sách. “Có thể xem xét điều chỉnh để thực hiện cải cách tiền lương, chi cho cán bộ viên chức hiện nay là quá lớn, cần phải quyết liệt cắt giảm bộ máy. Việt Nam hiện nay có tới 2,8 triệu cán bộ viên chức chi lương hết 9% GDP; trong khi các nước phát triển chỉ chi tới 7% GDP”, đại biểu phân tích.

Đại biểu Trịnh Ngọc Phương (Tây Ninh) đề nghị, Chính phủ xem xét lại mức lương hưu đối với người về hưu trước năm 1993. Cách đây hai năm chúng ta đã bàn bạc để cải cách tiền lương, trong đó vấn đề nhiều đại biểu đặt ra mong Chính phủ có giải pháp nhằm giải quyết căn cơ việc tăng lương tối thiểu của người nghỉ hưu trước năm 1993.

“Đến nay, mặc dù cải cách lương, có nâng lương nhưng người nghỉ hưu sớm lương thấp vẫn thấp, mức chênh lệch giữa cán bộ hưu trí có cùng chức danh, công việc và tiếp tục cách xa, nhất là những người nghỉ hưu trước năm 1993. Do đó, tôi đề nghị Chính phủ nên coi giải pháp cấp thiết trong năm 2015 để cải tạo mặt bằng lương cho những đối tượng này”, đại biểu Phương yêu cầu.

Trao đổi bên hành lang Quốc hội về vấn đề tăng lương, đại biểu Nguyễn Văn Tiên, Phó chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết: Mấy năm trước, tăng lương nhanh hơn tăng trưởng kinh tế, vì vậy mà 2 năm nay chững lại. “Thực ra, Quốc hội rất chia sẻ với chính phủ và người dân. Bởi tất cả tiền ngân sách nằm trong tay Quốc hội. Chính phủ trình chỉ có bấy nhiêu tiền, nếu tăng lương thì bớt xây dựng cơ bản; còn nếu bớt xây dựng cơ bản thì đất nước khó phát triển bền vững”, ông Tiên nói.

Ông Tiên cũng cho biết, Quốc hội đứng trước cử tri và Chính phủ, tiền thì có hạn, mà nhu cầu tăng lương rất lớn. Việc tăng lương đảm bảo đời sống cho cán bộ hưu trí, người lao động, tăng lương giải quyết được vấn đề thủ tục hành chính. “Một số nơi nói về vấn đề lương thấp nên mới sinh ra vấn đề này vấn đề kia, tệ nạn này tệ nạn kia. Cho nên chúng tôi ủng hộ chủ trương tăng lương, nhưng tăng lương phải phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế, năng suất lao động”, Phó chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội phân tích.

Về tăng lương, ông Tiên cho hay: “Trong lúc kinh tế khó khăn, thì tăng thế nào? Nếu có tăng thì cũng chỉ tăng được cho một số cán bộ công chức. Tôi nghĩ trong số 90 triệu người thì chỉ có vài triệu người hưởng lương, còn mấy chục triệu người tự họ phải xoay sở cuộc sống. Do đó, nếu có tăng lương thì chỉ tăng cho người có mức lương thấp”.

Đặt vấn đề tăng lương khi năng suất lao động còn thấp, điều này có đi ngược với xu thế chung của thế giới?, ông Tiên cho hay: “Việc tăng lương có nhiều mối liên quan. Thực ra, năng suất lao động của người công nhân vẫn tăng đều đặn, còn đối với khối cán bộ công nhân viên chức, năng lực của họ thể hiện trong việc xây dựng hoạch định chính sách. Do đó, tôi ủng hộ đề xuất tăng lương, nhưng ưu tiên với những người lương thấp, người có công, người về hưu. Đó là cái chúng ta cần quan tâm trước hết”.

Nguyễn Hiền

Chuyên mục: Vĩ Mô

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *