Chủ động giảm nguồn cung nguyên liệu từ TQ

Để có đủ lực nhằm bảo đảm tự chủ trong sản xuất hàng hóa, cần phải kêu gọi ngoại lực và mở nhiều “cửa ra, cửa vào” cho hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam.

Nhiều năm qua, nhập khẩu vải, thép của Việt Nam (VN) luôn cao, trong đó nhập chính từ Trung Quốc (TQ). Trong trung hạn và dài hạn, vượt qua sự phụ thuộc vào hàng nhập khẩu TQ là một bài toán đặc biệt quan trọng.

Liên kết với nhà đầu tư nước ngoài

Nhận diện về thực trạng nhập khẩu ngành dệt may, ông Nguyễn Văn Tuấn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bông sợi VN, cho biết ngành may VN nhập trên 80% vải, trong đó 50% phải nhập từ TQ. Một vị nguyên lãnh đạo của Tập đoàn Dệt may VN cho biết về chiến lược lâu dài, phải tính đến đầu tư sản xuất tại VN. Chính phủ cần tính đến phương án lập khu công nghiệp chuyên về dệt, nhuộm, đồng thời các doanh nghiệp (DN) cũng phải ý thức chuyện nâng cao năng lực và đổi mới công nghệ.

Tuy nhiên, để đầu tư một nhà máy kéo sợi hay dệt, nhuộm đòi hỏi vốn lớn, thiết bị và công nghệ hiện đại hơn… và chỉ có những tập đoàn lớn mới đủ sức thực hiện. Bằng chứng là mỗi năm VN cần 6 tỉ mét vải nhưng DN nội chỉ đáp ứng được hơn 1 tỉ mét. Vì vậy, liên kết với các đối tác nước ngoài là một hướng đi để nhanh chóng tạo ra được nguyên phụ liệu sản xuất tại chỗ cho ngành dệt may. Muốn thế, Nhà nước cần có chính sách thu hút nhà đầu tư nước ngoài, kêu gọi những DN có sẵn công nghệ, rành rẽ về thời trang. Hiện nay đã có nhiều DN dệt may VN liên doanh với DN Nhật, EU sản xuất sản phẩm cao cấp, thành lập chuỗi giá trị dệt may bền vững.

 

Ngành dệt may cần liên kết để tạo nguyên phụ liệu tại chỗ. Ảnh: QUỲNH NHƯ 

 

Liên kết nội bộ để đầu tư đúng mức

Tương tự ngành dệt may, theo ông Nguyễn Văn Sưa, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép VN (VSA), thì ngành thép VN cũng chủ yếu nhập khẩu từ TQ. Bình quân mỗi năm trên 3 triệu tấn, trong đó phần lớn là thép cuộn cán nóng bởi hiện nay VN chưa có nhà máy sản xuất. “Cái khó nhất của ngành thép là cần đến nhà máy sản xuất từ quặng sắt, trong khi đó hiện nay VN mới chỉ đang xây dựng Nhà máy thép Fimosa (Hà Tĩnh). Đồng tình quan điểm trên, ông Nguyễn Tiến Nghi, nguyên Phó Chủ tịch VSA, tiết lộ: Nước ta không có công nghệ lò cao không thể sản xuất được. Nước ta lúc trước cũng nhập công nghệ lò cao nhưng nhập phải thiết bị cũ, công suất thấp, sản xuất ra giá thành cao không đủ cạnh tranh với thép nhập khẩu cuối cùng cũng “chết”.

Theo ông Nghi, giải pháp tốt nhất hiện nay vẫn là đầu tư đúng mức, có trọng điểm vào các dự án khai thác mỏ, các dự án sản xuất phôi từ quặng, tránh đầu tư dàn trải. Đặc biệt là chấm dứt đầu tư các dự án cán thép không đi liền với dây chuyền sản xuất phôi. Cần phát triển ngành khai khoáng, tạo tiền đề cho ngành công nghiệp luyện cán thép. Nếu DN không đủ lực thì hợp tác cùng nhau góp vốn, góp sức đầu tư, phải đầu tư công nghệ thiết bị hiện đại thì mới chủ động được sản xuất, khai thác tốt thị trường. Về lâu dài, theo đại diện VSA, DN VN sẽ phải cố gắng tự sản xuất, đổi mới công nghệ, tăng năng lực cạnh tranh để xây dựng các nhà máy quy mô lớn.

Săn lùng nguồn cung mới

Một cán bộ Hiệp hội Dệt may VN cho rằng sở dĩ VN nhập siêu dệt may từ TQ là bởi DN trong nước khó đáp ứng nổi nguyên phụ liệu. Ông Lê Hồng Phoa, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Bình Dương, Tổng Giám đốc Công ty May mặc Bình Dương, cho biết tại Bình Dương, đa số DN dệt may là DN có vốn đầu tư nước ngoài và họ không tính chuyện xoay trở nguồn cung nguyên phụ liệu.

Còn các DN VN thì cần phải tính đến điều này. Ví dụ, Công ty May mặc Bình Dương trước đây nhập nguyên phụ liệu từ TQ đến 80%, công ty đã tìm cách chuyển hướng nhập từ nhiều nguồn khác như Nhật, Indonesia, Thái Lan, đến nay nguyên phụ liệu TQ chỉ khoảng 20% mà thôi.

Chia sẻ kinh nghiệm về đa dạng nguồn nguyên liệu, ông Phoa cho biết DN phải săn lùng và đàm phán mới tìm được nhà cung cấp hàng có chất lượng tương đương, giá tương đương như nguồn TQ.

Thứ hai, khi thay đổi nguyên phụ liệu thì phải thuyết phục được khách hàng mua hàng của mình để họ chấp nhận nguồn mới. Mình phải làm mẫu cho họ thử, họ kiểm tra, thương lượng với họ, thường mất 6-9 tháng, rồi thì họ sẽ đồng ý vì bản thân họ cũng muốn giảm rủi ro khi nguồn nguyên liệu tập trung ở một nguồn TQ.

Thứ ba, vì các nguồn cung mới thường ở xa hơn TQ nên thời gian chở hàng về VN lâu hơn, ví dụ hàng Indonesia mất 2-3 tuần mới về đến, trong khi hàng TQ chưa đến một tuần. Do đó, DN phải thay đổi cách thức, thời gian đặt hàng cho phù hợp tiến độ sản xuất và chỉ có thể áp dụng cho những sản phẩm ổn định về nguồn nguyên liệu, thời gian giao hàng mà thôi.

 

Theo Quỳnh Như - Quang Huy - Trà Phương - Thành Văn

PLTP

 

không phụ thuộc vào một đối tác

Trong công tác thẩm định, chọn nhà thầu TQ, việc lựa chọn nhà thầu nào phải đúng quy định pháp luật, trong đó việc đầu tiên phải xác định được năng lực của nhà thầu, tiến hành đấu thầu và ai bỏ giá thấp thì trúng thầu. Hiện tại yếu tố giá thấp vẫn được ưu tiên lựa chọn thì đương nhiên nhà thầu nào bỏ giá thấp thì trúng. Nhà thầu TQ là một trong những nhà thầu bỏ giá thấp thì họ trúng. Các văn bản quy phạm pháp luật cần phải tiếp tục hoàn thiện để làm sao loại trừ được những trường hợp nhà thầu không đủ năng lực, tất nhiên phải dần dần chứ ngay một lúc thì không thể làm được.

Bộ trưởng Bộ GTVT ĐINH LA THĂNG

Hội nhập nhưng phải chủ động

Nền kinh tế giờ đây là nền kinh tế phẳng, đan xen, các nước cũng lệ thuộc lẫn nhau. Trong một chuỗi giá trị thì mỗi anh ở một khâu nào đó, khi một anh ảnh hưởng, tất cả đều ảnh hưởng, không thể đứng một mình được. Xu thế là vậy. Nhưng vẫn phải có sự chủ động của chúng ta. Để nếu khó khăn, chúng ta vẫn đảm bảo xử lý, hoạt động ổn định. Do đó, người dân, DN phải xác định không có đối tác vĩnh viễn, không có bạn hàng vĩnh viễn, chỉ có nguyên tắc lợi ích là vĩnh viễn thôi. Vậy đừng nên nghĩ chỉ duy nhất xuất sang TQ mà nên chủ động tìm thêm thị trường khác. Nếu bị chặn chỗ này thì phải đi chỗ khác, đừng để bị bế tắc.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách 
PHÙNG QUỐC HIỂN

Phải nắm bắt thị hiếu hàng hóa

Ông Nguyễn Văn Tuấn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bông sợi VN, nhận định DN đầu tư vào ngành dệt vải phải nắm bắt được xu hướng thời trang, cái này VN đang rất yếu. Ta không nắm bắt được thời trang, không biết thị trường năm sau, năm tới nữa sẽ cần loại vải như thế nào, màu sắc ra sao, thành phần vải gồm những gì... để mà dệt cho phù hợp, kịp thời, đúng trọng tâm. Muốn giảm nhập vải thì ta phải tìm cách đầu tư cho lĩnh vực thiết kế thời trang, tham khảo các trung tâm thời trang lớn như New York, London, Milan...

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *