Bộ trưởng GTVT lý giải việc đổi tên trạm thu phí sang trạm thu giá BOT

Theo lý giải của Bộ trưởng Bộ GTVT, phí do HĐND, Quốc hội quyết định, còn giá là do doanh nghiệp cung cấp, mà BOT là sản phẩm của doanh nghiệp nên cần điều chỉnh lại tên gọi cho chính xác.

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết phí do HĐND, Quốc hội quyết định, còn giá là do doanh nghiệp cung cấp, mà BOT là sản phẩm của doanh nghiệp nên cần điều chỉnh lại tên gọi cho chính xác.

“Từ khi chuyển qua giá, giá sẽ được cân đối theo phương án tài chính, còn

nếu phí muốn thay đổi sẽ phải thông qua HĐND quyết nên rất chậm.

Chuyển đổi tên trạm thu phí thành trạm thu giá BOT không có gì khác mà chỉ là linh động hơn rất nhiều”, Bộ trưởng GTVT nói và cho biết, việc này là theo quy định trong Nghị định của Chính phủ.

Thưa Bộ trưởng, hiện nay có nhiều ý kiến đang băn khoăn giữa khái niệm thu phí và thu giá?

Việc này không phải do Bộ GTVT quy định mà do Nghị định của Chính phủ quy định. Ví dụ sản phẩm do nhà máy sản xuất thì họ đưa ra giá bán, và BOT là một sản phẩm của doanh nghiệp, cũng tương tự như vậy.

Nếu là thu giá, thì giá này có tăng, giảm căn cứ theo quy luật thị trường không, thưa Bộ trưởng?

Sản phẩm nào cũng phải đem lại hiệu quả kinh doanh. Dự án BOT do doanh nghiệp bỏ vốn toàn bộ thì cũng cần có phương án hoàn vốn. Nhà nước cố gắng điều chỉnh ở mức thấp nhất để tạo điều kiện cho xã hội. Hiện nay trạm thu giá nào có điều kiện giảm, mình đều giảm xuống mức thấp nhất để hỗ trợ chi phí người dân. 

BOT là sản phẩm của doanh nghiệp, nhưng về nguyên tắc chúng ta vẫn có điều tiết theo thị trường. Tại sao Chính phủ, bộ, ngành họp và Quốc hội yêu cầu xem xét? Tức là mình phải điều tiết để đảm bảo lợi ích nhà đầu tư và hài hoà lợi ích người dân. Trong lĩnh vực này, không phải sản phẩm anh làm ra là tự ấn định giá mà phải ký hợp đồng với Bộ để giám sát điều này. 

Chính vì thế, vừa rồi, một số trạm đã được quyết định giảm từ 35.000 xuống 25.000 đồng để hài hoà lợi ích các bên. Nghị định của Chính phủ quy định thay đổi thì phải điều chỉnh theo yêu cầu Chính phủ.

Còn khi doanh nghiệp muốn tăng giá phải đăng ký với Bộ. Bộ sẽ xem xét, khi nào cảm thấy hài hoà hết các lợi ích, bảo đảm chi phí xã hội thấp nhất thì mới được điều chỉnh, nếu không thì không được điều chỉnh.

Nhưng chuyển từ phí sang giá có thay đổi bản chất việc thu tiền tại các trạm BOT không, thưa ông?

Mỗi giai đoạn lịch sử thì khả năng chịu đựng của nền kinh tế khác nhau. Hiện nay chủ trương là giảm đến thấp nhất chi phí của hàng hóa. Về bản chất, hiện nay chúng ta điều chỉnh để tác động đến nền kinh tế thấp nhất. 

Bản chất nhà đầu tư kinh doanh thì phải có lợi nhuận theo quy định của Nhà nước. Thu cao thì thời gian ngắn, thu thấp thì thời gian dài, tất cả cái này đều theo quy định của nhà nước.

Mình quản lý nhà nước thì điều tiết làm sao bảo đảm hài hòa lợi ích của doanh nghiệp và các bên liên quan. Hiện nay hầu như mình giảm hết toàn bộ, các trạm thu ở mức thấp nhất. 

Như vậy có nghĩa là có thay đổi bản chất so với trước đây?

Có thay đổi chứ. Trước đây mỗi lần điều chỉnh thì rất khó khăn vì điều chỉnh phí thuộc thẩm quyền HĐND địa phương, mà HĐND thì không thể linh động được.

Chuyển qua giá thì bản chất nhà đầu tư vẫn hưởng như vậy thôi, nhưng mình sẽ điều chỉnh một cách nhanh chóng để đáp ứng được điều kiện của từng trạm thu giá ở từng vị trí, từng khu vực. Có những vị trí mình giảm rất sâu vì những nơi đó điều kiện cho phép. Còn để HĐND quyết thì điều chỉnh từng mức rất khó khăn

.

Hiện nay, theo quy định mới thì việc này chuyển từ Bộ Tài chính về Bộ GTVT.

Bộ đang tập trung xây dựng để cuối năm áp dụng thu giá tự động, mỗi doanh nghiệp có một trung tâm công nghệ. Có trung tâm công nghệ thì người dân, các thành phần kinh tế, doanh nghiệp, cơ quan nhà nước có thể giám sát được nguồn thu hàng ngày, hàng tháng, hàng năm, nguồn thu từ lúc đưa vào hoạt động cho đến khi kiểm ra.

Ở Tổng cục Đường bộ cũng có thể giám sát được việc thu phí tại các trạm thông qua các thiết bị điện tử mang tính chính xác cao. Bảo đảm công khai minh bạch, người dân cùng giám sát.

Trước mắt, cuối năm nay sẽ cố gắng vận hành thu giá tự động ở đường cao tốc, quốc lộ, nhất là đường QL1, đường Hồ Chí Minh. Dự kiến đến năm 2019 thì phủ kín toàn bộ các trạm của các quốc lộ khác.

Theo quy định tại Điểm e, khoản 2 Điều 8 của Nghị định 149/2016  sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 177/2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của luật Giá quy định thẩm quyền và trách nhiệm định giá của Bộ GTVT gồm:

- Giá sản phẩm, dịch vụ công ích trong lĩnh vực quản lý, bảo trì đường sắt quốc gia, đường bộ, đường thủy nội địa thực hiện theo phương thức Nhà nước đặt hàng hoặc giao kế hoạch sử dụng nguồn ngân sách trung ương;

- Giá cụ thể đối với các dịch vụ hàng không bao gồm: Giá dịch vụ cất cánh, hạ cánh; giá dịch vụ điều hành bay đi, đến; giá dịch vụ hỗ trợ bảo đảm hoạt động bay; giá phục vụ hành khách; giá bảo đảm an ninh hàng không và giá dịch vụ điều hành bay qua vùng thông báo bay do Việt Nam quản lý;

- Giá tối đa đối với: Dịch vụ sử dụng đường bộ gồm đường quốc lộ, đường cao tốc các dự án đầu tư xây dựng đường bộ để kinh doanh; dịch vụ sử dụng đò, phà thuộc tuyến quốc lộ được đầu tư bằng nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước, do trung ương quản lý.

Nguyễn Mạnh

Chuyên mục: Vĩ Mô

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *