Chặn nạn “cò mồi” thủ tục vay vốn đóng tàu đánh bắt xa bờ

FICA - Để ngăn ngừa tình trạng “cò mồi” thủ tục vay vốn như từng xảy ra ở Quảng Ngãi, Chi cục Khai thác & Bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh Khánh Hòa đã hướng dẫn khung mẫu

Ngành chức năng tỉnh Khánh Hòa đang nỗ lực ngăn chặn nạn “cò mồi” thủ tục vay vốn đóng tàu đánh bắt xa bờ theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP khi tình trạng này đã và đang xảy ra tại Quảng Ngãi.

 

Chặn nạn “cò mồi” thủ tục vay vốn đóng tàu đánh bắt xa bờ
Ngư dân Khánh Hòa đăng ký vay vốn đóng tàu đánh bắt xa bờ theo Nghị định 67 nghe hướng dẫn về các quy định khi vay vốn, sáng 18/9.

 

Ngày 18/9, Chi cục Khai thác & Bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh Khánh Hòa đã tổ chức gặp mặt hơn 200 ngư dân đăng ký nâng cấp, cải hoán và đóng mới tàu cá theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 25/8 vừa qua. Theo đó, Chi cục này đã hướng dẫn ngư dân về việc thành lập lại Tổ đội đoàn kết sản xuất trên biển. Yêu cầu mỗi tổ từ 5 đến 8 tàu phải có chứng nhận của chính quyền địa phương vì đây là một trong những điều kiện để được xét vào danh sách vay vốn.

Chi cục Khai thác & Bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh Khánh Hòa yêu cầu ngư dân khẩn trương nộp “phương án sản xuất” cho chính quyền cấp xã (hoặc phường) để UBND huyện, tỉnh thẩm định, phê duyệt.

Để ngăn ngừa tình trạng “cò mồi” thủ tục vay vốn như từng xảy ra ở Quảng Ngãi, Chi cục Khai thác & Bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh Khánh Hòa đã hướng dẫn khung mẫu về “phương án sản xuất” khai thác thủy sản, hậu cần dịch vụ nghề cá ở vùng biển xa cho chủ tàu cá.

 

Khánh Hòa dự kiến đóng thí điểm 6 tàu vỏ thép trong đợt 1 triển khai Nghị định 67.
Khánh Hòa dự kiến đóng thí điểm 6 tàu vỏ thép trong đợt 1 triển khai Nghị định 67.

 

Tại Khánh Hòa, ông Võ Khắc Én, Chi cục phó Chi cục Khai thác & Bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh - cho biết: “Chúng tôi đang làm phương án, hướng dẫn chi tiết cho ngư dân để đến 30/9 tới đây bà con phải nộp hồ sơ vay vốn đầy đủ. Những ai còn thắc mắc, chưa hiểu thì đến Chi cục để được hướng dẫn tận tình, không phải mơ hồ để bị “cò mồi” lợi dụng. Hiện Khánh Hòa chưa ghi nhận tình trạng cò mồi thủ tục vay vốn bởi chúng tôi đã làm đón đầu”.

Theo tinh thần của Nghị định 67, tỉnh Khánh Hòa sẽ thí điểm đóng mới 30 tàu cá (6 tàu vỏ thép, 24 tàu vật liệu composite) làm nghề câu, lưới vây, chụp mực và 2 tàu dịch vụ nghề cá với số vốn dự kiến hơn 350 tỷ đồng.

Trước đó, ngày 22/8, trong buổi làm việc tại Nha Trang để “Triển khai thực hiện Nghị định 67/2014/NĐ-CP về một số chính sách phát triển thủy sản”, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cho biết: Việc ban hành Nghị định 67 là thể hiện quyết tâm rất cao của Đảng và Nhà nước để tạo ra một bước đột phá nhằm thúc đẩy ngành khai thác thủy sản phát triển bền vững. Thông qua đó tạo điều kiện để ngư dân tham gia bám biển, đánh bắt xa bờ, bảo vệ chủ quyền biển đảo, và quyết tâm thực hiện không để thất bại.

 

Khánh Hòa dự kiến đóng thí điểm 6 tàu vỏ thép trong đợt 1 triển khai Nghị định 67.
Ông Võ Khắc Én, Chi cục phó Chi cục Khai thác & Bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh Khánh Hòa cho biết hiện chưa ghi nhận tình trạng "cò mồi" thủ tục vay vốn đóng tàu đánh bắt xa bờ tại địa phương.

 

Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Kế hoạch - Đầu tư, Bộ Tài Chính trong năm 2015 phải đặc biệt ưu tiên cân đối nguồn lực cho lĩnh vực này, năm sau phải cao hơn năm trước. Đề nghị các địa phương rà soát ưu tiên những vấn đề cần thiết, mấu chốt làm trước, xác định đúng đối tượng cho vay.

Đặc biệt, Phó Thủ tướng lưu ý cần triển khai đồng bộ các nội dung của Nghị định nhưng không làm ồ ạt theo phong trào, không để lợi dụng chính sách, không để xảy ra tiêu cực khi thực hiện.

Viết Hảo

Chuyên mục: Vĩ Mô

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *