Dòng chảy vốn 05/04/2016 14:56

Truy tìm “gốc” của 9000 lít nhiên liệu nghi xăng máy bay bị thu giữ

Như tin Dân trí đã đưa, sáng nay (5/4), lãnh đạo một đơn vị thuộc Tổng công ty Xăng dầu quân đội đã cho biết, con số gần 9000 lít chất lỏng vận chuyển trái phép mà Quản lý thị trường tỉnh Hưng Yên vừa thu giữ là xăng máy bay quân sự. Nhưng một số chuyên gia kỹ thuật lại cho rằng, số nhiên liệu này không thể gây cháy nổ cho động cơ ô tô, xe máy.

Nguồn tin từ Ban chỉ đạo Chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban 389) Quốc gia cho biết, trong Chứng thư giám định của Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng I (gọi tắt: Trung tâm Kỹ thuật I), thuộc Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng Việt Nam, số hàng mẫu mà Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Hưng Yên đưa sang kiểm tra còn nguyên niêm phong giấy, có chữ ký, con dấu của các bên liên quan. Mẫu hàng này, theo khi nhận trong biên bản: “Có mùi hắc nhẹ, giống mùi xăng”.


Chiếc xe chở nhiên liệu nghi là xăng máy bay vẫn bị tạm giữ, phục vụ điều tra

Chiếc xe chở nhiên liệu nghi là xăng máy bay vẫn bị tạm giữ, phục vụ điều tra

Sáng ngày 5/4, theo thông tin từ Ban 389 Quốc gia, kết quả kiểm nghiệm từ Trung tâm Kỹ thuật I đã gửi Chứng thư giám định các mẫu hàng trên cho biết: Các mẫu được kiểm tra, thử nghiệm trên có hàm lượng chì rất cao (0,8651 g/lít so với yêu cầu của quy chuẩn đối vớixăng không chì mức 2 là 0,013 gam/lít) và đặc biệt số chất lỏng nghi xăng này “có trị số octan (kích nổ động cơ) không xác định được”, và không có hiện tượng kích nổ khi dẫn nhiên liệu vào buồng đốt.

Trung tâm Kỹ thuật I, sau khi tổng hợp mẫu kiểm tra, tính toán bằng phương pháp ngoại suy thì mẫu hàng được kiểm nghiệm có trị số octan khoảng 10%.

“Trung tâm Kỹ thuật I có thể khẳng định rằng, số mẫu hàng trên đã được pha thêm phụ gia có chì để tăng trị số octan của Xăng”, báo cáo kiểm định nêu.

Sáng nay, trả lời Dân trí, ông Nguyễn Trần Sơn, Phó Giám đốc Kỹ thuật của Công ty TNHH Một thành viên 165 – Tổng Công ty Xây dựng Quân đội (trực thuộc Công ty XNK tổng hợp Vạn Xuân, thuộc Bộ Quốc phòng) đã khẳng định, số gần 9.000 lít chất lỏng của Công ty này đang bị tạm giữ là xăng được nhập từ Nga và các nước Châu Âu vào Việt Nam để phục vụ cho máy bay quân sự, chủ yếu là các loại máy bay dân dụng đo vẽ bản đồ.

Tuy nhiên, trước đó, Ban chỉ đạo 389 tỉnh Hưng Yên đã cho biết số hàng này bị thu giữ khi vận chuyển mà không có hóa đơn, chứng từ và chủ hàng đã khai nhận ban đầu là mua hàng trôi nổi trên thị trường.

Chính vì những điểm không rõ ràng và có nhiều dấu hiệu vi phạm pháp luật này và lượng xăng dầu trên được cho là nhiên liệu phục vụ máy bay trong quân đội, hôm qua (4/4), Cục Điều tra hình sự, Bộ Quốc phòng đã chính thức tiếp nhận hồ sơ vụ việc từ Quản lý thị trường tỉnh Hưng Yên để điều tra, làm rõ.

Trao đổi với Dân trí hôm qua (4/4), Tổng giám đốc một hãng hàng không trong nước cho biết: "Đây là câu chuyện mới phát hiện nhưng nó đã tồn tại nhiều năm nay rồi mà chưa giải quyết được". Theo ông, thực tế có tình trạng đồng hồ đo nhiên liệu của máy bay và đồng hồ xe tra nạp nhiên liệu chênh lệch nhau. Số nhiên liệu trên đồng hồ xe tra nạp thường cao hơn số lượng nhiên liệu trên máy bay nên các đối tượng vận chuyển lợi dụng để mang khoản chênh lệch đó ra ngoài bán.

"Câu hỏi đặt ra là: nguồn xăng máy đó đó từ đâu mà ra, khi việc kiểm soát lượng xăng nạp lên máy bay phải rất nghiêm ngặt vì lý do an toàn", ông này đặt câu hỏi. Cũng theo vị CEO này: "Tôi nghĩ là cơ quan quản lý an toàn hàng không cần phải vào cuộc, tham gia kiểm tra, làm rõ vụ việc này cùng các cơ quan chức năng khác. Vì dù đây là hiện tượng chưa khẳng định. Nhưng nếu có, đó thực sự là vấn đề nghiêm trọng phải làm rõ".

Về khả năng gây cháy nổ động cơ, trao đổi với Dân trí, một số chuyên gia kỹ thuật của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) cho rằng, nhiên liệu bay nếu được pha chế để sử dụng cho phương tiện giao thông thông thường khó gây ra cháy nổ và nếu có , chỉ gây ra hiện tượng chết máy.

"Nhiên liệu bay là dạng nhiên liệu cùng phân đoạn với dầu hoả, nặng hơn xăng và nhẹ hơn dầu diesel. Nên khi pha vào xăng nó sẽ gây hại cho động cơ vì không cháy hết, tạo muội than, làm loãng dầu nhờn trên xi lăng nhưng nó hoàn toàn không làm cho nhiên liệu dễ cháy nổ. Trị số ốc tan trong số nhiên liệu mà cơ quan chức năng bắt giữ không đo được vì nếu đổ 100% nhiên liệu này vào thì động cơ không thể nổ được", một chuyên gia kỹ thuật của Hãng Technip tại Việt Nam đưa ra nhận xét.

Cũng có một số ý kiến cho rằng, thời gian qua, có những chuyến bay của máy bay quân đội sau khi kết thúc chuyến bay, nhiên liệu không dùng hết và cũng không dùng được cho lần bay tiếp theo nên đưa xả ra ngoài và được tận dụng để bán (không hóa đơn). Tuy nhiên, điều này cũng không được phép thực hiện.

Mạnh Quân

Chuyên mục: Dòng chảy vốn

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *