CPI tháng 12 tiếp tục giảm đưa lạm phát cả năm chưa tới 2%

FICA – Với mức giảm 0,24% trong tháng 12 so với tháng 11, CPI cả nước trong năm 2014 chỉ tăng 1,84% so với thời điểm cuối 2013. Trong đó, với việc điều chỉnh giảm giá xăng dầu liên tục, chỉ số giá nhóm giao thông đã giảm 5,57% trong năm.

Diễn biến CPI theo tháng trong năm 2014 (đơn vị: %)

 
Tổng cục Thống kê vừa công bố Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cả nước tháng 12/2014. Theo đó, trong tháng này, chỉ số CPI tiếp tục giảm 0,24% so với tháng 11.
 
Các số liệu cho thấy, mức giảm của CPI trong tháng chủ yếu do giá nhiên liệu giảm, qua đó khiến chỉ số giá nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng giảm 0,99% và chỉ số giá nhóm giao thông giảm mạnh 3,09%. Đây cũng là hai nhóm hàng hóa, dịch vụ có chỉ số giảm đi xuống so với tháng trước trong 11 nhóm hàng thuộc rổ tính CPI.
 
Trong kỳ tính CPI của tháng 12, giá xăng dầu đã được điều chỉnh giảm hai lần. Lần thứ nhất vào ngày 22/11 với giảm tối thiểu 1.141 đồng/lít đối với xăng RON 92; khoảng 585 đồng/lít dầu diesel; khoảng 459 đồng/lít dầu hỏa; 536 đồng/kg dầu madút 180 CST 3,5S. Lần điều chỉnh thứ hai vào ngày 6/12 với mức giảm tối thiểu 312 đồng/lít với xăng RON 92; 244 đồng/lít với dầu diesel; 297 đồng/lít với dầu hỏa và 314 đồng/kg với dầu madút 180 CST 3,5S.
 
Bên cạnh đó, trong tháng (ngày 1/12), giá gas giảm 1.083 đồng/kg, tương đương mức giảm 13.000 đồng/bình 12kg cũng đã tác động đến chỉ số giá nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng (nhóm nay bao gồm tiền thuê nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng). Đây là lần giảm thứ 8 liên tiếp kể từ đầu năm. so với thời điểm 1/1/2014, giá gas đã giảm khoảng 115.000 đồng/bình 12 kg, tùy thương hiệu.
 
Trên thực tế, mặc dù chỉ số giá giao thông giảm mạnh nhưng vẫn có tình trạng các hãng vận tải, taxi cố tình neo giá và khiến liên bộ Tài chính – Giao thông Vận tải phải vào cuộc yêu cầu điều chỉnh giảm tương ứng theo giá xăng, dầu.
 
Xăng, dầu vốn là chi phí đầu vào quan trọng, tại một số lĩnh vực, ngành nghề, yếu tố này chiếm tới 20-30% giá thành. Do vậy, việc xăng, dầu giảm giá cũng đã tạo hiệu ứng tích cực giúp các mặt hàng ở những nhóm hàng hóa khác giảm giá theo.
 
Với ăn uống ngoài gia đình và lương thực, thực phẩm lần lượt tăng 0,07%, 0,14% và 0,05% so với tháng trước, chỉ số giá tại nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống ghi nhận tăng nhẹ 0,08%. Đây là nhóm có quyền số lớn nhất trong rổ tính CPI, chiếm gần 40%.
 
Điều thú vị là nhóm bưu chính viễn thông vốn có mức tăng giá khiêm tốn nhất thì trong tháng này lại tăng giá mạnh nhất với mức tăng 0,8% so với tháng 11. Ngoài ra, với tính chất mùa vụ, nhóm đồ uống và thuốc lá cũng tăng 0,18%; may mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,51%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,18%; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,34%.
 
Như vậy, so với thời điểm tháng 12/2013, chỉ số CPI cả nước mới chỉ tăng 1,84% (trong khi mục tiêu Chính phủ đặt ra từ đầu năm là lạm phát trong vòng 7%). Bình quân, lạm phát cả năm 2014 so với cả năm 2013 ở mức 4,09%.
 
So với tháng 12/2013, có hai nhóm hàng hóa có chỉ số giá giảm là nhóm giao thông (giảm 5,57%) và nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng (giảm 1,95%).
 
Mới đây, ngày 22/12, giá xăng dầu được điều chỉnh lần thứ 12 liên tiếp với mức giảm hơn 2.000 đồng tại mặt hàng xăng RON92, đưa mức giá xăng bán lẻ xuống mức thấp nhất từ năm 2008. Tuy nhiên, đợt giảm này lại nằm trong kỳ tính CPI tháng tới.
 
Theo ước tính của CTCK Bản Việt, đợt giảm mạnh này có thể giúp chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1/2015 giảm 0,8%, hạn chế lạm phát trước Tết Âm lịch.
 
Giá nhiên liệu giảm đồng thời cũng đóng vai trò như một gói hỗ trợ đối với tiêu dùng và sản xuất công nghiệp trong nước.
 
Cụ thể, theo ước tính, Việt Nam nhập khẩu khoảng 8,5 triệu tấn xăng (hay 10 tỷ lít) trong năm 2014, và vì vậy, giá xăng giảm 2.000 đồng/lít sẽ giúp nền kinh tế tiết kiệm khoảng 1 tỷ USD từ việc tiêu thụ xăng nhập khẩu.
 
Bích Diệp
Chuyên mục: Vĩ Mô

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *