Dòng chảy vốn 06/12/2013 13:14

Trả lương bèo bọt, doanh nghiệp Việt nguy cơ "chảy máu" chất xám

FICA - Cùng trình độ như nhau, nhưng vì sao tại các doanh nghiệp nước ngoài, mức lương lại cao hơn 4-5 lần lương tại các doanh nghiệp trong nước? Còn về làm Nhà nước, đã chấp nhận công chức thì phải theo quy định – ông Nguyễn Đức Kiên chia sẻ.

Trong thời điểm giáp Tết, TS. Nguyễn Đức Kiên, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã có cuộc trò chuyện với Dân trí và phóng viên báo chí về vấn đề lương thưởng tại các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) cũng như doanh nghiệp nói chung.
 

Ông Nguyễn Đức Kiên - Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội
(Ảnh: BD).
 
Muốn lương cao nên xin thôi công chức
 
Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về cơ chế trả lương hiện nay tại các các DNNN? Về các đề xuất nâng chi trả lương cho công chức để chống tham nhũng, ông nhận xét như thế nào?
 
Khi nói về vấn đề quản trị DNNN, chúng ta cũng cần phải đặt trong bối cảnh đất nước. Cũng với 1 người có ngang trình độ như vậy, nhưng họ làm việc cho những doanh nghiệp nước ngoài hay các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) thì lương rất cao, cao gấp 4-5 lần. Liệu chúng ta có lo ngại rằng chúng ta đang và sẽ bị chảy chất xám không? Ví dụ như trường hợp VietnamAirlines và VietJetAir bây giờ vậy. 
 
Chúng ta có biện pháp nào? Chúng ta đừng lấy vấn đề đấu tranh phòng chống tham nhũng lên để rồi triệt tiêu động lực của người lao động hoạt động trong các doanh nghiệp nhà nước. Điều đó là nên tránh!
 
Tôi nghĩ, chúng ta phải đổi mới tư duy. DNNN cũng như DN các thành phần khác, cùng làm một việc, hưởng lương như nhau. Tất nhiên là trừ công chức. 
 
Sự đổi mới tư duy bắt đầu tư Đại hội TW Đảng 6 đến bây giờ vẫn có giá trị, đó là cách nhìn nhận trả lương trong khối doanh nghiệp và đánh giá hiệu quả doanh nghiệp, đóng góp vào hiệu quả như thế nào? 
 
Không những đòi hỏi phải thay đổi cách quản trị doanh nghiệp của những người trực tiếp làm quản trị doanh nghiệp mà còn đòi hỏi cả Chính phủ cũng phải thay đổi lại cách đánh giá và cách trả lương. Không phải là thích trả lương như thế nào thì trả như thế. 
 
Tôi lấy ví dụ, Thủ tướng quyền rất to nhưng cũng chỉ hưởng lương theo Luật đấy thôi. Luật Lao động quy định trả lương như thế nào thì phải trả như thế. 
 
Cũng không thể lương Thủ tướng ở một mức này mà đặt ra một mức trần, lương các Chủ tịch, Tổng giám đốc các DNNN sẽ ở dưới mức đó. Lấy ví dụ như tại Mỹ, lương các giáo sư đại học cao hơn lương Tổng thống thì cũng có ai nói gì đâu.
 
Cho nên, tuyệt đối không được lấy cái tôi ra để so sánh với các nước khác.
 
Nói như vậy, mức lương không nên cào bằng với tất cả ngành nghề và lĩnh vực?
 
Mình cần phải tôn trọng tính đặc thù của từng ngành nghề một. Khi anh đã chấp nhận làm công chức nhà nước thì anh cũng phải chấp nhận những thiệt thòi, bù lại anh được hưởng các chế độ khác. Về phía Nhà nước, cũng phải có trách nhiệm và có chế độ ưu đãi và tất cả các ưu đãi đó đều phải công khai.  
 
Chẳng hạn như, với mức lương thấp nhưng công chức được Nhà nước đảm bảo, có thể sẽ không bị thất nghiệp, có thể được mua nhà với giá ưu đãi để anh không phải lo đến những áp lực khác để ảnh phải dự phòng phải nhận phong bì, hối lộ. Còn nếu anh nhân phong bì thì sẽ bị truy trách nhiệm – lúc đó toàn bộ những ưu đãi kia bị mất.
 
Trong Hội nghị của Bộ Công thương vừa rồi, khi nói về quy chế tiền lương mới, nhiều lãnh đạo DNNN đã lo rằng lương của họ không bằng lương của người lao động. Theo ông, nếu lương thấp hơn thì trách nhiệm của họ có thấp hơn không?
 
Đối với DNNN, phải tách ra làm 2 nhóm, nhóm thứ nhất là công chức Nhà nước được Nhà nước cử sang hoạt động tại các DNNN. Khi đã đời công chức thì phải chịu mức lương thưởng như thế, là Đảng viên – thôi không kêu! Còn khi tuyển vào CEO làm điều hành thì theo luật, quy chế của công ty.
 
Tôi nghĩ là những người cho rằng lương công chức Nhà nước thấp thì phải thôi công chức và chuyển sang ký hợp đồng thì mới hợp lý và theo đúng quy tắc kinh tế thị trường.
 
 
Xem lại trách nhiệm của cơ quan thuế và Vụ Lao động - Tiền lương
 
Nhưng thực tế là có không ít người “chạy” vào công chức không chỉ là để hưởng lương.
 
Có phải công chức nào cũng được lót tay và cũng có cơ hội nhận phong bì đâu? Theo điều tra, có 4 ngành hiện nay đang có tỷ lệ tham nhũng cao nhất là hải quan, cảnh sát giao thông, những người làm công tác liên quan đến doanh nghiệp và lĩnh vực đất đai. Đây là những lĩnh vực nhiều rủi ro tham nhũng nhất.
 
Ngay như ngành công an thì cũng chi công an giao thông mới có điều kiện tham nhũng nhiều nhất thôi, chứ ví dụ cảnh sát hình sự thì được ai biếu gì?
 
Vậy tại những lĩnh vực nhạy cảm đó, theo ông, Chính phủ cần trả lương và giám sát ra sao?
 
Một cơ quan không thể giám sát hết tất cả. Một mặt phải tự giám sát trong nội bộ cơ quan, mặt khác phải áp dụng giám sát của xã hội.
 
Bộ LĐTBXH vừa rồi cũng có nhận xét rằng, cơ chế phân phối lương trong nội bộ tạo ra sự bất bình đẳng, việc gộp chung quỹ lương của người lao động và quỹ lương của người quản lý rồi lấy lương của người lao động trả cho người quản lý? Ông đánh giá ra sao về việc này?
 
Đấy là với 4 doanh nghiệp công ích trên địa bàn TPHCM chứ không phải DNNN nào cũng như vậy. Còn để xảy ra một số tình trạng trên thì Bộ LĐTBXH và Vụ Lao động - Tiền lương cần tự kiểm điểm lại theo tinh thần Nghị quyết TW4 khóa XI, đó là trách nhiệm của Vụ Lao động - Tiền lương. Vụ không thể đứng ngoài nhìn sự việc này một cách vô can.
 
Tin từ Bộ Tài chính vừa rồi, các quyết toán từ thuế Thu nhập cá nhân cho thấy, tổng thu nhập thực tế của lãnh đạo 32 công ty mẹ thuộc Tập đoàn, TCT Nhà nước cao hơn trong 2011-2012 có khoảng 19 vị trên 1 tỷ, có vị tới 2 tỷ, nhưng sản xuất kinh doanh lại có lúc đi xuống, có lúc ngấp nghé lỗ. Ông có bình luận gì không?
 
Ở đây, có trách nhiệm của Tổng cục Thuế trong việc giám sát TNCN, giám sát như thế nào mà để xảy ra tình trạng đó. 
 
Đó là trường hợp Phòng thuế thu nhập cá nhân của Sở Tài chính TPHCM không giám sát được việc đóng thuế nên mới để xảy ra tình trạng 4 lãnh đạo doanh nghiệp công ích có thuế TNCN cao bất thường mà không phát hiện ra được.
 
Cũng tương tự như trường hợp 600 bánh heroin đi qua cửa hải quan, ai cũng báo cáo mình làm đúng quy trình, nhưng rốt cuộc heroin vẫn đi qua.
 
Đừng đòi hỏi sự tuyệt đối công bằng ở tiền lương
 
Ông nhìn nhận thế nào khi thời gian vừa qua, tiết lộ về mức lương của một số lãnh đạo DNNN đã gây “sốc” cho dư luận?
 
Tôi nghĩ là mọi người cần xem lại là đã đặt các doanh nghiệp vào một hệ tiêu chí hay chưa? Nếu lương của lãnh đạo làm tại những xí nghiệp cây xanh, cấp thoát nước mà lên tới 80 triệu thì vô lý. Nhưng nếu làm kinh doanh da giày, xuất khẩu thì lương 60-70 triệu là bình thường. Không nên đánh đồng tất cả để vội cho rằng, tất cả các mức lương mà những lãnh đạo đó nhận quá cao.
 
Sinh viên ra trường sau 7 năm mới làm được nhân viên kỹ thuật hàng không, nếu lương làm ở hãng bay nước ngoài thì thế nào, và làm ở VietnamAirlines thì được trả bao nhiêu? Thế nên mới có cơ hội để VietJet Air thu hút.
 
Chúng ta phải có một chế độ đãi ngộ đúng đắn, nếu không, các DNNN sẽ mất hết các nguồn chất xám. 
 
Chúng ta đừng quên mất một điều rằng, 30 năm nay, chúng ta đã bỏ ra rất nhiều tiền mới đào tạo được một đội ngũ công chức có trình độ như ngày hôm nay. 
 
Vậy để giữ được nhân tài thì mức lương trả cho cán bộ nhân viên trong DNNN sẽ phải tương đương với các doanh nghiệp bên ngoài?
 
Nếu không tương đương thì ít nhất cũng phải trả được bằng 70% của doanh nghiệp nước ngoài. 
 
Điều bất cập mà chúng ta thấy đó là, cũng là phí công lái máy bay Airbus, nhưng phi công người nước ngoài thì lương 10.000 USD còn lương phi công Việt Nam lại chỉ có 3.000 USD. Vậy tại sao, chúng ta lại tự coi thường nhau như thế?
 
Theo ông, so sánh mặt bằng lương, thì mức khống chế tối đa 54 triệu/tháng có hợp lý không (mức 54 triệu này phải đáp ứng được rất nhiều yêu cầu, phải đảm bảo lợi nhuận tăng, bảo toàn được vốn…)? Và trên thực tế ở một số DNNN, có những bộ phận bị giảm lương lại có trường hợp tăng.
 
So với mặt bằng chung của công chức thì lương như thế là cao, cao hơn cả mức lương Thủ tướng. 
 
Nhưng vấn đề là, như tôi đã nói, khi đã chấp nhận làm công chức thì phải theo luật cho công chức, là Đảng viên thì ngoài trách nhiệm của công dân còn có nghĩa vụ của Đảng viên, khi phân công thì phải chịu. Còn muốn được hưởng lương cao hơn nữa thì buộc phải thôi công chức.
 
Trong tiền lương, đừng bao giờ đòi hỏi một sự công bằng tuyệt đối. Xòe bàn tay ra đếm cũng thấy ngón dài ngón ngắn, từng đốt ngón tay trong một ngón tay cũng có đốt dài đốt ngắn. 
 
Nên sự quy định của Nhà nước, là khung của khuôn khổ pháp luật, tùy vào từng trường hợp, Hội đồng thành viên của doanh nghiệp sẽ xây dựng và đối chiếu, qua Sở LĐTBXH và Bộ LĐTBXH duyệt, họ sẽ trả lương theo cơ chế đó.
 
Ông thấy sao khi trả lương cho lãnh đạo doanh nghiệp làm ăn lãi cũng như lỗ?
 
Trong Nghị định có quy định về trách nhiệm khi doanh nghiệp làm ăn thua lỗ.
 
Dường như xã hội vẫn chưa hài lòng với những kết quả mà lãnh đạo các DNNN đã đạt được, chưa tương xứng với mức lương của họ. Về phía ông, ông đánh giá năng lực của các lãnh đạo DNNN hiện nay như thế nào?
 
Doanh nghiệp đã hoạt động kinh doanh thì phải chấp nhận có lúc lỗ, lúc lãi - cả DNNN và doanh nghiệp tư nhân đều vậy, chứ chúng ta không thể đòi hỏi chỉ có lãi và không có lỗ. 
 
Doanh nghiệp tham gia vào thị trường thì phải bình đẳng: doanh nghiệp được sinh ra, phát triển và có chết. Chúng ta phải bỏ đi tư duy của thời bao cấp là doanh nghiệp không bao giờ chết, lợi nhuận năm sau luôn cao hơn thời kỳ trước. Đó là điều không thể có trong nền kinh tế thị trường!
 
Bao nhiêu doanh nghiệp của các nước khác như Ford, GM cũng phải đối mặt phá sản và nhờ đến Chính phủ Mỹ. Vấn đề là sau khi vượt qua khó khăn, tìm được những người quản trị tốt thì sau 3 năm họ lại khôi phục lại.
 
Vận hành trong nền kinh tế thị trường thì DNNN cũng không khác với những doanh nghiệp khác, tôi nghĩ dư luận phải chia sẻ với những người làm doanh nghiệp.
 
Còn nói chung về lỗ - lãi ở các doanh nghiệp, với một người bỏ tiền ra thành lập doanh nghiệp, sau một thời gian họ phá sản thì xã hội cũng nên có cái nhìn chia sẻ với họ, chứ không nên nhìn họ kém hơn ngày xưa khi họ đang làm ăn nên. Tôi rất mong xã hội là cần có cái nhìn thông cảm, sẻ chia hơn.
 
Xin cảm ơn ông!
 
Bích Diệp
Chuyên mục: Dòng chảy vốn

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *