Chủ tịch ADB "thúc" Chính phủ nâng chỉ tiêu tăng trưởng lên 7-8%

FICA - Dự báo Việt Nam sẽ tăng trưởng ở mức 5,6% trong năm 2014, song ADB vẫn khuyến khích Chính phủ đặt mục tiêu trở lại mức tăng trưởng 7-8% trong những năm tiếp theo.

ADB giữ nguyên dự báo triển vọng tăng trưởng Việt Nam 2014 ở mức 5,6% (ảnh: BD).

 
Đầu giờ chiều nay (19/9), Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) đã có cuộc gặp gỡ báo chí nhân chuyến thăm Việt Nam của Chủ tịch ADB - ông Takehiko Nakao.
 
Trong chuyến công tác kéo dài hai ngày, ông Nakao đã có các cuộc hội kiến với Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Văn Bình.
 
Ghi nhận những kết quả đạt được trong ổn dịnh chính trị và ổn định kinh tế vĩ mô - hai yếu tố then chốt đối với phát triển kinh tế xã hội, ông Takehiko cũng lưu ý, Việt Nam cần đẩy mạnh hơn nữa những cải cách cơ cấu, chủ yếu là trong khu vực doanh nghiệp nhà nước, lĩnh vực ngân hàng và đầu tư công. 
 
Đồng thời, Chủ tịch ADB cũng khuyến nghị, Chính phủ Việt Nam cần quản lý nợ công thông qua mở rộng cơ sở thuế và hợp lý hóa chi tiêu công.
 
Theo đánh giá của ADB, Việt Nam đã từng là một trong những nền kinh tế có tốc đột tăng trưởng cao nhất thế giới kể từ năm 1990 và vươn lên thành một quốc gia có mức thu nhập trung bình vào năm 2010. Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế đã giảm sút từ mức trung bình là 7,3% trong giai đoạn 2000-2007 xuống còn 5,7% trong giai đoạn 2008-2013 do tốc độ cải cách cơ cấu diễn ra chậm chạp và ảnh hưởng của bất ổn kinh tế toàn cầu.
 
Với đà tăng trưởng như hiện nay, ADB vẫn giữ nguyên dự báo như đã đưa ra hồi tháng 4 vừa qua: Việt Nam sẽ tăng trưởng ở mức 5,6% trong năm 2014 (thấp hơn so với mục tiêu Chính phủ đặt ra là 5,8%). Tuy nhiên, tổ chức này vẫn khuyến khích Chính phủ đặt mục tiêu trở lại mức tăng trưởng 7-8% trong những năm tiếp theo.
 
Theo nhận định của ông Nakao, khu vực tư nhân đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy năng lực cạnh tranh của Việt Nam và tránh bẫy thu nhập trung bình. "Việt Nam cần thực hiện hiệu quả những luật lệ và quy định trong kinh doanh để tạo ra một sân chơi bình đẳng cho tất cả các doanh nghiệp và hỗ trợ phát triển một môi trường cạnh tranh lành mạnh hơn".
 
Tổ chức này đã cam kết cung cấp 630 triệu USD trong vòng 10 năm để tiến hành tái cơ cấu thử nghiệm một số doanh nghiệp nhà nước lớn được lựa chọn nhằm cải thiện năng lực cạnh tranh của những doanh nghiệp này.
 
Song song với đó, ADB cũng đang hỗ trợ cho những thách thức dài hạn nhằm phát triển một khu vực tài chính trong nước có chiều sâu và đa dạng hơn. Những cải cách này cũng sẽ điều kiện cho phát triển khu vực tư nhân.
 
Kể từ năm 1993 trở lại đây (tính đến tháng 12/2013), hỗ trợ của ADB cho Việt Nam đã đạt tổng cộng 12,85 tỷ USD, trong đó, 12,43 tỷ USD là cho vay, 253,5 tỷ USD hỗ trợ kỹ thuật và 170 triệu USD viện trợ không hoàn lại. Chương trình cho vay hàng năm của ADB hiện vào khoảng 1,3 tỷ USD hỗ trợ cho giao thông, năng lượng, nông nghiệp và tài nguyên, cung cấp nước và các cơ sở hạ tầng, dịch vụ đô thị, giáo dục và tài chính. 
 
Bích Diệp
Chuyên mục: Vĩ Mô

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *