CPI năm 2013 có mức tăng thấp nhất trong 10 năm qua

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) năm 2013 tăng khoảng 6 % so với năm 2012 là mức tăng thấp nhất trong khoảng 10 năm gần đây. Có được kết quả này là nhờ những chính sách điều hành kịp thời của Chính phủ.

Ảnh minh họa. (Ảnh: Quang Quyết/TTXVN)


Để làm rõ hơn vấn đề này, Phóng viên Thông tấn xã Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm.

-Tổng cục trưởng đánh giá thế nào về tốc độ tăng CPI trong năm 2013?

Ông Nguyễn Bích Lâm: Tổng cục Thống kê dự báo CPI năm 2013 tăng khoảng 6 % so với năm 2012. Tôi cho rằng CPI năm nay có tốc độ tăng thấp nhất trong khoảng 10 năm gần đây. Như vậy, mục tiêu kiểm soát lạm phát của Quốc hội năm nay sẽ đạt được.

Năm 2013, cả nước có 17 tỉnh, thành phố điều chỉnh giá dịch vụ y tế khiến CPI của nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 19,5% so với tháng 12 năm trước, đóng góp vào chỉ số chung cả nước xấp xỉ 1,1%. Các địa phương cũng tiếp tục thực hiện lộ trình tăng học phí làm cho CPI nhóm giáo dục tăng trên 11%, đóng góp vào chỉ số chung cả nước tăng khoảng gần 0,7%.

Bên cạnh đó, một ảnh hưởng nữa khiến CPI tăng là do giá xăng dầu được điều chỉnh 4 đợt tăng giá và 6 đợt giảm giá. Như vậy, giá xăng dầu trong năm đã tăng 2,15%, góp phần vào tăng CPI chung là 0,08%. Giá điện cũng được điều chỉnh 2 đợt (tháng 1 và tháng 8/2013) với mức tăng tổng cộng 10%; giá gas tăng mạnh 2 đợt (tháng 7 và tháng 12) khiến cho cả năm giá gas tăng gần 5%.

Không những thế, trong năm 2013, nước ta phải hứng chịu 15 cơn bão; trong đó, mạnh nhất là cơn bão số 14 và 15 đã gây thiệt hại lớn về người và tài sản của nhân dân, khiến cho giá cả tăng cục bộ ở một số tỉnh trực tiếp bị ảnh hưởng bão.

-Trong bối cảnh trên, theo ông, đâu là nguyên nhân chủ yếu khiến CPI tăng thấp?

Ông Nguyễn Bích Lâm: Tôi cho rằng, CPI năm 2013 tăng thấp chủ yếu do vụ Đông-Xuân, vụ Hè-Thu năm nay được mùa trên cả nước nên nguồn cung lương thực dồi dào, cùng với đó là sức mua phục hồi chậm, tổng cầu thấp. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ xã hội năm 2013 ước tăng 12,6%, loại trừ yếu tố giá chỉ tăng 5,6%, thấp hơn so với năm 2012 (tăng 6,2%). Trong khi đó, các doanh nghiệp bị tồn đọng sản phẩm.

Chỉ số tồn kho tính đến 1/11/2013 toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 9,4% so với cùng thời điểm năm 2012 cao hơn chỉ số tồn kho tính đến hết năm 2012 (năm 2012 tăng 6,9%).

Bên cạnh những nguyên nhân vừa đề cập ở trên, nguyên nhân cơ bản có tính chất quyết định đó chính là kết quả điều hành chính sách kịp thời của Chính phủ. Theo đó, c ác cấp, các ngành triển khai quyết liệt các biện pháp, chính sách có hiệu quả về tăng cường quản lý giá thị trường, cung cầu hàng hóa, chống buôn lậu, hàng giả, hàng nhái; bình ổn thị trường giá cả, kiềm chế tốc độ tăng CPI và kiềm chế lạm phát những tháng cuối năm 2013.

Trong năm, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam điều hành chính sách tiền tệ, tỷ giá, thị trường vàng linh hoạt và hiệu quả cũng đóng góp vào mục tiêu kiềm chế lạm phát.

Từ mức lãi suất huy động 18%/năm trong năm 2011, khiến lãi suất cho vay cao tới 23-25%/năm, đến nay, trần lãi suất huy động đã giảm về mức 7%/năm và chỉ áp dụng đối với kỳ hạn dưới 6 tháng, mức lãi suất cho vay được điều chỉnh xuống mức hợp lý hơn, quanh ngưỡng 10-12%/năm, khiến tỷ trọng những khoản cho vay có lãi suất 13%/năm chiếm hơn 70% tổng dư nợ cho vay trên toàn hệ thống.

Tốc độ tăng trưởng tín dụng không quá "nóng" như trước, mà đã trở về trạng thái cân bằng và ổn định hơn. Chênh lệch tỷ giá giữa thị trường chính thức và tự do được thu hẹp, tỷ lệ đô la hóa giảm mạnh. Thị trường vàng cũng không còn bị "sốt" và nhu cầu vàng trong dân đã bão hòa nên khoảng cách giữa giá vàng trong nước và thế giới dần được thu hẹp. Tôi cho rằng, yếu tố phối hợp chính sách giữa các Bộ, ngành được triển khai nhịp nhàng hơn, hiệu quả hơn, vì vậy, đã hạn chế tác động ngược của việc thực thi chính sách.

-Thưa ông, có ý kiến cho rằng CPI tăng thấp là do sức cầu thấp và do doanh nghiệp bị tồn đọng sản phẩm, tức là do sự trầm lắng của nền kinh tế, đó là dấu hiệu tiêu cực. Vậy Tổng cục trưởng có bình luận gì về vấn đề này?

Ông Nguyễn Bích Lâm: Nguyên nhân CPI năm nay tăng thấp đã được đề cập ở trên. Diễn biến các chỉ tiêu kinh tế trong năm 2013 cho thấy nền kinh tế đã gặp không ít khó khăn. Tăng trưởng GDP ước đạt xấp xỉ 5,4%, thấp hơn so với kế hoạch đề ra 5,5% ; nhưng cao hơn mức tăng 5,25% của năm 2012. Tuy nhiên, n ền kinh tế được cải thiện qua từng quý và đang dần phục hồi, vẫn giữ được quy luật tăng trưởng GDP quý sau cao hơn quý trước: GDP quý I tăng 4,76%, quý II tăng 5%, quý III tăng 5,54% và quý IV tăng 5,91%.

Trong khi đó, p hát triển doanh nghiệp và sản xuất công nghiệp có chuyển biến tích cực. Số d oanh nghiệp đăng ký thành lập mới 11 tháng tăng 9,5% so cùng kỳ năm trước. Số doanh nghiệp tạm ngừng sản xuất đã quay trở lại hoạt động tăng dần qua từng tháng, 11 tháng có khoảng 12,7 nghìn doanh nghiệp hoạt động trở lại.

Vốn đầu tư thực hiện theo giá hiện hành tăng 6,8%, tăng trưởng tín dụng đến cuối tháng 11 tăng 7,54% so với tháng 12 năm 2012; nhập khẩu tăng 17,8% , trong đó 90% kim ngạch nhập khẩu là nguyên vật liệu và máy móc thiết bị cho sản xuất; lãi suất giảm từ 2%-5%; trong đó lãi suất huy động giảm 2%-3%, cho vay giảm 3%-5% , tỷ giá ổn định và được điều hành linh hoạt. Tôi cho rằng đây là những dấu hiệu tốt của nền kinh tế để tạo bước phát triển trong các năm sau.

-Năm 2014 cũng được đánh giá là năm nền kinh tế tiếp tục gặp nhiều khó khăn. Vậy Tổng cục Thống kê dự báo CPI trong năm tới sẽ ở mức nào, trước mắt là tháng đầu năm, tháng giáp Tết Nguyên đán Giáp Ngọ?

Ông Nguyễn Bích Lâm: Theo tôi, giá cả tháng 12 năm 2013 sẽ tăng không cao, tương đương các tháng trước. Tuy nhiên vào dịp Tết Nguyên đán, CPI của tháng 1 năm 2014 có khả năng sẽ tăng cao hơn các tháng cuối năm 2013 do nhu cầu mua sắm cuối năm và nhu cầu chuẩn bị hàng Tết tăng.

CPI tháng đầu năm tăng là chuyện rất bình thường vì chịu tác động tăng bởi một số yếu tố như nhu cầu sản xuất, chế biến và dự trữ thực phẩm cũng như hàng hóa khác phục vụ Tết Nguyên đán tăng. Mặt khác yếu tố mùa vụ (thời tiết lạnh tại khu vực phía Bắc cùng với dịp lễ Tết sắp đến) nên nhu cầu đối với một số mặt hàng thực phẩm, nhiên liệu, may mặc, mũ nón, giầy dép, giao thông công cộng tăng có thể tác động gây tăng giá.

Tuy nhiên, hiện nay, sức mua còn yếu, tác động giá do tâm lý được hạn chế sẽ là những yếu tố góp phần giảm áp lực tăng CPI của tháng 1 năm 2014.

Hiện nay lạm phát đang dần ổn định, năm 2013 giữ được ở mức thấp như năm 2012. Tôi cho rằng, Chính phủ cần tiếp tục thực hiện chính sách kiềm chế lạm phát không chỉ khi đang cao, mà còn phải có những cam kết kiềm chế ngay cả khi lạm phát đang khá thấp và ổn định.

Ở nước ta, trạng thái lạm phát thấp thực tế là một cân bằng không bền và dễ bị phá vỡ, trong khi tình trạng lạm phát cao có khuynh hướng dễ quay lại. Năm 2014 cũng có nhiều yếu tố có thể gây tác động làm tăng CPI như: việc nới tỷ lệ thâm hụt ngân sách lên 5,3% so với GDP; phát hành thêm trái phiếu Chính phủ sẽ làm lượng tiền trong lưu thông tăng lên; cùng với lộ trình tăng dịch vụ giáo dục, y tế, giá điện, giá nước. Tuy nhiên với mục tiêu kiểm soát lạm phát của Chính phủ đã đề ra cùng với sự quyết tâm của các Bộ, ngành, địa phương, Tổng cục Thống kê dự báo CPI năm 2014 sẽ chỉ tăng khoảng 7%.

Theo Thúy Hiền

TTXVN

Chuyên mục: Vĩ Mô

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *