“Lo ngại sản xuất bị đe dọa vì hội nhập là không có cơ sở”

FICA - Liên quan đến sự đổ bộ của một số nhà bán lẻ ngoại vào thị trường Việt Nam và điều này có thể kéo theo hệ quả đó là “siêu thị đi trước, hàng hóa theo sau”, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng khẳng định, dù đã mở cửa từ những năm 90 của thế kỷ trước đối với hàng hóa của ASEAN, nhưng hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam vẫn đang thống lĩnh thị trường.

Tại chuyên mục Dân hỏi Bộ trưởng trả lời diễn ra tối 1/2/2015, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng đã chia sẻ về cơ hội và thách thức đối với doanh nghiệp Việt cũng như giải thích ngắn gọn về thương mại tự do, một khái niệm khá quen thuộc nhưng nhiều người dân còn chưa thực sự hiểu rõ.

Theo cắt nghĩa của Bộ trưởng Hoàng, thương mại tự do nghĩa là các nền kinh tế trên thế giới tham gia ký kết, cam kết với nhau trong khuôn khổ Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) hay một liên minh thuế quan, kinh tế và đặc biệt là của một hiệp định thương mại tự do. Khái niệm này bao gồm giao thương hàng hóa, dịch vụ, đầu tư và kể cả tự do di chuyển lao động.

Mở cửa thị trường hàng hóa là nguyên tắc có đi, có lại. Nếu chúng ta muốn xuất khẩu, tăng cường sự hiện diện hàng hóa Việt Nam vào một thị trường nhất định mà hiện nay còn đang hạn chế, thì ngược lại chúng ta phải mở cửa cho hàng hóa mà đối tác đó có nhu cầu xuất khẩu sang Việt Nam.

Nguyên tắc này thực hiện trên cơ sở cố gắng thu được lợi ích cốt lõi trong đàm phán về thương mại hàng hóa. Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng khẳng định, khi Chính phủ quyết định đàm phán Hiệp định thương mại tự do với một đối tác thì đều đã tính tới lợi thế và kế hoạch lộ trình để bảo vệ sản xuất trong nước, phù hợp vừa hội nhập và bảo vệ thị trường trong nước.

Theo Bộ trưởng, Việt Nam có lợi ích rất lớn đối với những mặt hàng như dệt may, da giày, nông, thủy sản và một số sản phẩm công nghiệp chế biến. Khi đàm phán hiệp định thương mại tự do với các đối tác, bao giờ Việt Nam cũng đặt ra vấn đề là các nước này phải mở cửa tối đa thị trường của họ đối với những mặt hàng này của Việt Nam. Ngược lại, Việt Nam sẽ xem xét, chấp nhận mở cửa thị trường trong nước đối với một số hàng hóa mà các nước đối tác có nhu cầu xuất khẩu sang Việt Nam.

Việt Nam không ngại mở cửa thị trường với Cộng đồng kinh tế ASEAN

Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng lưu ý rằng, Việt Nam có lộ trình riêng và đề nghị đối tác chấp nhận lộ trình đó, nhất là đối với một số hàng hóa đang gọi là nhạy cảm, do khả năng sản xuất trong nước còn hạn chế hoặc khả năng cạnh tranh còn chưa cao. Việt Nam cần có khoảng thời gian nhất định đủ để doanh nghiệp hay nhà sản xuất trong nước vươn lên, nâng cao chất lượng.

“Khi Việt Nam thực hiện được như vậy, việc băn khoăn đến những việc cạnh tranh gay gắt, thậm chí đe dọa sản xuất trong nước là không có cơ sở nếu chúng ta thực hiện nghiêm thúc các thỏa thuận đã ký” – người đứng đầu Bộ Công thương cho hay.

Bộ trưởng cho biết, tại thời điểm hiện nay, Việt Nam đang đàm phán ký kết 7 Hiệp định thương mại tự do với các đối tác. Trong đó có thể kể đến Hiệp định Đối tác Kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Hải quan Nga-Belarus-Kazakhstan (VCUFTA).

Đối với Việt Nam, khi đàm phán luôn tuân thủ theo chỉ đạo của Chính phủ là luôn bảo hộ một cách hợp lý đối với hàng hóa liên quan tới nông nghiệp. Ví dụ như khi đàm phán gia nhập WTO, Việt Nam đã đấu tranh và giữ được bảo hộ đối với 4 loại hàng hóa trong lĩnh vực nông nghiệp gồm muối ăn, đường (để ăn), trứng gia cầm và nguyên liệu sản xuất thuốc lá.

Đối với 4 loại hàng hóa này, Việt Nam áp dụng hạn ngạch thuế quan khi xem xét nhập khẩu. Mỗi năm, chỉ cho phép một lượng nhất định được nhập khẩu vào Việt Nam và hưởng thuế suất ưu đãi. Nếu xuất khẩu vào Việt Nam ngoài hạn ngạch thì sẽ phải chịu mức thuế suất cao. Việc này góp phần vừa bảo hộ sản xuất trong nước một cách hợp lý nhưng cũng thực hiện nghĩa vụ mở cửa từ từ, có chọn lọc, có lộ trình đối với những sản phẩm kể trên.

Liên quan đến sự đổ bộ của một số nhà bán lẻ ngoại vào thị trường Việt Nam và điều này có thể kéo theo hệ quả đó là “Siêu thị đi trước, hàng hóa theo sau”, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng đánh giá, lĩnh vực bán buôn bán lẻ là một lĩnh vực nhạy cảm, không phải chỉ với Việt Nam mà kể cả với nhiều nước khác trên thế giới.

Đây là một trong những nội dung mà Việt Nam sẽ mở cửa thận trọng, theo lộ trình, đối với từng loại hàng hóa sẽ có mức độ mở cửa khác nhau. Nhìn chung Việt Nam đã thực hiện tốt cam kết này.

Theo nhìn nhận của Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, một số doanh nghiệp bán buôn, bán lẻ nước ngoài vào hoạt động tại Việt Nam nhưng ở mức độ có hạn. Số lượng hàng hóa, chủng loại hàng hóa chịu sự kiểm tra rất chặt chẽ. Việc mở các cơ sở bán buôn, bán lẻ này được một hệ thống các cơ quan từ Trung ương tới địa phương xem xét hết sức cẩn trọng. Có thể thấy rằng, dù đã mở cửa từ những năm 90 của thế kỷ trước đối với hàng hóa của ASEAN, nhưng hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam vẫn đang thống lĩnh thị trường.

“Điều đó khẳng định chúng ta không e ngại việc mở cửa thị trường với Cộng đồng Kinh tế ASEAN nếu chúng ta có bản lĩnh, có bước đi thận trọng, có chủ trương chính sách phù hợp và quan tâm bảo hộ hợp lý sản xuất trong nước, bảo hộ quyền lợi chính đáng của người sản xuất” –người đứng đầu Bộ Công thương cho hay.

Bích Diệp

Chuyên mục: Vĩ Mô

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *