“Lạm phát tăng cao nhưng không đáng lo ngại”

“Với giá lương thực, thực phẩm, xăng dầu khó tăng cao, kết hợp với công cụ hành chính ở y tế và giáo dục, đà tăng CPI rất có thể sẽ chững lại trong những tháng tới và mục tiêu kiểm soát 4% trong năm 2018 vẫn nằm trong tầm khả thi” – vị chuyên gia của SSI khẳng định.

Xăng dầu và thịt lợn đẩy CPI tháng 5 tăng mạnh

Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, trong tháng 5/2018, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đã tăng 0,55% sau 2 tháng giảm và tăng thấp. Mức tăng này xấp xỉ bằng tháng 5/2016 nhưng cao hơn nhiều mức giảm 0,53% của tháng 5/2017.

Ông Nguyễn Đức Hùng Linh Giám đốc phân tích và tư vấn đầu tư khách hàng cá nhân Công ty CP Chứng khoán Sài Gòn (SSI) cho hay, xăng dầu và thịt lợn, hai mặt hàng khiến lạm phát tăng cao trong tháng 5 này cũng chính là hai mặt hàng kéo giảm lạm phát cùng kỳ 2017.

Ông Linh lưu ý, CPI giao thông tháng 5 tăng 1,72% so với tháng 4, cao nhất trong các nhóm mặt hàng và làm CPI chung tăng 0,16%.

CPI giao thông tăng chủ yếu do tăng giá xăng dầu vào ngày 8/5/2018 và 23/5/2018, theo đó giá xăng E5 đã tăng 1.010 đ/lít từ 18.930 đ/lít lên 19.940 đ/lít. Mức tăng này phù hợp với diễn biến giá dầu thế giới.


Ông Nguyễn Đức Hùng Linh tin lạm phát không đáng lo ngại trong năm nay

Trở lại thời điểm cuối tháng 5, ông Linh cho hay, giá dầu thô WTI đã tăng lên đỉnh cao nhất 2,5 năm là 72.31 USD/thùng, tăng 19,3% so với đầu năm.

Giá dầu thế giới tăng xuất phát từ những căng thẳng địa chính trị tại trung đông bao gồm hủy bỏ thỏa thuận hạt nhân Iran - Mỹ và chiến tranh Israel - Iran tại Syria. Trong khi đó, nguồn cung dầu mỏ vẫn dồi dạo, đặc biệt là nguồn cung dầu đá phiến Mỹ. Cùng với kỳ vọng OPEC sẽ tăng sản lượng vào cuộc họp tháng 6, giá dầu đã giảm lại về 65 USD/thùng.

“Diễn biến này sẽ giảm áp lực lên giá xăng dầu trong nước trong tháng 6, thậm chí dài hơn do cán cân cung cầu dầu mỏ thế giới nhìn chung vẫn nghiêng nhiều hơn về phía cung”, vị chuyên gia nhận định.

Trong khi đó, CPI thực phẩm tháng 5 tăng 1,2% so với tháng trước, là nhóm mặt hàng có mức tăng cao thứ 2 sau giao thông. Trong cấu thành của thực phẩm, giá thịt lợn tăng mạnh nhất, 5,85%, khiến CPI chung tăng tới 0,25%.

Giá thịt lợn hơi vào cuối tháng 5/2018 giao động ở khoảng 48 nghìn đồng/kg, tăng 60% so với đầu năm và gần gấp 2 so với cùng kỳ 2017. Giá lợn giảm sâu trong năm 2017 đã khiến nhiều hộ chăn nuôi giảm đàn, theo số liệu của Tổng cục thống kê, ước tính tổng đàn lợn hiện tại đã giảm 5,4% so với cùng kỳ.

Nguồn cung trong nước giảm là nguyên nhân chính khiến giá lợn tăng trong năm 2018. Ngược lại, giá lợn Trung Quốc tăng vọt kéo theo nhu cầu nhập khẩu ồ ạt thịt lợn từ Việt Nam là nguyên nhân chính khiến giá lợn tăng mạnh giai đoạn cuối năm 2016.

Ở thời điểm hiện tại, giá thịt lợn tại Trung Quốc đang ở mức rất thấp trong khi giá thịt lợn trong nước đã tăng lên gần bằng mức đỉnh của năm 2016 nên việc cân bằng cung cầu trong nước, kết hợp với nhập khẩu có thể sẽ sớm làm ổn định giá thịt lợn, từ đó giảm áp lực lạm phát thực phẩm, đại diện SSI đánh giá.

Ngoài giá thịt lợn, giá gạo cũng tăng do Việt Nam trúng thầu nhiều lô gạo xuất khẩu. Tuy nhiên do được mùa và nguồn cung tốt, giá gạo trong nước về cơ bản vẫn được kiểm soát. CPI lương thực chỉ tăng 0,03%. Giá lương thực, thực phẩm cùng tăng khiến CPI ăn uống ngoài gia đình tăng 0,5%, là nhóm mặt hàng tăng cao thứ 3.

CPI có thể chững lại vào những tháng tới

Đứng thứ 4 là CPI nhà ở và vật liệu xây dựng, tăng 0,34%. Trong nhóm này, giá gas tăng theo giá dầu thế giới là một nguyên nhân. Bên cạnh đó, mùa hè nóng đã đẩy nhu cầu tiêu thụ điện, nước tăng, kéo theo chi phí tăng (do mức giá lũy tiến). Theo đó giá điện sinh hoạt tăng 0,95% và giá nước sinh hoạt tăng 0,52%.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Đức Hùng Linh, với giá dầu giảm và cam kết không tăng giá điện trong năm 2018, CPI nhà ở và VLXD nhiều khả năng sẽ tăng thấp, thậm chí có thể giảm trong những tháng tới như đã xảy ra vào tháng 2 và tháng 3.

Hai nhóm mặt hàng chịu điều tiết bởi quyết định hành chính là y tế và giáo dục không tăng giá trong tháng 5. Đây là một dấu hiệu cho thấy các cơ quan nhà nước đang phối hợp để cân đối giảm áp lực lạm phát.

Nhìn lại, vào tháng 3 và tháng 4 năm 2017, khi CPI thực phẩm lại giảm 1,22% và 1,11%, hàng loạt các tỉnh đã được điều chỉnh phí dịch vụ y tế làm CPI dịch vụ y tế tăng 9,86% và 10,59%.

Tính từ đầu năm, CPI 5 tháng đã tăng 1,61% so với cùng kỳ, trong đó CPI giao thông tăng cao nhất, 4,13%, tiếp theo là CPI thuốc và dịch vụ y tế, 3,97% (do có 18 tỉnh tăng phí dịch vụ y tế trong tháng 1 và tháng 3). CPI lương thực, 2,43% và thực phẩm 2,08% cũng có mức tăng tương đối cao trong khi cùng kỳ 2017 tăng thấp và giảm.

“Với giá lương thực, thực phẩm, xăng dầu khó tăng cao, kết hợp với công cụ hành chính ở y tế và giáo dục, đà tăng CPI rất có thể sẽ chững lại trong những tháng tới và mục tiêu kiểm soát 4% trong năm 2018 vẫn nằm trong tầm khả thi” – vị chuyên gia của SSI khẳng định.

Mai Chi

Chuyên mục: Vĩ Mô

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *