Dòng chảy vốn 07/10/2015 15:25

TPP và chuyện một con lợn gánh 50 loại phí

Các chuyên gia cho rằng, để được hưởng lợi từ Hiệp định đối tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), Chính phủ và doanh nghiệp (DN) Việt Nam đều phải thay đổi. Đây cũng là cơ hội để Việt Nam chủ động cải cách thể chế kinh tế.

Theo TS Phạm Chi Lan, lĩnh vực chăn nuôi sẽ bị thiệt hại nhiều nhất, khi phải cạnh tranh trực tiếp với các nước có nền chăn nuôi tiên tiến, nông dân được nhà nước quan tâm, ủng hộ. 

Trong khi đó, nông dân Việt Nam dù được chính sách hỗ trợ, nhưng thực tế vẫn chịu các gánh nặng nhà nước, như một con lợn phải gánh tới 50 thứ thuế phí, 1 quả trứng cũng có 14 thuế phí…

“Chăn nuôi khó khăn sẽ càng khó hơn, vì chính trong nước lâu nay đã không ủng hộ ngành này, thậm chí đẩy gánh nặng nhà nước lên ngành chăn nuôi qua thuế phí”, bà Lan nói.

Được lợi nhiều nhất từ TPP vẫn là dệt may, thủy sản. Tuy nhiên, để có được điều này cũng phụ thuộc vào bản thân từng DN. Lợi ích từ TPP mang lại có rơi vào túi các DN Việt cũng là điều phải bàn, khi khối DN có vốn đầu tư nước ngoài chiếm tới 67% giá trị xuất khẩu.

Hiện có rất ít DN Việt đầu tư cho sợi, nhuộm, thay vì nhập khẩu từ Trung Quốc tới đây sẽ lấy từ chính các DN Trung Quốc hoạt động trên đất Việt Nam. Như vậy, về bản chất vẫn không có gì thay đổi.

Còn thời gian chuẩn bị

Ông Trương Đình Tuyển (cố vấn cao cấp đoàn Việt Nam đàm phán TPP) cho biết, ông không bất ngờ với việc các nước kết thúc đàm phán TPP.

Để TPP có hiệu lực, ông Tuyển cho biết, các nước sẽ phải được Quốc hội thông qua và đồng bộ cơ sở pháp lý giữa các nước thành viên. Do đó, nếu nhanh cũng phải năm 2017 TPP mới chính thức được áp dụng, đó là thời gian để chúng ta chuẩn bị.

Khi TPP có hiệu lực, các nước phải cắt giảm về 0 ngay lập tức với 90% số dòng thuế của 90% giá trị kim ngạch nhập khẩu; 10% dòng thuế còn lại có lộ trình cắt giảm trong 10 năm tiếp theo.

Do đó, bên cạnh cơ hội là áp lực cạnh tranh rất lớn, buộc nhà nước phải thay đổi thể chế, minh bạch, ổn định, công khai hơn. “Nhà nước không được tùy tiện thay đổi chính sách, nếu chính sách gây hại cho nhà đầu tư có thể bị kiện và phải đền bù, hoặc bị trừng phạt thương mại”, ông Tuyển cảnh báo.

Như vậy, TPP tạo sức ép buộc chúng ta cải cách thể chế, tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động để không chỉ xuất khẩu vào TPP mà cả các FTA khác.

Theo Lê Hữu Việt
Tiền Phong

Chuyên mục: Dòng chảy vốn

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *