Bộ trưởng Thăng nhận trách nhiệm vì vận tải đường thủy quá yếu

FICA - Bộ trưởng Đinh La Thăng yêu cầu Cục Hàng hải Việt Nam ngay trong quý IV/2014 sẽ công bố tuyến vận tải ven biển từ TPHCM, Vũng Tàu tới Cà Mau trong quý III năm nay

Mạng giao thông thuỷ nội địa vùng ĐBSCL được hình thành từ hệ thống sông Đồng Nai, Cửu Long và các kênh rạch. Với 13.000km được sử dụng cho vận tải, nhưng hoạt động vận tải bằng đường thủy tại vùng sông nước này lại bị xếp vào loại quá yếu.

Chỉ 5/2.500 bến cảng có khả năng bốc xếp hàng hóa

Ông Nguyễn Văn Thể - Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) - cho biết: “70% lượng hàng hóa của vùng đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) vẫn phải chuyển tải về các cảng biển TPHCM và Cái Mép bằng đường bộ, khiến doanh nghiệp phải gánh chịu chi phí vận tải cao hơn từ 10% - 60% tùy theo tuyến đường. Trong khi đó, năng lực vận tải container bằng đường thủy nội địa khó có thể tăng cao hơn nữa nếu như những bất cập về cơ sở hạ tầng về luồng tuyến, thiếu các bến cảng chuyên dụng có khả năng bốc xếp container… không sớm được khắc phục”.

Thống kê của Cục Đường thủy nội địa Việt Nam cho thấy, hiện nay chỉ có 5/2.510 bến cảng thủy nội địa trong vùng có khả năng bốc xếp hàng container. Việc chậm đầu tư đã khiến tuyến vận tải huyết mạch từ TPHCM đi các tỉnh miền Tây qua kênh Chợ Gạo hiện đã bị quá tải trầm trọng. Có thời điểm, tuyến vận tải thủy này bị tắc tới vài ngày.

Đánh giá về việc kết nối các phương thức vận tải, đại diện Vụ Vận tải - Bộ GTVT cho rằng, sự phối hợp giữa 2 phương thức thủy bộ trong vùng chưa phát triển do cả kết cấu hạ tầng chưa đồng bộ và hoạt động trung chuyển giữa các loại hình vận tải chưa thực sự thuận lợi. Các tuyến đường thủy nội địa hạn chế khả năng khai thác phương tiện lớn, tốc độ cao, đồng thời hệ thống bến bãi và các dịch vụ đầu cuối cũng chưa phát triển làm cho vận tải thủy nội địa chưa phát huy được lợi thế. Hệ thống bến, bãi thủy nội địa chưa quy mô, chưa được cơ giới hóa, chưa đáp ứng được các hình thức vận tải đa phương thức.

 

Bộ trưởng Thăng nhận trách nhiệm vì vận tải đường thủy quá yếu
Với lợi thế sông nước nhưng hoạt động vận tải đường thủy tại khu vực ĐBSCL lại quá yếu (ảnh minh họa: Báo GTVT)

 

Cũng theo đại diện Vụ Vận tải, mối liên kết vận tải bằng đường bộ nội vùng, khu vực ĐBSCL còn rất hạn chế do mạng lưới đường bộ địa phương chưa phát triển đồng bộ cả về số lượng và chất lượng do bị sông kênh chia cắt nhiều, nguy cơ ngập lụt thường xuyên. Còn nhiều phương tiện vận tải cá nhân có quy mô nhỏ bé. Toàn bộ các cảng biển ở ĐBSCL không có đường sắt kết nối đến cảng, hầu hết các cảng đều có đường bộ kết nối với mạng quốc gia khá thuận tiện, trừ cảng Năm Căn (Cà Mau) và An Thới (Phú Quốc)…

Tư duy ăn xổi

Có thể nói có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình hình nói trên, nhưng việc vận tải thủy nội địa liên vùng bị tụt dốc dù có nhiều tiềm năng còn xuất phát từ cách làm manh mún, cát cứ của các chính các địa phương, chính lãnh đạo các địa phương cũng không chú trọng tới việc tăng cường vận tải đường thủy và nâng cao hiệu quả kết nối vận tải. Bằng chứng là chỉ có 5/13 tỉnh thành thuộc vùng đồng bằng này có mặt tại hội nghị rất quan trọng về nâng cao hiệu quả vận tải thủy nội địa và kết nối các phương thức vận tải khu vực ĐBSCL do Bộ GTVT và Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ tổ chức hôm qua (21/7).

Tại Hội nghị nói trên, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã phải thừa nhận rằng lâu nay vận tải thủy chưa được quan tâm đúng mức, vì vậy đã dẫn đến tình trạng vận tải thủy yếu và quá yếu. Theo Bộ trưởng, để xảy ra tình trạng vận tải thủy yếu kém thì lỗi thuộc về quản lý Nhà nước mà cụ thể là Cục Đường thủy nội địa. Thay mặt Bộ GTVT, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã đứng ra nhận trách nhiệm về tình hình này.

“Có tư duy ăn xổi trong phát triển hệ thống giao thông đường thủy. Tình trạng này cần phải chấm dứt ngay trong thời gian tới. Cùng với việc đẩy mạnh phát triển đầu tư hạ tầng đường thủy trên cơ sở phân bố lại nguồn lực, Bộ GTVT sẽ tiến hành rà soát lại quy hoạch ngành để đầu tư đúng trọng điểm, phát huy tối đa lợi thế vận tải đặc thù ở khu vực, hình thành một thị trường vận tải minh bạch, có sức cạnh tranh cao để kéo giảm chi phí vận tải” - Bộ trưởng Đinh La Thăng cho hay.

Bộ trưởng Đinh La Thăng yêu cầu Cục Hàng hải Việt Nam ngay trong quý IV/2014 sẽ công bố tuyến vận tải ven biển từ TPHCM, Vũng Tàu tới Cà Mau trong quý III năm nay, muộn nhất là đến quý IV. Việc này sẽ giúp các doanh nghiệp vận tải tiết kiệm được chi phí và thời gian vận chuyển, đồng thời nâng cao hiệu quả kinh tế.

Đối với các thể chế chính sách liên quan, Bộ trưởng Đinh La Thăng yêu cầu các đơn vị có trách nhiệm phải rà soát lại, tránh tình trạng ngồi trong phòng điều hòa máy lạnh để làm cơ chế gây khó khăn cho doanh nghiệp và nhân dân…

Châu Như Quỳnh

Chuyên mục: Vĩ Mô

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *