Cấp phép “vượt rào” cho doanh nghiệp, “bỏ rơi” dân?

FICA-Dự án Cảng cá và Trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá Sa Kỳ chưa nghiệm thu, chủ đầu tư đã vội vàng cấp phép cho doanh nghiệp đầu tư xây dựng, không thông báo với địa phương...

Năm 2010, Bộ NN&PTNT phê duyệt Dự án Cảng cá và Trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá Sa Kỳ (đóng tại xã Tịnh Kỳ, TP Quảng Ngãi) trên diện tích 60.000m2, vốn đầu tư 82,7 tỷ đồng với 3 gói thầu số 6, 7, 8 và 9; trong đó gói số 6 (nạo vét luồng, khu nước đậu tàu, tôn tạo mặt bằng, đường bãi, bến cập tàu, kè bảo vệ bờ và phao tiêu báo hiệu) chiếm 60 tỷ đồng, 3 gói còn lại chưa mở thầu.

Nguồn đầu tư dự án do Bộ NN&PTNT cấp vốn và giao cho Sở NN&PTNT làm chủ đầu tư. Riêng phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng do tỉnh Quảng Ngãi chịu trách nhiệm.
 

Cấp phép "nóng"!

Theo kế hoạch của dự án, thời gian nghiệm thu và bàn giao mặt bằng vào ngày 30/6/2014. Tuy nhiên, đến ngày 5/7/2014, 16 hộ dân xã Tịnh Kỳ trong vùng dự án vẫn chưa nhận chi trả đền bù, bồi thường đất đai. Đồng thời, công tác nghiệm thu và bàn giao vẫn chưa tiến hành.

Mặc dù dự án đang còn ngổn ngang, chủ đầu tư là Sở NN&PTNT lại tham mưu và đề nghị UBND tỉnh cấp phép đầu tư cho Công ty CP bột cá Thanh Hóa (do tỉnh Thanh Hóa cấp GCN đăng ký kinh doanh) xây dựng Nhà máy chế biến thủy sản Sa Kỳ, hoạt động sản xuất bột cá – cấp đông thủy sản và cung cấp đá cây, trên diện tích 6.000m2 vào tháng 1/2014.

Cấp phép “vượt rào” cho doanh nghiệp, “bỏ rơi” dân?
Nhà máy chế biến thủy sản Sa Kỳ đã xây dựng xong phần khung nhưng vấp phải sự bức xúc của người dân địa phương vì quá bất thường.


Trong khi đó, vào ngày 24/2/2014, Sở NN&PTNT trả lời bằng công văn số 381 về doanh nghiệp khác (Công ty TNHH MTV Minh Quang với dự án Khu dịch vụ hậu cần nghề cá Sa Kỳ). Chủ đầu tư không đồng ý cấp phép đầu tư cho doanh nghiệp này, vì lý do dự án đang điều chỉnh, bổ sung quy hoạch mặt bằng dự án; không phù hợp với chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển HTX dịch vụ và khai thác hải sản xa bờ mà UBND tỉnh Quảng Ngãi đã ban hành; đồng thời dự án đang trong quá trình triển khai thi công xây dựng, chưa được hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng và công tác đền bù, giải phóng mặt bằng chưa hoàn thành.

Trên công trình dự án chỉ có 2 công nhân loay hoay dưới phần kè.
Trên công trình dự án chỉ có 2 công nhân loay hoay dưới phần kè.
 

Cũng với chính sách hỗ trợ, khuyến khích HTX trên, UBND xã Tịnh Kỳ có tờ trình vào tháng 2/2014, đề nghị Sở NN&PTNT ưu tiên cho HTX dịch vụ và khai thác hải sản xa bờ xã Tịnh Kỳ đầu tư trong vùng dự án. Tuy nhiên, Sở NN&PTNT lại không đồng ý với đề nghị của UBND xã Tịnh Kỳ theo công văn 890 ngày 26/4/2014.

Hai lần “từ chối” trên của Sở NN&PTNT (theo công văn 381 và 890) lại mâu thuẫn với việc cấp phép “nóng” cho Công ty CP bột cá Thanh Hoa trước đó. Chính sự vô lý này, gây nhiều bức xúc trong nhân dân ở xã Tịnh Kỳ cùng các nhà đầu tư khác.

Dân nghèo bức xúc, xã bối rối

 
Không chỉ riêng nỗi niềm về hợp tác xã – một tổ chức được thành lập theo đề án chiến lược, giai đoạn 2011 – 2015 với ít nhất 20 thành viên là chủ tàu cá trên 90CV - mà 16 hộ dân Tịnh Kỳ còn bức xúc việc chưa được giải quyết đền bù đất đai trong dự án.
 
Mặt bằng dự án còn ngổn ngang vật liệu...
Mặt bằng dự án còn ngổn ngang vật liệu...
 

Ông Phan Khánh Lâm – Bí thư Đảng ủy xã Tịnh Kỳ cho biết: “Mọi hoạt động của dự án, địa phương không hề nhận thông báo hoặc sự phối hợp nào từ Sở NN&PTNT. Đến nay, còn 16 hộ bị ảnh hưởng đến đất đai nhưng chủ đầu tư chưa chi trả đền bù. Đồng thời dự án chưa hoàn thành mà đã cấp cho doanh nghiệp ngoài địa phương, trong khi HTX và hơn 30 cơ sở chế biến, thu mua cá ở xã lại không được ưu tiên tham gia. Điều này khiến người dân địa phương bức xúc và liên tục kéo đến xã “làm khó” chúng tôi”.

Trường hợp chưa nhận tiền đền bù, điển hình như bà Lý Thị Đại (SN 1942, ngụ thôn An Kỳ, xã Tịnh Kỳ) bức xúc, nói: “Khi đơn vị thi công dự án, phần ta-luy đã lấn chiếm phần đất còn lại của tôi hơn 500m2. Mặc dù yêu cầu giải quyết nhiều lần nhưng chủ đầu tư vẫn chưa bồi thường, trong khi gia đình tôi mất đất sản xuất vĩnh viễn”.

“Vì dự án này mà xã mất ăn mất ngủ, đi đến đâu cũng nhận lời bức xúc của nhân dân. Khi hình thành dự án, người dân ở vùng ven biển Tịnh Kỳ rất vui mừng, vì có nơi tập trung phát triển dịch vụ, thu mua và chế biến như truyền thống lâu nay ở địa phương. Vậy mà đến nay, chưa có người dân nào được hưởng lợi từ nguồn vốn đầu tư của nhà nước. Dường như địa phương đứng ngoài cuộc vậy”, ông Phan Khánh Lâm bức xúc.

Trao đổi với PV Dân trí với những bức xúc trên, ông Phan Huy Hoàng – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT lý giải: “Trong thời gian qua, ngư dân Quảng Ngãi khai thác và bỏ hoang phí lượng lớn cá tạp, gây hôi thối ở các cảng cá. Khi doanh nghiệp bột cá xin đầu tư, chúng tôi chấp thuận ngay vì nhà máy bột cá lấy nguồn nguyên liệu từ cá tạp. Để tiết kiệm thời gian và nhà máy hoạt động trước mùa mưa bão, Sở NN&PTNT đã tham mưu và đề nghị UBND tỉnh cấp phép song song với quá trình xây dựng dự án”.

Cũng theo ông Hoàng, diện tích cấp phép “nóng” xây dựng nhà máy chế biến thủy sản Sa Kỳ chỉ chiếm 6.000m2 trong tổng số diện tích 60.000m2 của dự án. Đồng thời, trong quy hoạch dự án Cảng cá và Trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá Sa Kỳ không có nhà máy chế biến bột cá. Với diện tích còn lại Sở NN&PTNT “hứa” dành ưu tiên cho HTX dịch vụ và khai thác hải sản xã bờ, hơn 30 cơ sở thu mua, chế biến hải sản và người dân xã Tịnh Kỳ nếu có nhu cầu tham gia.

Với lý giải trên, ông Phan Huy Hoàng thừa nhận: “Việc cấp phép xây dựng nhà máy bột cá Thanh Hoa là sai nguyên tắc trong đầu tư dự án nhưng…”.

Việc cấp phép “vượt rào” này, liệu khối lượng nằm dưới nền nhà máy chế biến thủy sản Sa Kỳ sẽ nghiệm thu như thế nào? Hệ lụy từ công tác thực hiện sai nguyên tắc đầu tư tại dự án Cảng cá và Trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá Sa Kỳ thì ai chịu trách nhiệm? Mong các cơ quan chức năng khẩn trương vào cuộc, làm rõ những “uẩn khúc” mà nhân dân Tịnh Kỳ đang nghi vấn!

Hồng Long

Chuyên mục: Vĩ Mô

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *