Bộ Công Thương: Hơn 4.000 tỷ đồng được thu về từ bán cổ phần DNNN

FICA - Tổng hợp kết quả thoái vốn 43 đơn vị tại 5 Tập đoàn, 3 Tổng công ty trực thuộc Bộ Công thương đã thu về tổng số hơn 4.130 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ bằng 51% tổng số tiền thu về từ thoái vốn của các DNNN của cả nước.

Theo thông tin được đưa ra tại Hội nghị trực tuyến Tổng kết năm 2014 diễn ra sáng nay (31/12/2014), với Kế hoạch sắp xếp, cổ phần hóa DNNN thuộc Bộ Công Thương giai đoạn 2014-2015 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Bộ Công Thương phải thực hiện cổ phần hóa 9 đơn vị, gồm Tập đoàn Dệt May Việt Nam và 4 Tổng công ty là Tổng công ty Công nghiệp Dầu thực vật Việt Nam; Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam; Tổng công ty Máy và Thiết bị công nghiệp, Tổng công ty Giấy Việt Nam (Bộ Công Thương đề nghị bổ sung kế hoạch năm 2015).

Ngoài ra, 4 Công ty thuộc Bộ cũng sẽ được cổ phần hóa theo kế hoạch là Công ty TNHH MTV Xây lắp và vật liệu xây dựng V; Công ty TNHH MTV Điện máy và Đầu tư; Công ty TNHH MTV Thực phẩm và Đầu tư FOCOCEV và Công ty TNHH MTV Vật liệu xây dựng và xây lắp thương mại BMC.

Dự kiến đến hết năm 2015, sau khi hoàn thành kế hoạch cổ phần hóa, sắp xếp DNNN, Bộ Công Thương sẽ còn quản lý 4 Tập đoàn, 1 Tổng công ty 100% vốn nhà nước.

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng chỉ đạo tại Hội nghị

Trong năm 2014, Bộ Công Thương đã chỉ đạo, hoàn thành cổ phần hóa 1 Tập đoàn, 1 Tổng công ty, trình Thủ tướng Chính phủ thẩm định Phương án cổ phần hóa của 3 Tổng công ty trực thuộc Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam; các Tập đoàn, Tổng công ty thuộc Bộ đã hoàn thành cổ phần hóa 13 doanh nghiệp thành viên.

Về công tác thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp, đến hết năm 2014, các Tập đoàn, Tổng công ty thuộc Bộ đã hoàn thành thoái vốn được 43/96 danh mục thoái vốn theo các Đề án đã được duyệt; Bộ Công Thương đã thực hiện bàn giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại 2 Công ty sang Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước

Cụ thể, năm vừa rồi đã hoàn thành cơ bản công tác cổ phần hóa Tập đoàn Dệt may Việt Nam với việc bán cho nhà đầu tư chiến lược 24% vốn điều lệ, bán đấu giá ra ngoài công chúng 22,11% vốn điều lệ, nhà nước còn nắm giữ 53,49% vốn điều lệ, thu về hơn 2.500 tỷ đồng.

Đồng thời, đã hoàn thành bán đấu giá cổ phần Tổng công ty công nghiệp Dầu thực vật Việt Nam ra ngoài công chúng 31,12% vốn điều lệ, bán 32% vốn điều lệ cho nhà đầu tư chiến lược và 0,58% cho người lao động trong Tổng công ty, nhà nước còn nắm giữ 36,3% vốn điều lệ, tổng số tiền thu được 956 tỷ đồng. Tổng công ty đã tiến hành Đại hội cổ đông, thành lập Tổng công ty cổ phần vào ngày 29 tháng 11 năm 2014.

Hiện tại, 3 Tổng công ty thuộc Bộ đang triển khai thực hiện theo đúng kế hoạch để hoàn thành công tác cổ phần hóa 3 Tổng công ty trong năm 2015. Đối với 4 Công ty TNHHMTV thuộc Bộ,  công tác sắp xếp, cổ phần hóa các đơn vị này hiện phát sinh một số khó khăn, vướng mắc liên quan đến vấn đề tài chính, tranh chấp tài sản, thanh tra xử lý tồn tại về đầu tư dự án nước ngoài nên tiến độ chậm, kéo dài. 

Để đẩy mạnh thực hiện sắp xếp, cổ phần hóa DNNN trong năm 2015, Bộ Công Thương đã trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, cho phép được chuyển hình thức sắp xếp Công ty THNNMTV Điện máy và Đầu tư, sang hình thức bán doanh nghiệp. Đối với 3 Công ty còn lại, Bộ Công Thương chỉ đạo đẩy mạnh thực hiện sắp xếp, cổ phần hóa trong năm 2015, tiếp tục, khẩn trương thực hiện rà soát, đánh giá, xử lý tồn tại tài chính để xác định giá trị doanh nghiệp, kiên quyết xử lý đối với đơn vị không đủ điều kiện cổ phần hóa, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục báo cáo Thủ tướng Chính phủ để chuyển đổi hình thức sắp xếp khác phù hợp (bán, giao hoặc thực hiện phá sản doanh nghiệp).

 Ngoài ra, Bộ Công thương cũng cho biết, đến hết năm 2014, các Tập đoàn, Tổng công ty 91 đã hoàn thành cổ phần hóa 13 đơn vị, đạt 48% so với kế hoạch.

Tổng hợp kết quả thoái vốn 43 đơn vị tại 5 Tập đoàn, 3 Tổng công ty đã thu về tổng số hơn 4.130 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ bằng 51% tổng số tiền thu về từ thoái vốn của các DNNN của cả nước. Một số Tập đoàn, Tổng công ty thuộc Bộ đã tích cực triển khai công tác thoái vốn và đạt kết quả cao như: Tập đoàn Dệt May Việt Nam; Tập đoàn công nghiệp Than khoáng sản Việt Nam ; Tập đoàn Hóa chất Việt Nam.

Theo đánh giá của Bộ Công thương, so với tiến độ thực hiện kế hoạch cổ phần hóa DNNN giai đoạn 2011-2015 thì còn chậm, chưa đạt yêu cầu đề ra. Tuy nhiên, với tình hình kinh tế xã hội, thị trường chứng khoán năm 2014, thì kết quả đạt được, đặc biệt trong công tác thoái vốn tại doanh nghiệp thuộc Bộ Công Thương cho thấy đã có những dấu hiệu tích cực tạo tiền đề cho việc triển khai thực hiện và hoàn thành công tác tái cơ cấu, cổ phần hóa DNNN trong năm 2015.

Bích Diệp

Chuyên mục: Vĩ Mô

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *