“30 phút nghỉ trưa ăn bánh mì để tiếp dân là thật”

FICA - Luật Tiếp công dân đã quy định ít nhất 1 ngày trong 1 tháng để lắng nghe xem xét và chỉ đạo cơ quan nhà nước tiếp công dân và giải quyết ý kiến của nhân dân.

Cơ quan thẩm quyền phải có trách nhiệm trả lời đơn thư của công dân

Chuyên mục "Dân hỏi - Bộ trưởng trả lời" tuần này, Tổng thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh đã trực tiếp trao đổi và đề cập những vấn đề được người dân quan tâm quy định trong Luật tiếp công dân.

Thưa Tổng thanh tra Chính phủ, vừa qua báo chí có đưa tin về 2 cuộc tiếp dân của ông cùng Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội và Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên. Tôi đọc báo, nghe đài có thấy nói các ông còn phải ăn bánh mỳ để tiếp dân. Tuy nhiên, trong thực tế vẫn còn nhiều đơn thư bức xúc của người dân thì liệu các ông có ăn bánh mì liên tục mà tiếp dân được hay không?

 

Thực hiện Luật Tiếp công dân là quy định các cấp phải dành thời gian ít nhất 1 ngày tiếp công dân. Lần đầu tiên, chúng tôi cùng Bộ trưởng Chủ nhiệm, Văn phòng Chính phủ tiếp công dân. Chúng tôi cũng tập trung giải quyết cho nhiều vụ việc và đạt hiệu quả và việc chúng tôi dành 30 phút nghỉ trưa ăn bánh mì là sự thật.

Trong ngày đó chúng tôi đã giải quyết được 6 vụ việc, qua tiếp công dân chúng tôi trao đổi, hướng dẫn, giải thích cho người khiếu nại và giao vụ việc cho các cơ quan liên quan. Kết quả trong 1 tháng có vụ bà Bé đã được giải quyết dứt điểm, còn 5 vụ khác thì  3 vụ thành lập đoàn thanh tra, 2 vụ giao Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội trực tiếp rà soát và giải quyết.

Chúng tôi đánh giá tiếp dân ngay ngày đầu tiên là hiệu quả vì vậy yêu cầu Thủ trưởng các cơ quan nhà nước các cấp, Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân các cấp phải thực hiện đúng yêu cầu, thực hiện đúng Luật Tiếp công dân đã quy định ít nhất 1 ngày trong 1 tháng để lắng nghe xem xét và chỉ đạo cơ quan nhà nước tiếp công dân và giải quyết ý kiến của nhân dân.

Nhiều vụ việc Thanh traNhà nước đã ra quyết định, kết luận rất rõ ràng, nhưng tính hiệu lực thì không cao vì không có người thực hiện và cũng không có người giám sát thực hiện các quyết định này. Vậy thưa Tổng thanh tra Chính phủ, ông sẽ có những biện pháp nào để giải quyết vấn đề này?

Trong thời qua, chúng tôi đánh giá nhiều địa phương đã rất tích cực để chấm dứt tình trạng khiếu nại tố cáo của công dân, bởi đây là quyết định được các cơ quan có thẩm quyền quyết định vì vậy phải có hiệu lực.

Tuy nhiên, cũng còn một vài địa phương, có vụ việc thực hiện không nghiêm làm cho dân bức xúc vì những quyết định có hiệu lực chưa được thực hiện đến nơi, đến chốn.

Thứ hai, vừa qua, chúng tôi cho rằng, việc thực hiện kỉ luật hành chính đối với Trung ương và địa phương đã mang lại hiệu quả thiết thực, nhưng vẫn có một số vụ việc chưa được thực hiện nghiêm. Đặc biệt, có vụ việc Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo nhưng chưa thực hiện kịp thời, làm ảnh hưởng đến kết quả khiếu nại tố cáo.

Vì vậy, chúng tôi đề nghị việc thực hiện các Quyết định đã có hiệu lực phải tích cực hơn để đạt mục tiêu chấm dứt, giải quyết khiếu nại các vụ việc.

Ngoài ra, các cơ quan Nhà nước phải thực hiện nghiêm kỷ luật hành chính cấp dưới phải chấp hành, thực hiện lệnh cấp trên. Khi đó, kỷ cương phép nước mới được thực hiện nghiêm.

Từ năm 1998 đến nay, tức là đã 16 năm đeo đuổi một vụ kiện. Thưa Tổng thanh tra, những trường hợp như thế này thì có cơ quan nào chịu trách nhiệm giải quyết vụ việc hay không?

Vụ việc 16 năm chưa giải quyết, trước hết cấp có thẩm quyền nào mà không thực hiện coi như có khuyết điểm, về phía người dân cũng phải xem xét lại mình khiếu kiện có đúng thẩm quyền không, có đúng trách nhiệm giải quyết của cơ quan nhà nước không, hay khiếu nại vượt cấp.

Hy vọng là khiếu nại càng cao giải quyết càng nhanh là không đúng quy định của pháp luật, cho nên cả hai phía đều phải xem xét nếu cơ quan nhà nước sai phải nhận khuyết điểm, thụ lý vụ việc và giải quyết đúng thẩm quyền, nếu người dân sai khiếu nại chưa đúng thì khiếu nại đúng quy định của pháp luật.

Thời gian qua, có nhiều vụ việc đã giải quyết đến nơi đến chốn nhưng người dân vẫn chưa chấp nhận và tiếp tục khiếu kiện thì theo quy định của Luật ở Điều 26 có quy định cơ quan nhà nước có thẩm quyền có quyền từ chối quyền khiếu nại của người dân.

Vì vậy, chúng tôi yêu cầu cơ quan Nhà nước phải thực hiện nghiêm việc thụ lý các hồ sơ khiếu nại của người dân và người dân cũng phải hiểu pháp luật để hiểu được công việc của các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

Vậy nếu như đơn vị tiếp công dân cấp cơ sở không thực hiện đúng chức năng thì họ sẽ phải chịu trách nhiệm như thế nào, thưa Tổng thanh tra Chính phủ?

Trong trường hợp đó cơ quan tiếp công dân của địa phương mà không thực hiện đúng thì Điều 9 Luật tiếp công dân có quy định 8 hành vi bị cấm trong việc tiếp công dân trong đó nghiêm cấm việc thiếu trách nhiệm trong việc tiếp công dân, cái thứ 2 là phân biệt đối xử trong việc tiếp công dân và các quy định khác.

Cho nên, trong trường hợp này thì nếu cơ quan tiếp công dân có hành vi vi phạm trong 8 điều này thì có thể xử lý bằng hình thức chấn chỉnh, xử lý hành chính, kỷ luật về mặt tổ chức nếu nặng hơn xử lý theo quy định của pháp luật.

Tháng 4/2011, tôi có nhận được Công văn số 2051 của Văn phòng Chính phủ. Đến nay, công văn đã ra được 3 năm nhưng vẫn chưa được giải quyết. Tôi xin hỏi công văn ấy có được giải quyết hay không. Vậy với những trường hợp như thế này, Tổng Thanh tra có thể cho biết công dân nên hành xử như thế nào?

Theo quy định của Luật Tiếp công dân, khi nhận đơn của công dân nếu không đúng thẩm quyền giải quyết của mình thì phải hướng dẫn giải thích và chuyển đơn. Trong trường hợp vụ xử lý đơn thư Văn phòng Chính phủ đã chuyển đơn thư cho cơ quan Nhà nước thì chúng tôi nghĩ phải xem xét trách nhiệm của người chuyển đơn và theo dõi việc trả lời cho công dân.

Thứ hai là cơ quan được chuyển đến theo quy định là trong 10 ngày phải trả lời trực tiếp hoặc bằng văn bản cho công dân xem giải quyết như thế nào.

Chính vì vậy, chúng tôi cho rằng, trong việc chuyển đơn để đến các cơ quan có thẩm quyết giải quyết cũng phải theo đúng thẩm quyền, trách nhiệm, đồng thời việc chuyển đơn cũng phải theo dõi, thông báo kịp thời cho công dân, cơ quan được nhận đơn chuyển đến thì cũng phải trả lời theo quy định của luật; đồng thời chuyển đến cơ quan có thẩm quyền thụ lý vụ việc để giải quyết cho công dân.

Xin cảm ơn Tổng thanh tra Chính phủ!

Bích Diệp ghi

Chuyên mục: Vĩ Mô

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *