Dòng chảy vốn 15/09/2016 08:03

Tiền Nhà nước còn phải lo cho dân, không thể đổ thêm vào các “siêu dự án” thua lỗ

Đây là ý kiến của ông Đặng Quyết Tiến, Phó Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp trước tình trạng các dự án nghìn tỷ làm ăn thua lỗ liên tục “cầu cứu” lên Chính phủ để xin cơ chế ưu đãi.

Trao đổi với báo chí chiều ngày 14/9 xung quanh câu chuyện gần đây, một số dự án nghìn tỷ như Gang thép Thái Nguyên, Đạm Ninh Bình liên tục “cầu cứu” cơ quan chức năng xin cơ chế hỗ trợ, ông Đặng Quyết Tiến, Phó Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính thẳng thắn nói: “Quan điểm của chúng tôi là lời ăn lỗ chịu, đúng theo cơ chế thị trường”.

Ông Tiến cho rằng, doanh nghiệp một khi đã cổ phần hóa rồi thì phải hoạt động bình đẳng với các thành phần kinh tế khác. Việc ưu đãi cho dự án hay không và ưu đãi như thế nào đều đã có từ khi lập báo cáo dự án tiền khả thi và báo cáo khả thi.

Do đó, theo đại diện Bộ Tài chính, nhiệm vụ của doanh nghiệp, của chủ đầu tư phải vận hành một cách hiệu quả để có doanh thu, lợi nhuận, có tiền trả nợ cho các khoản vay và trả lương cho người lao động, trả cổ tức cho Nhà nước.

Cơ chế hỗ trợ đã có từ khi lập dự án, khi vận hành kinh doanh thua lỗ, không có lý do gì để xin thêm cơ chế (ảnh: Nhà máy Đạm Ninh Bình)
Cơ chế hỗ trợ đã có từ khi lập dự án, khi vận hành kinh doanh thua lỗ, không có lý do gì để xin thêm cơ chế (ảnh: Nhà máy Đạm Ninh Bình)

“Tất cả đã nằm trong kế hoạch mà nhà đầu tư xây dựng từ đầu. Do đó, khi đã vận hành, kinh doanh xảy ra thua lỗ thì rõ ràng bản thân doanh nghiệp, dự án phải tự cơ cấu lại. Nhà nước sẽ không bù lỗ, không hỗ trợ nữa”, ông Tiến quả quyết.

Đại diện Bộ Tài chính cho hay, thực hiện theo Hiến pháp 2013 và quy định của các luật: Đầu tư, Doanh nghiệp, Sử dụng vốn Nhà nước, cổ đông Nhà nước tại doanh nghiệp nếu quản lý không tốt thì người quản lý phải chịu trách nhiệm, cùng chia sẻ rủi ro, trách nhiệm đến đâu xử lý đến đấy.

Trong trường hợp không thể quản lý hiệu quả thì phải chấp nhận thoái vốn Nhà nước khỏi doanh nghiệp, bán cổ phần cho những nhà đầu tư giỏi hơn, có năng lực hơn thực hiện tiếp. “Không có lý do gì để mà xin cơ chế hỗ trợ!”.

“Phải chấp nhận thôi chứ bây giờ Nhà nước không thể bỏ tiền ra mà cứu được! Trong khi đó, anh có phải thuộc lĩnh vực mà Nhà nước phải nắm giữ, kiểm soát phần vốn đâu”, ông Tiến bình luận.

“Nhà nước còn phải dành tiền để lo cho dân, lo cho an sinh xã hội, lo cho đời sống của cán bộ công chức. Bây giờ tăng lương còn rất khó khăn, vấn đề nông nghiệp nông thôn, biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, bảo hiểm y tế cho đồng bào dân tộc và người nghèo…còn rất nhiều thứ phải lo…

“Còn bỏ tiền cho những dự án thua lỗ kia thì không đúng. Nhà nước bỏ tiền cho họ để họ làm ăn hiệu quả. Đã sản xuất kinh doanh thì phải hiệu quả”, lãnh đạo Cục Tài chính Doanh nghiệp cho hay.

Ông Đặng Quyết Tiến cũng nhấn mạnh, có 4 lĩnh vực mà Nhà nước vẫn phải bỏ vốn đầu tư và giữ vai trò chủ đạo: (1) Trực tiếp an ninh quốc phòng; (2) Xóa đói giảm nghèo an sinh xã hội; (3) Độc quyền tự nhiên – khi Nhà nước không thể quản lý, kiểm soát nổi thì Nhà nước mới phải nắm như điều hành bay, sản xuất vũ khí; (4) Những lĩnh vực thành phần tư nhân chưa đủ sức làm như làm hạ tầng sân bay, giao thông huyết mạch, kéo điện ra đảo…

Tuy nhiên, ngay cả ở những lĩnh vực này, trong tương lai khi tư nhân đủ sức làm và Nhà nước đủ năng lực giám sát, kiểm tra thì cũng sẽ mở cho tư nhân làm.

Dự án “Cải tạo và mở rộng sản xuất Công ty Gang thép Thái Nguyên – giai đoạn 2” có tổng chi phí đầu tư toàn dự án theo dự toán ban đầu là 3.843,67 tỷ đồng và dự toán điều chỉnh đã được phê duyệt là 8.104,91 tỷ đồng. Đến thời điểm cuối tháng 6, phần vốn giải ngân cho dự án này đã lên tới 4.539,7 tỷ đồng. Tuy nhiên, kéo dài cả một thập kỷ triển khai song dự án này đến nay vẫn là một công trình ngổn ngang, các hạng mục chính của dự án tại khu vực Lưu Xá vẫn chưa hoàn thành.

Chủ đầu tư dự án là Công ty Cổ phần Gang thép Thái Nguyên (TISCO) cho biết, lối thoát cho công ty đó là Nhà nước có cơ chế ưu đãi để giảm vốn, đẩy nhanh tiến độ. Nếu không có ưu đãi, tổng vốn đầu tư dự án sẽ đội lên trên 9.500 tỷ đồng.

Trong trường hợp không đầu tư tiếp thì phải tách phần dự án ra khỏi TISCO, bởi nếu không tách, chắc chắn không quá 1 năm TISCO sẽ phá sản khi mà lãi vay ngân hàng cho số tiền đầu tư vào dự án khoảng 30 tỷ đồng, toàn bộ số vốn lưu động của công ty hơn 1.800 tỷ đồng đã rót vào đó.

Hồi tháng 7 vừa rồi, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tuyên bố thẳng rằng “Chính phủ không thể tiếp tục ném tiền vào Gang thép Thái nguyên, như thế chẳng khác gì ném tiền vào lửa”.

Mới đây, tiếp tục lại có thêm một nhà máy vốn đầu tư 12.000 tỷ đồng được Tập đoàn Hóa chất đầu tư, do doanh nghiệp Trung Quốc làm tổng thầu là Đạm Ninh Bình tiếp tục “cầu cứu” sau 4 năm thua lỗ triền miên kể từ khi đưa vào vận hành sản xuất, lỗ lũy kế đến cuối tháng 6 đã lên tới gần 2.700 tỷ đồng.

Trước sức ép nợ nần, phải trả lãi vay tới khoảng 800 tỷ đồng mỗi năm, khấu hao khoảng 680 tỷ đồng, hiện nhà máy này đã phải cho 400 trên tổng số 1.000 cán bộ, công nhân nghỉ việc.

Bích Diệp

Chuyên mục: Dòng chảy vốn

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *