Cánh cửa các ngân hàng vẫn "khép chặt" với doanh nghiệp vừa và nhỏ

FICA - DNNVV vẫn thiếu vốn sản xuất kinh doanh, chủ yếu dựa vào vốn tự có và khó tiếp cận vốn vay ngân hàng. Tỷ lệ doanh nghiệp thua lỗ, chủ yếu là DNNVV tăng từ 25,14% năm 2010 lên 65,8% (2013). Tỷ lệ doanh nghiệp kinh doanh có lãi cũng giảm từ 64,12% năm 2010 xuống còn 34,2% (2013).

Ảnh: Bích Diệp

 

Phát biểu tại Hội thảo “Thách thức phát triển doanh nghiệp năm 2015” diễn ra sáng nay (27/1/2015), bà Phạm Thị Thu Hằng – Tổng thư ký (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam) VCCI đánh giá, năm 2014 là một năm với đầy biến động và khó khăn thách thức đối với các doanh nghiệp.

Trong nước, sản xuất kinh doanh chịu áp lực từ những bất ổn về kinh tế và chính trị của thị trường thế giới, cùng với những khó khăn từ những năm trước chưa được giải quyết triệt để như áp lực về khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế chưa cao; sức ép nợ xấu còn nặng nề; hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp còn khó khăn, năng lực quản lý và cạnh tranh của doanh nghiệp thấp, tồn kho hàng hóa vẫn ở mức cao...

Năm 2014 cũng chứng kiến hàng loạt các doanh nghiệp phải thu hẹp quy mô sản xuất, cắt giảm nhân lực, thậm chí là ngừng hoạt động khiến nền kinh tế bị tác động không nhỏ, nhân sách thất thu, xã hội bất ổn. Chỉ tính riêng trong 9 tháng đầu năm 2014, cả nước đã có 48.330 doanh nghiệp gặp khó khăn buộc phải giải thể, hoặc đăng ký tạm ngừng hoạt động có thời hạn.

Bước sang năm 2015, xuất hiện nhiều tín hiệu tích cực cho nền kinh tế và thuận lợi cho sự phát triển của doanh nghiệp. Trong năm nay Việt Nam sẽ kết thúc việc đàm phán và ký Hiệp định TPP, FTA, với các đối tác và chính thức bước vào lộ trình cạnh tranh quốc tế một cách hoàn toàn nhất với đầy cam go và thách thức cũng như nhiều tín hiệu tích cực. Trong năm 2015, việc hoàn thiện các thể chế, chính sách cũng như cải cách sâu rộng các thủ tục hành chính cũng sẽ giúp các doanh nghiệp Việt Nam hoạt động ổn định hơn, thuận lợi hơn và phát triển tốt hơn.

Chia sẻ về thực trạng các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), bà Bùi Thu Thủy - Phó Cục trưởng Cục phát triển DN, Bộ Kế hoạch Đầu tư cho hay, những năm gần đây, DNNVV gia tăng mạnh mẽ về số lượng. Cụ thể, số lượng DN thành lập mới năm 2014 tăng 1,63 lần so với năm 2006. Đỉnh cao là năm 2009-2010, số DN thành lập đạt 84.300 DN.

Theo bà Thủy, doanh nghiệp ngoài nhà nước với 98,6% là DNNVV luôn chiếm tỷ trọng ở mức 48-49% tổng GDP toàn xã hội trong giai đoạn 2009-2012; đóng góp ngân sách khoảng 1/3 (34% giai đoạn 2011-2012); chiếm khoảng 30% tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Tỷ trọng việc làm được tạo ra từ khu vực DNNVV tăng dần qua các năm: 45%  năm 2010 lên 47% năm 2012 của tổng số lao động trong khối doanh nghiệp. Thu nhập bình quân/lao động tăng dần theo các năm: 42 triệu đồng/năm 2010 lên 61 triệu đồng/ năm 2012.

Tuy nhiên, DNNVV vẫn thiếu vốn sản xuất kinh doanh, chủ yếu dựa vào vốn tự có và khó tiếp cận vốn vay ngân hàng. Doanh thu, lợi nhuận của DNNVV đang có xu hướng giảm: Năm 2010, DNNVV chiếm 46,84% tổng doanh thu của toàn bộ khu vực doanh nghiệp, lợi nhuận trước thuế thấp chỉ chiếm 22,87% của toàn bộ khu vực doanh nghiệp. Năm 2011 doanh thu giảm, chiếm 34,0%. Năm 2012 doanh thu tăng, chiếm 43,7% nhưng lợi nhuận giảm thấp xuống tỷ lệ 7,26%. Tỷ lệ doanh nghiệp thua lỗ, chủ yếu là DNNVV tăng từ 25,14% năm 2010 lên 65,8% (2013). Tỷ lệ doanh nghiệp kinh doanh có lãi cũng giảm từ 64,12% năm 2010 xuống còn 34,2% (2013).

“Mặc dù đóng vai trò quan trọng trong tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm, đóng góp ngân sách nhà nước và ổn định kinh tế xã hội, DNNVV Việt Nam còn rất hạn chế về quy mô, vốn, công nghệ, trình độ quản lý dẫn đến hạn chế về năng lực cạnh tranh và hiệu quả hoạt động” – bà Thủy cho biết.

Bà Thủy cũng chỉ ra những hạn chế cản trở sự phát triển DNNVV: Thứ nhất, quy mô DN chủ yếu nhỏ và vừa: Xét theo quy mô lao động có tới 97,7% số DN có quy mô nhỏ và vừa. Xét về quy mô vốn: có tới 94,8% số DN quy mô vốn nhỏ và vừa. Đáng lưu ý hơn là trong khu vực DN tư nhân trong nước có tới 98,6% là quy mô nhỏ và vừa, trong đó chủ yếu là DN nhỏ và siêu nhỏ, tỷ lệ DN quy mô vừa chỉ chiếm 1,6%.

Thứ hai là hạn chế trong tiếp cận tín dụg. Các DNNVV và mặc dù chiếm trên 98% tổng DN nhưng lại hạn chế trong tiếp cận tín dụng: Dư nợ tín dụng cho DNTN tháng 3/2014 chiếm khoảng 50% tổng dư nợ (so với 16% của DNNN và 7% DN FDI); khoảng 30% DNNVV có tiếp cận vốn vay ngân hàng; số lượng DNNVV vay vốn từ các ngân hàng thương mại giảm hơn 1.200 DN trong chưa đầy 2 năm 2012-2013; tổng dư nợ cho DNNVV vay cũng giảm hơn 6.000 tỷ đồng trong vòng 9 tháng đầu năm 2013 (NHNN).

Thứ ba là trình độ công nghệ của DN thấp, tốc độ đổi mới chậm và hoạt động hỗ trợ DNNVV của Chính phủ hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu.

Tại Hội thảo, TS Võ Trí Thành – Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (Ciem) cho biết, DNNVV Việt Nam cũng giống như mọi DNNVV các nước. Tuy nhiên DNNVV Việt Nam có hai điểm yếu hơn so với các nước. Thứ nhất, cùng có số lượng như nhau nhưng DNNVV Việt Nam lại đóng góp cho GDP thấp hơn các nước. Thứ hai, nếu nhìn chung trong nền kinh tế thế giới, DNNVV Việt Nam rất ít, DN lớn lại càng ít hơn. Chính vì vậy, chúng ta không có nhiều lợi thế để tham gia vào chuỗi hội nhập và hiệu ứng lan tỏa của DN Việt Nam rất thấp cả về mặt công nghệ và kỹ năng quản trị.

Bích Diệp

Chuyên mục: Vĩ Mô

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *