Buôn bán Brazil – Việt Nam tấp nập bất chấp thương mại suy giảm mạnh

FICA - Quan hệ thương mại Việt Nam – Brazil vẫn đạt kết quả tốt trong điều kiện kinh tế nước này tăng trưởng thấp, thương mại của Brazil với thế giới giảm sút, lần đầu tiên sau hàng chục năm Brazil đã bị nhập siêu.

Một khu buôn bán  tại Brazil

Theo thông tin từ Thương vụ Việt Nam tại Brazil, thương mại của nước này với thế giới trong 11 tháng và cả năm 2014 đều suy giảm so với năm trước.

Theo số liệu của Bộ Phát triển công nghiệp và ngoại thương Brazil (MDIC), tính đến hết tháng 11 năm 2014, xuất khẩu của Brazil ra thế giới đạt 207,6 tỷ USD giảm 5,7%. Nhập khẩu đạt 211,8 tỷ USD giảm 3,9% so với cùng kỳ năm trước.

Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 419,4 tỷ USD giảm 4,8% so với cùng kì năm trước. Và cùng với sự sụt giảm này cho thấy cán cân thương mại 11 tháng của Brazil thâm hụt 4,2 tỷ USD.

Tuy nhiên, quan hệ Thương mại Việt Nam – Brazil vẫn đạt kết quả tốt trong điều kiện kinh tế nước này tăng trưởng thấp, thương mại của Brazil với thế giới giảm sút, lần đầu tiên sau hàng chục năm Brazil đã bị nhập siêu.

Cụ thể, tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Brazil đạt tỷ lệ cao. Trong 11 tháng năm 2014, tổng kim ngạch thương mại hai chiều đạt xấp xỉ 3 tỷ USD, trong đó giá trị xuất khẩu đạt 1,37 tỷ USD, tăng 37,7 % so với cùng kỳ; kim ngạch nhập khẩu đạt 1,62 tỷ USD, tăng 49,5% so với cùng kỳ.

Dự kiến cả năm 2014 tổng kim ngạch thương mại hai chiều đạt trên 3,2 tỷ USD. Trong đó kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 1,5 tỷ USD vượt chỉ tiêu kế hoạch xuất khẩu Nhà nước giao (31,5%). Nếu các biện pháp mở rộng thị trường được tiếp tục triển khai quyết liệt, triển vọng quy mô thương mại song phương sẽ đạt khoảng gần 4 tỷ USD năm 2015 và trên 5 tỷ USD trong khoảng 2-3 năm nữa. Vào những năm 2020 kim ngạch thương mại song phương có thể đạt khoảng 9-10 tỷ USD/năm.

Trong năm 2014, một số mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam sang Brazil có mức tăng trưởng khá gồm thủy sản tăng 12%, xơ sợi dệt các loại tăng 90%; điện thoại và linh kiện tăng 135%; túi xách, vali, mũ, ô dù tăng 36,4%; hàng dệt may tăng 29,7%; phương tiện vận tải tăng 25,6%. Giá trị kim ngạch một số sản phẩm xuất khẩu giảm thấp so với cùng kỳ gồm máy thiết bị phụ tùng giảm 18,6%; giày dép các loại giảm 5,7%.

Brazil là một trong số thị trường nhập khẩu quan trọng về nguyên liệu phục vụ sản xuất của Việt Nam. Một số sản phẩm nhập khẩu chủ yếu có giá trị kim ngạch tăng khá so với cùng kỳ gồm ngô hạt tăng 377 %; Đậu tương 3,7 USD; gỗ và sản phẩm gỗ tăng 47,3 %; nguyên phụ liệu dệt may, da giày tăng 172 %; Ngoài ra còn có một số mặt hàng tuy không có mức tăng trưởng so với cùng kì nhưng đóng góp giá trị lớn có thể kể đến như thức ăn gia súc đạt 217,9 triệu USD, nguyên phụ liệu thuốc là 51 triệu USD…

Trong năm 2014 Thương vụ đã tham gia tổ chức, đồng chủ trì hàng chục Hội thảo, Giao thương doanh nghiệp. Hỗ trợ phối hợp cùng doanh nghiệp tham gia hơn 30 hội chợ, triển lãm và tự chủ động tổ chức hàng chục đợt xúc tiến thương mại ở các địa phương để mở rộng thị trường, thâm nhập hàng hóa.

Bích Diệp

Chuyên mục: Vĩ Mô

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *