Dòng chảy vốn 05/08/2015 07:19

Vào TPP, mỗi năm GDP của Việt Nam tăng thêm 3,7 tỷ USD

Ước tính, khi tham gia vào Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), mỗi năm GDP của Việt Nam sẽ tăng 2%, tương ứng khoảng 3,7 tỷ USD. Đây là nhận định của TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và Kinh tế (VEPR) thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội.

Lần đầu tiên Viện VEPR đưa ra con số định lượng về những tác động của TPP đối với kinh tế Việt Nam trong báo cáo Tác động của Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đến ngành chăn nuôi của Việt Nam.

Trước đó, ngày 31/7, Vụ Chính sách thương mai đa biên - Bộ Công Thương cho biết, Việt Nam vừa kết thúc toàn bộ đàm phán song phương với một số thành viên trong TPP trong đó có những nước lớn là Mỹ, Nhật Bản, Singapore…

20150804-chung-kho-225-n-viet-nam-v-224-m-243-n-quot-ngon-quot-tpp-1-cd53d
VEPR nhận định, khi tham gia vào TPP, Việt Nam sẽ là nước hưởng lợi nhiều nhất, GDP có thể tăng thêm 2% mỗi năm
 

Theo TS Thành, với GDP hiện nay của Việt Nam là 186 tỷ USD, tăng 2% khi vào TPP, mỗi năm Việt Nam sẽ được bổ sung thêm 3,7 tỷ USD. Con số này cao hơn so với các nghiên cứu trước đó của WB, EuroCham là từ 1,4 đến 2,9 tỷ USD khi Việt Nam tham gia vào TPP.

“Các khoản gia tăng cho GDP Việt Nam khi chúng ta gia nhập TPP là tăng tiêu dùng, tăng xuất khẩu và tăng đầu tư, trong đó có cả đầu tư FDI và tổng đầu tư toàn xã hội (đầu tư nội địa). Lợi thế lớn nhất của Việt Nam khi tham gia vào TPP sẽ là thúc đẩy xuất khẩu tăng cao khi thuế quan nhiều mặt hàng ở các thị trường xuất khẩu như Mỹ, Nhật Bản sẽ gia tăng”, TS Thành cho biết.

Cùng với xuất khẩu, đầu tư nước ngoài được dự toán sẽ tăng khoảng 13 tỷ USD, mức tăng gần bằng tăng thu hút FDI vào Nhật Bản, gấp đôi mức tăng FDI vào Úc, Malaysia. Theo báo cáo của VEPR, sở dĩ FDI tăng là do Việt Nam là nước có lợi thế xuất khẩu khi giá nhân công rẻ, chi phí đầu vào trung bình rẻ hơn so với nhiều nước khác, nguyên liệu nhiều ngành như nông sản, thủy sản có tại chỗ… Lợi thế tỷ giá hối đoái giữa đồng Việt Nam và USD sẽ có lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài khi thuế xuất khẩu giảm…

Tuy nhiên, TPP không phải là “màu hồng”, theo nghiêm cứu của VEPR và TS Nguyễn Đức thành, hội nhập luôn mang lại cả cơ hội và thách thức cho các nước tham gia. Quá trình hội nhập sẽ ảnh hưởng sâu rộng đến tất cả các lĩnh vực của toàn bộ nền kinh tế. Các ngành bị ảnh hưởng rất lớn khi Việt Nam tham gia vào TPP sẽ là chăn nuôi, doanh nghiệp phân phối - bán lẻ, khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Một đặc điểm được cho là thách thức lớn đối với Việt Nam chính là, khi tham gia TPP, các nước đều phải mở cửa hoàn toàn thị trường với các hàng hóa được cam kết. Thuế suất thuế nhập khẩu các mặt hàng cam kết khi nhập từ 11 nước sẽ được đưa về 0% ngay khi TPP có hiệu lực.

Đây là lợi thế cho nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang các nước nhưng cũng là thách thức lớn đối với nhiều ngành hàng trong nước khi quy mô, năng lực sản xuất và sức cạnh tranh còn yếu.

Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, “TPP không giống như WTO, nơi mà các thể chế kinh tế lớn, định chế thương mại toàn cầu áp đặt luật và điều lệ cuộc chơi. TPP là cuộc chơi mà các nước đều sòng phẳng về quyền và lợi ích. Anh nhượng bộ tôi điều này, tôi sẽ nhượng bộ anh điều kia và chắc chắn những ngành yếu kém sẽ phải hi sinh theo cơ chế thị trường bởi chúng ta không ôm đồm làm tất cả mọi thứ được”.

Bà Lan nhấn mạnh: Dù hàng Việt Nam được gỡ bỏ thuế, song nhiều nước TPP sẽ tăng cường xây dựng hàng rào phi thuế quan như tiêu chuẩn an toàn vệ thực phẩm (SBS ) và hàng rào tiêu chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn chất  lượng (TBT). Đây sẽ là áp lực lớn đòi hỏi hàng xuất khẩu Việt Nam phải cải thiện chất lượng, tiêu chuẩn; đồng thời, Việt Nam cần nhanh chóng xây dựng các hàng rào phi thuế để tránh trở thành bãi rác thực phẩm, công nghiệp ế, thừa và cũ kỹ của các nước.

Nguyễn Tuyền

Chuyên mục: Dòng chảy vốn

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *