Đại biểu có tình cảm với dân sẽ át được nhóm lợi ích

FICA - “Phải tìm những đại biểu đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân. Khi đã có tình cảm với nhân dân, tức là đại diện cho số đông thì không ngại gì vượt qua được nhóm lợi ích, không sợ thiểu số chống lại nhân dân”, đại biểu Đỗ Văn Đương nói.

Ngày 15/11, thảo luận tại hội trường về dự án Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân, đại biểu Đỗ Văn Đương (TP Hồ Chí Minh) cho rằng, cần phải tìm những đại biểu đại diện cho ý chí, phản ánh được tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, có tình cảm với nhân dân. Khi đã có tình cảm với nhân dân, tức là đại diện cho số đông thì không ngại gì vượt qua được nhóm lợi ích, không sợ thiểu số chống lại nhân dân.

 

Đại biểu có tình cảm với dân sẽ át được nhóm lợi ích
Đại biểu Đỗ Văn Đương: Khi đã có tình cảm với dân thì không ngại gì vượt qua nhóm lợi ích.

 

Theo đại biểu Đỗ Văn Đương, Quốc hội làm chính sách, tức là từng đại biểu làm chính sách, từng đại biểu bấm nút quyết định những vấn đề trọng đại của đất nước. Cho nên vai trò của đại biểu hết sức quan trọng ở tầm quốc gia. “Trước đây thầy giáo Chu Văn An dâng sớ chém các quan nịnh thần. Tôi tìm hiểu biết được đó chính là những quan làm chính sách, bởi vì những chính sách không phù hợp với thực tế cuộc sống, gây phương hại cho lợi ích quốc gia, dân tộc thì hệ lụy rất nghiêm trọng. Cho nên Chu Văn An đã dâng sớ để chém những quan làm chính sách”, đại biểu Đỗ Văn Đương lấy ví dụ cho quan điểm của mình.

 

Qua thực tiễn đại biểu Đỗ Văn Đương cho rằng, để lựa chọn được các vị đại biểu xứng tầm với niềm tin của nhân dân thì quy trình bầu cử và giám sát việc bầu cử và việc kiểm phiếu cần phải quy định chặt chẽ để bảo đảm kết quả bầu cử vô tư, khách quan, không gian lận trong việc bầu cử. Một trong những vấn đề cần chế định là phải có chế định về việc cấm bầu hộ, bầu thay, một người bầu cho cả hộ gia đình, làm cho kết quả bầu cử không được chính xác, cần phải chế định chặt chẽ. Cần cấm những hành vi xúi giục, vận động để bầu cho người này, gạch tên người kia.

 

Những hành vi được đại biểu nêu ra được cho là vi phạm pháp luật vì không bảo đảm sự vô tư, không thể hiện ý chí, nguyện vọng của từng cử tri. Đây là ý chí của một người xúi giục, kích động người khác. Cuối cùng đại biểu đề nghị phải có một cơ chế để giám sát tổ bầu cử và giám sát việc bỏ phiếu ngay trong quá trình bỏ phiếu trên thực tế, như việc xử lý số phiếu bầu còn lại trước giờ kết thúc bầu cử. Để bảo đảm làm sao kết quả bầu cử được vô tư, khách quan và kết hợp với tiêu chuẩn như vậy thì ít nhất chất lượng đại biểu sẽ được tăng lên.

 

Cùng vấn đề trên, đại biểu Nguyễn Thanh Thụy (Bình Định) cho rằng, trong vận động bầu cử không thể hiện được tính cạnh tranh giữa các ứng cử viên, đâu đó vẫn còn quân xanh, quân đỏ, nên trình độ năng lực giữa các ứng cử viên quá chênh lệch. Một người phải gánh quá nhiều cơ cấu như nữ, trẻ, ngoài Đảng, đại diện cho dân tộc thiểu số, đại diện ngành, lĩnh vực. Tình trạng đi bầu hộ, bầu thay phổ biến.

 

“Điều này không đơn thuần là vi phạm nguyên tắc bỏ phiếu, mà hậu quả còn nghiêm trọng hơn, đó là kết quả bầu cử không phản ánh đúng thực chất trình độ, năng lực, bản lĩnh của các ứng cử viên, sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng của đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân”, đại biểu Thụy phân tích.

 

Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (TP Hà Nội) đặc biệt quan tâm đến tư cách các ứng viên đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân. Quan thực tiễn các nhiệm kỳ Quốc hội, đại biểu cho biết, đều có những vấn đề mà các tổ chức bầu cử Quốc hội và cử tri phải quan tâm xử lý. “Vì luật quy định quá thoáng nên bất kể ai tự ứng cử cũng được. Điều đó dẫn đến việc cử tri cho rằng người ứng cử không bảo đảm sức khỏe, chưa gương mẫu dẫn đến các tổ chức bầu cử vất vả để hiệp thương lựa chọn nhân sự vào các bước sau”, đại biểu Khánh nêu những bất cập.

 

Vì vậy, đại biểu nhận thấy cần quy định cụ thể tiêu chuẩn người ứng cử khác với người đã trúng cử được công nhận là đại biểu Quốc hội, trong đó phải quy định rõ tiêu chuẩn thế nào là người có sức khoẻ, tư cách, đạo đức, tác phong, lối sống. Ngoài ra, cần tạo điều kiện cho đại diện của các tầng lớp nhân dân tham gia Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ tới cũng là góp phần khắc phục những khó khăn trong quá trình giám sát.

 

Quang Phong

Chuyên mục: Vĩ Mô

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *