Dòng chảy vốn 03/08/2015 15:48

TPP sẽ tác động gì đến Việt Nam?

Các chuyên gia hàng đầu của Việt Nam nói gì về chủ đề tác động của TPP đến Việt Nam trong tương lai và bài học rút ra từ quá trình hội nhập WTO trong quá khứ.

TS. Nguyễn Đức Thành cho rằng khi hiệp định TPP được thực thi, các dòng thuế quan sẽ giảm về 0% khiến cho doanh thu từ thuế giảm.

“Việt Nam cần tiến hành cải cách thể chế, tự do hóa thị trường các yếu tố đầu vào như lao động, vốn, đất đai. Hội nhập mà không đi liền với những cải cách này thì không những sẽ khiến Việt Nam khó tận dụng được những cơ hội tốt mà còn có thể dẫn đến những suy giảm, ví dụ trong kim ngạch xuất khẩu, ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế”, TS. Nguyễn Đức Thành – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cho biết tại Hội thảo Khóa học Quốc Tế về “Đánh giá tác động của Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) đến Việt Nam: Các tác động vĩ mô và trường hợp ngành chăn nuôi”.

TS. Nguyễn Đức Thành cho rằng khi hiệp định TPP được thực thi, các dòng thuế quan sẽ giảm về 0% khiến cho doanh thu từ thuế giảm. Điều này làm ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách, khiến cho Chính phủ có thể tìm cách bù đắp nguồn thâm hụt này bằng các nguồn khác như tăng các loại thuế khác, tăng vay nợ hoặc cắt giảm chi tiêu thường xuyên, trợ cấp và/hoặc đầu tư công nhằm giữ ổn định cán cân ngân sách.

Tuy nhiên, một số chính sách đó có thể cản trở nỗ lực hồi phục của nền kinh tế, tăng khả năng xảy ra bất ổn kinh tế vĩ mô. TS. Nguyễn Đức Thành cho rằng các chính sách nên tập trung vào cắt giảm chi tiêu thường xuyên.

Nhóm chuyên gia cho rằng đầu tư (bao gồm cả đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài) của Việt Nam sẽ tăng mạnh. Với các hiệp định thương mại, cùng với sự gia tăng các dòng thương mại, các nước trong và ngoài hiệp định sẽ tăng cường dòng đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam. Đây vừa là cơ hội vừa là thách thức đối với Việt Nam trong việc thu hút và sử dụng hiệu quả dòng vốn FDI. Bởi vậy, việc cải cách hành chính, chính sách đầu tư, phát triển các ngành phụ trợ (chẳng hạn xây dựng cơ sở hạ tầng, dịch vụ, hàng hóa trung gian, công nghiệp chế biến) nhằm tận dụng những lợi ích mà TPP đem lại có ý nghĩa rất quan trọng.

Dưới tác động của TPP, các chuyên gia cho rằng Việt Nam sẽ được gia tăng về tiêu dùng và đầu tư, đặc biệt là nhờ những ngành công nghiệp nhẹ như may mặc, dệt, da giày tăng sản lượng và xuất khẩu. Tuy nhiên, các ngành này đòi hỏi lao động giá rẻ để thu hút đầu tư.

Một khi mức lương của Việt Nam tăng liên tục, những nhà đầu tư nước ngoài không bám rễ tại đây có thể sẽ tìm kiếm và lựa chọn các nước khác làm điểm đến mới cho đầu tư. Do đó, Việt Nam không nên phụ thuộc vào những ích lợi ngắn hạn mà TPP mang đến.

Theo Lan Hương
Lao động

Chuyên mục: Dòng chảy vốn

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *