Dòng chảy vốn 26/04/2016 07:40

TS Lê Đăng Doanh: "Đây là tuyên bố đầy thách thức và xúc phạm"

Như Dân trí đã dẫn tin, hôm qua (25/4), ông Chu Xuân Phàm, Giám đốc đối ngoại Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh khi trả lời báo chí về hiện tượng không có sinh vật biển: tôm, cá...sống xung quanh khu vực xả thải nhà máy này đã nói rằng:" Nhiều khi mình không được cả hai thì mình phải lựa chọn. Tôi muốn bắt cá, bắt tôm hay là tôi muốn xây một cái nhà máy thép hiện đại". Một số chuyên gia kinh tế (CGKT) Việt Nam tỏ ý sửng sốt về phát ngôn này.

TS Lê Đăng Doanh:"Không thể chấp nhận được" !


Tiến sĩ Lê Đăng Doanh:Đây là tuyên bố đầy thách thức và xúc phạm

Tiến sĩ Lê Đăng Doanh:""Đây là tuyên bố đầy thách thức và xúc phạm"

Trả lời Dân trí về phát ngôn trên của Giám đốc đối ngoại Formosa Hà Tĩnh, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng: "Đây là tuyên bố đầy thách thức và xúc phạm".

Ông Chu Xuân Phàm, Giám đốc đối ngoại Formosa Hà Tĩnh với phát ngôn gây "bão":"Hoặc là chọn nhà máy thép hiện đại, hoặc là chọn con cua, con cá".

"Tôi phản đối tuyên bố đầy thách thức và có tính chất đầy xúc phạm đến đất nước Việt Nam của vị giám đốc doanh nghiệp trên. Dù chúng ta chưa có kết luận chính xác vụ việc, nhưng việc một doanh nghiệp tuyên bố như vậy không thể chấp nhận được. Chúng ta cho phép Formosa đầu tư nhưng cũng yêu cầu họ phải đảm bảo các điều kiện sống cho tự nhiên, cho thế hệ mai sau", ông nói.

Theo TS Lê Đăng Doanh, "Chúng ta không thể có lựa chọn hy sinh tài nguyên môi trường, đó là sự vi phạm công ước quốc tế về môi trường". Vị CGKT này còn đề nghị các cơ quan có trách nhiệm như: Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài nguyên Môi trường kiểm tra các giấy phép nhập khẩu các loại chất độc và cực độc; giấy chứng nhận đầu tư, các cam kết về môi trường...của công ty này.

"Dù chưa xác định chính xác nguyên nhân, nhưng tuyên bố này là thái độ bàng quan trước vấn nạn của một đất nước. Thái độ thách thức của nhà đầu tư đối với người Việt Nam là không thích hợp. Tôi được biết, trước đó, Formosa đã nhập một lượng lớn các chất độc, cực độc về Việt Nam để súc rửa đường ống. Chúng ta phải yêu cầu họ báo cáo số chất đó đi đâu? Ai cho phép họ nhập về?", ông nêu câu hỏi.

Cũng theo TS Lê Đăng Doanh, các cơ quan chức năng cần vào cuộc để xác định xem động cơ của tuyên bố này như thế nào?. "Không thể bỏ qua mà không nói gì được. Tôi cực lực lên án lời phát ngôn đầy thách thức này vì nó không đúng với tinh thần của Việt Nam, vị thế của nhà đầu tư lớn và những ưu đãi của Việt Nam dành cho nhà đầu tư", ông Doanh bày tỏ thái độ.

TS Lê Đăng Doanh nhấn mạnh: "Đây là hệ quả rất nghiêm trọng khi chúng ta quá nuông chiều các tập đoàn, các doanh nghiệp ngoại... Không thể nào để cho một nhà đầu tư tuyên bố thay Việt Nam chọn thép để đánh đổi lấy sự mất đi của tài nguyên thiên nhiên. Cái giá đó quá đắt và chúng ta sẽ kể lại cho hậu thế như thế nào đây?".

"Cùng với tuyên bố này, nếu kết luận điều tra đúng với thực tế, chúng ta hoàn toàn có quyền khởi kiện. Khi đó, họ không chỉ vi phạm các quy định pháp luật Việt Nam mà còn vi phạm các công ước quốc tế về bảo vệ các sinh vật biển", ông nói thêm.

TS Lưu Bích Hồ:"Nhà máy thép không có gì to tát mà phải đánh đổi"

Nêu ý kiến về phát ngôn "hoặc chọn nhà máy thép, hoặc chọn tôm cá" của Giám đốc đối ngoại Formosa Hà Tĩnh, TS Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư bày tỏ:"Tôi nghe mà rất bất bình, chúng ta đặt ra yêu cầu đầu tư luôn gắn bảo vệ môi trường, ai cũng vậy, doanh nghiệp trong nước phải làm, doanh nghiệp nhà nước càng phải làm mà doanh nghiệp nước ngoài càng phải thực thi tốt hơn vì họ đến từ nước phát triển hơn chúng ta".


TS Lưu Bích Hồ:Nhà máy thép không là cái gì mà phải đánh đổi. Ảnh: Mai Công Thành

TS Lưu Bích Hồ:"Nhà máy thép không là cái gì mà phải đánh đổi". Ảnh: Mai Công Thành

"Không thể chấp nhận được thông điệp chọn 1 trong 2, điều này không đúng với chủ trương trong thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam. Không thể và không ai có quyền bắt Việt Nam phải chọn 1 trong 2, đánh đổi kinh tế để hy sinh điều kiện sống. Việt Nam phải chọn cả hai, không được hy sinh cái gì cả", CGKT Lưu Bích Hồ nhấn mạnh.

Trao đổi kỹ hơn với Dân trí, TS Lưu Bích Hồ nói:"Kinh nghiệm và thực tế của tôi khẳng định rằng: Nhà máy gang thép, điện hạt nhân nằm ven biển không phải là cái gì to tát mà phải đánh đổi. Việt Nam không phải trường hợp đầu tiên nên chúng ta không phải chọn cách trả giá".

"Gang thép chưa phải là cái gì ghê gớm, tôi từng đi qua Nhật Bản, họ xây dựng nhà máy điện hạt nhân ven biển, xả nước thải qua xử lý ra biển nhưng người dân vẫn thoải mái tắm ở nguồn nước đó, thậm chí họ còn nói nước thải ấy có thể sinh hoạt được. Đấy, nước thải nhà máy điện hạt nhân, nước thải có chứa chất phóng xạ nhưng họ đã xử lý tận gốc trước khi xả ra tự nhiên", ông nói.

Vị chuyên gia này nói thêm: "Tôi cho rằng, chúng ta đã cho phép Formosa xây đường ống xả thải là đã tin tưởng họ thì họ cũng phải tuân thủ các quy định và yêu cầu của Việt Nam. Phải có nhà máy thép và có cá tôm bình thường như lâu nay chúng ta vẫn làm".

Nguyễn Tuyền (thực hiện)

Chuyên mục: Dòng chảy vốn

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *