Chi tiêu ngân sách được ví như "miệng ăn núi lở"

Đại biểu Quốc hội chỉ ra rằng vấn đề cân đối ngân sách đang trong tình trạng cấp bách bởi “miệng ăn núi lở" nhưng tình hình hiện nay phải phụ thuộc vào tinh giản bộ máy, cải cách thể chế từ Chính phủ.


Ông Vũ Tiến Lộc: Cần xây dựng chính sách cụ thể về giảm biên chế

Ông Vũ Tiến Lộc: "Cần xây dựng chính sách cụ thể về giảm biên chế"

Tiếp nối những lo ngại của các đại biểu Quốc hội về tăng trưởng kinh tế, nợ công, đầu tư công, trong phiên thảo luận diễn ra chiều nay (31/10), ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) cho rằng, dù Chính phủ thể hiện sự quyết tâm rất lớn trong thời gian qua những kết quả đến nay vẫn chưa đạt kỳ vọng.

"Chi thường xuyên vẫn cao, nợ công cũng cao, tốc độ giải ngân chậm. Năm nào chúng ta cũng muốn tiêu nhiều tiền hơn năm trước thì với tư duy như vậy, bao giờ mới đưa về bảo đảm an toàn nợ công”, ông lo ngại.

Chỉ ra rằng vấn đề cân đối ngân sách là cấp bách, là “miệng ăn núi lở" nhưng tình hình hiện nay không phụ thuộc Bộ Tài chính mà phụ thuộc vào tinh giản bộ máy của Bộ Nội vụ.

"Cần xây dựng chính sách cụ thể về giảm biên chế, giống như cách Thủ tướng đặt ra cắt giảm thủ tục điều kiện kinh doanh. Đồng thời, không thành lập thêm siêu ủy ban, siêu bộ có như thế mới tạo được dư địa để cân đối thu chi, đảm bảo an toàn nợ công”, ông Lộc nói.

Giống như nhiều đại biểu đã phát biểu trước đó, ông Lộc cho rằng dù tăng trưởng GDP cao nhưng doanh nghiệp vẫn hết sức khó khăn.

"Có gần 60% doanh nghiệp làm ăn không có lãi, số doanh nghiệp thành lập mới rất cao nhưng số giải thể cũng không ít. Doanh nghiệp đang rất khó khăn. Vì thế, mục tiêu 2018 không cao hơn so với 2017 là sự cẩn trọng cần thiết”, ông đánh giá.

Phản hồi lại những ý kiến thảo luận từ đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, về tốc độ tăng trưởng GDP năm 2017 là số liệu "đáng tin cậy” dựa trên phương pháp thống kê có cơ sở khoa học, khách quan, được các tổ chức lớn công nhận.

Nhắn nhủ “đại biểu yên tâm”, ông cũng khẳng định tình hình chung hiện tại là “tích cực”, trong đó mục tiêu tăng trưởng cả năm khả quan khi nhìn vào những con số. Trong 10 tháng đầu năm nay, chỉ số sản xuất công nghiệp đạt 8,1%, cao hơn số trên 7% cùng kỳ. Khách đến Việt Nam đạt 10,5 triệu lượt, tăng 28,1% so cùng kỳ. Số doanh nghiệp thành lập mới, đầu tư FDI và xuất khẩu cả năm đều tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ. Đặc biệt, cả năm ước xuất khẩu đạt 204 tỷ USD, lần đầu tiên vượt ngưỡng 200 tỷ.

Riêng với câu chuyện đầu tư công, Bộ trưởng Dũng thừa nhận tốc độ giải ngân 9 tháng chỉ đạt 94% là thấp. Trong đó, nguyên nhân giao chậm vốn trái phiếu Chính phủ được lý giải là do đặc thù chỉ được phân bổ cho các dự án nằm trong danh mục thực hiện.

"Năm 2017, chúng ta phải làm 2 việc song song, vừa giao kế hoạch trung hạn vừa hàng năm nên mất thời gian. Về lý do khách quan là do phải thực hiện quy định chặt chẽ hơn, quy định mới nên nhiều lúng túng. Bên cạnh đó cũng có trách nhiệm của cơ quan tổng hợp, còn nể nang, chưa đôn đốc”, ông nói .

Trước đánh giá của đại biểu về việc tăng trưởng kinh tế tăng giảm đột ngột theo từng quý trong năm, Bộ trưởng cho biết, tăng trưởng kinh tế là chỉ tiêu phụ thuộc vào nhiều yếu tố, riêng trong quý I thì thường bị ảnh hưởng bởi Tết, kết thúc năm ngân sách…

“Tuy nhiên, chất lượng tăng trưởng giai đoạn 2011-2017 đã có nhiều cải thiện, chưa phải mức độ cao nhưng cùng tiến trình, chúng ta có cơ sở tin tưởng chất lượng ngày càng đúng hướng, đạt mức cao hơn”, ông nói thêm.

Phương Dung

Chuyên mục: Vĩ Mô

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *