Chuyên gia nói về việc giá xăng dầu giảm làm ngân sách hụt thu: Cái lợi lớn hơn thiệt hại

“Chúng ta vẫn chưa tính toán hết được các lợi ích khi giá dầu thế giới giảm mà chỉ thấy những mặt tác động không tích cực tới nền kinh tế là chưa khách quan và công bằng trong bối cảnh giá dầu và nền kinh tế Việt Nam hiện nay”.

Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh (ảnh) đã nói như vậy khi trả lời phỏng vấn phóng viên NTNN xung quanh việc tác động giảm giá của xăng dầu thế giới tới nền kinh tế Việt Nam.

Giá dầu thế giới giảm mạnh tác động như thế nào tới nền kinh tế của chúng ta hiện nay, theo quan điểm của ông?

Kho cảng xăng dầu Chân Mây (Thừa Thiên-Huế), nơi trung chuyển sản phẩm của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất (Quảng Ngãi) đến thị trường miền Trung.  TTXVN
 

- Cuộc họp của Chính phủ mới đây đã nêu tác động giảm của giá dầu thế giới làm giảm nguồn thu ngân sách của chúng ta, và đây là điều hết sức lo ngại. Tuy nhiên, cá nhân tôi cho rằng, nêu như vậy mới chỉ là một mặt của vấn đề. Mặt thứ hai quan trọng hơn là giá dầu thế giới giảm thì giá xăng dầu, cước vận tải… trong nước đang giảm mạnh theo. Hiện chúng ta vẫn đang nhập khẩu nhiều các sản phẩm sợi, chất dẻo, phân bón, thuốc sâu (những sản phẩm làm từ dầu mỏ) với giá rẻ đi. Do vậy, tôi cho giá dầu thế giới giảm, cái lợi với nền kinh tế của ta lớn hơn là những thiệt hại mà nó đưa lại.

Chưa kể, Theo Cơ quan quản trị số liệu năng lượng của Mỹ (US.Energy Information Administration), chúng ta là một nước nhập siêu về dầu. Tính trung bình cho năm 2013, số dầu nhập siêu của ta là 59,326 thùng/ngày. Như vậy mặc dù chúng ta sẽ thất thu 25% lợi tức về dầu xuất cảng, nhưng cộng chung với số dầu nhập cảng, Việt Nam là nước hưởng lợi từ giá dầu thế giới giảm.

Nhưng hiện nay dầu thô đóng góp tới gần 1/4 số thu ngân sách hàng năm và việc xuất khẩu dầu mang về một lượng ngoại tệ không nhỏ đảm bảo cân đối cán cân thương mại, vậy việc giá dầu giảm sẽ khó tránh ảnh hưởng đến ngân sách, đến cân đối vĩ mô và tăng trưởng kinh tế?

 “Nếu chúng ta biết tận dụng thời cơ để cải cách, khuyến khích doanh nghiệp kinh doanh tốt hơn lên để chớp lấy cơ hội đầu vào giảm thì cái thiệt do giá dầu giảm của xuất khẩu sẽ bù được vào việc tăng xuất khẩu hàng hóa khác”. 
 

- Giá dầu giảm tác động giảm thu ngân sách là hoàn toàn đúng. Trên thực tế tại Việt Nam, 10% GDP là nguồn thu từ dầu thô. Nếu giá dầu giảm theo dự báo của các tổ chức tài chính thế giới (khoảng 85-90 USD/thùng) thì ngân sách năm 2015 dự kiến sẽ hụt thu từ mười mấy nghìn tỷ đồng so với mức dự toán thu của Quốc hội. Song như tôi đã nói, nếu chúng ta biết tận dụng thời cơ để cải cách, khuyến khích doanh nghiệp kinh doanh tốt hơn lên để chớp lấy cơ hội đầu vào giảm thì cái thiệt do giá dầu giảm của xuất khẩu sẽ bù được vào việc tăng xuất khẩu hàng hóa khác. Và nếu doanh nghiệp kinh doanh tốt hơn thì Nhà nước sẽ tăng thu thuế được nhiều hơn…

Bộ Công Thương đang xây dựng 2 kịch bản ứng phó với diễn biến phức tạp của giá dầu thế giới. Kịch bản 1: Tăng cường khâu dự trữ dầu thô để khi nào giá xuống thấp tạm trữ lại, chưa xuất hết, khi nào giá cao hơn lại xuất. Kịch bản 2 là không tiến hành khai thác đều trong năm mà căn cứ diễn biến và dự báo, lúc có lợi sẽ tăng khai thác, khi nào giá bất lợi giảm sản lượng như một số nước đang làm, ông nghĩ sao?

- Thay vì đưa ra các kịch bản, cơ quan chức năng cần vào cuộc nghiên cứu, nhằm có những điều chỉnh chính sách kịp thời, bởi giá dầu thế giới dự báo sẽ còn tiếp tục giảm. Tôi kiến nghị cần có ngay các phương án, đề xuất của Chính phủ tận dụng cơ hội giá dầu giảm, doanh nghiệp tận dụng cơ hội này như thế nào. Chúng ta nên tính cụ thể nhập bao nhiều dầu, lợi bao nhiêu, nhập bao nhiêu sợi lợi bao nhiêu... để từ đó xem chúng ta có thể sản xuất gì tốt được hay không, như thế sẽ tốt hơn.

Xin cảm ơn ông!

Thu từ dầu thô chỉ còn 50.000 tỷ đồng?

Giá dầu thô đã giảm xuống 69 USD/thùng ngày 2.12 từ giá khoảng 115 USD/thùng một vào cuối tháng 6. Hay giá đã giảm 40% trong 5 tháng. Hội nghị các nước xuất khẩu dầu OPEC họp tuần qua và họ không có kế hoạch giảm sản lượng nên giá sụt mạnh. Những nước mà nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào dầu sẽ bị ảnh hưởng lớn của sự sụt giá dầu. Vài nước phụ thuộc lớn vào dầu (có thể đo bằng tỷ lệ của giá trị dầu thô sản xuất ra trừ chi phí  so với tổng sản phẩm quốc nội GDP) là Kuwait (54%), Lybia (52%) Saudi Arabia (46%), Iraq (45%), Venezuela (27%), Nga (14%). 

Thu ngân sách từ dầu là đáng kể đối với một số nước. Sự phụ thuộc của ngân sách vào dầu có thể được đo bằng tỷ lệ thu từ dầu trên tổng thu ngân sách, hoặc bằng mức giá dầu để cân bằng ngân sách. Thí dụ, các chuyên gia cho rằng để cân bằng ngân sách, Nga cần giá dầu ở mức 105 USD/thùng, Iran cần 140 USD/thùng, Venezuela cần 161 USD/thùng, Kuwait 54 USD/thùng. Như thế ngân sách của Kuwait vẫn bội thu khi giá dầu giảm xuống 69 USD/thùng, trong khi đó thâm hụt nặng ở Nga, Iran và Venezuela.

Giá dầu giảm ảnh hưởng thế nào đến ngân sách Việt Nam. Theo Niên giám thống kê 2013, tỷ lệ thu ngân sách từ dầu thô trên tổng thu ngân sách các năm 2005, 2009, 2010, 2011 và 2012 lần lượt là 29,16%, 13,44%, 11,76%, 15,27% và 18,85%. Tỷ lệ đóng góp cho ngân sách của thu từ dầu thô ở mức quá cao trên 29% năm 2005 đã giảm một cách lành mạnh xuống gần 12% năm 2010, song lại có xu hướng tăng trong 2 năm tiếp theo. 

Dự toán thu ngân sách năm 2013 là 816.000 tỷ đồng, trong đó từ dầu thô 99.000 tỷ đồng (chiếm 12,13%); các số tương ứng của dự toán ngân sách 2014 là 782,7 ngàn tỷ đồng và 85,2 ngàn tỷ đồng (chiếm 10,89% tổng thu ngân sách). Có thể thấy cả dự toán thu ngân sách và thu từ dầu thô đã giảm. Dự toán thu ngân sách 2014 từ dầu thô dựa trên giả định giá dầu thô trung bình 110 USD/thùng, giá trung bình 11 tháng đầu năm là 109 USD và gây ra giảm thu 1.000 tỷ đồng. Có thể thấy do giá dầu đầu năm còn cao nên sự sụt giảm gần đây có lẽ chỉ ảnh hưởng ít đến thu ngân sách của năm nay. Tuy vậy thu ngân sách của năm 2015 chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng lớn (có lẽ thu từ dầu thô sẽ chỉ ở mức 50.000 tỷ đồng) nếu giá dầu ở mức thấp như hiện nay. 

 Nguyễn Quang A
 

Theo Mai Hương

Dân Việt 

Chuyên mục: Vĩ Mô

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *