Dòng chảy vốn 09/03/2015 07:43

Tịch thu xe sẽ nảy sinh nhiều kiện tụng, tranh chấp

FICA- TS Trần Thế Quân - Cục phó Cục pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp (Bộ Công an) - cho rằng, đề xuất tịch thu phương tiện của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia nếu được chấp thuận sẽ làm nảy sinh rất nhiều vụ tranh chấp, kiện tụng phức tạp.

Tịch thu xe sẽ nảy sinh nhiều kiện tụng, tranh chấp

Đề xuất tịch thu phương tiện của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đang gây ra rất nhiều tranh luận.

 

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã giao Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với các Bộ Công an, Bộ Tư pháp và các cơ quan liên quan nghiên cứu đề xuất của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia về quy định tịch thu ô tô, xe máy khi lái xe có nồng độ cồn vượt 80mg/100ml máu hoặc vượt quá 0,4 mg/1 lít khí thở; tịch thu xe máy đi vào đường cao tốc. Theo ông, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia căn cứ vào Điều 26 Luật Xử lý vi phạm hành chính để đưa ra đề xuất như vậy có vững vàng ?

 

Điều 26 quy định “Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính là việc sung vào ngân sách nhà nước vật, tiền, hàng hoá, phương tiện có liên quan trực tiếp đến vi phạm hành chính, được áp dụng đối với vi phạm hành chính nghiêm trọng do lỗi cố ý của cá nhân, tổ chức”.

 

Đấy mới chỉ là quy định có tính chất chung, nguyên tắc, còn cụ thể thế nào phải tiếp tục nghiên cứu. Phải xác định vi phạm thế nào là “cố ý”, thế nào là “nghiêm trọng” và ứng việc tịch thu phương tiện vào điều này thì phải tính rất kỹ. “Nghiêm trọng” là gây ra hậu quả hay khả năng gây ra hậu quả ?.

 

Tịch thu là tịch thu của tất cả hay chỉ tịch thu phương tiện thuộc sở hữu của người vi phạm, bởi nhiều trường hợp phương tiện đó lại không phải sở hữu của người điều khiển vi phạm. Cái đó phải bàn kỹ.

 

Lãnh đạo Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia khẳng định nếu đề xuất được Chính phủ thông qua chắc chắn sẽ kéo giảm tai nạn giao thông, đặc biệt là tai nạn nghiêm trọng. Ông có đồng tình với nhận định này ?

 

Ngăn chặn người sử dụng rượu bia tham gia giao thông đương nhiên sẽ giúp giảm tai nạn giao thông, bởi thống kê cho thấy người sử dụng rượu bia rồi điều khiển phương tiện gây ra tai nạn chiếm tỷ lệ khá lớn. Người say rượu giảm đi thì tai nạn chắc chắn giảm xuống. Nhưng người ta có phân biệt được nồng độ cồn của người đi xe máy và người đi ô tô là có sự khác nhau, tức là người đi ô tô là nguồn nguy hiểm cao độ hơn xe máy mà đề xuất tịch thu cả hai ?.

 

Hiến pháp và Bộ luật Dân sự hiện hành đều đề cao quyền sở hữu tài sản của người dân. Ông có tin rằng nếu đồng ý với đề xuất của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia thì sẽ nảy sinh rất nhiều tranh chấp, kiện tụng không ?.

 

Đấy chính là vấn đề mà mọi người ít nghĩ tới. Người chủ sở hữu không vi phạm, nhưng lại tịch thu xe của họ, cứ cho là để nghiêm minh đi, thì những hệ lụy về mặt xã hội là rất nhiều vụ kiện dân sự sẽ xuất hiện, rồi lại “con kiến mà kiện củ khoai”… Người điều khiển xe sẽ lấy đâu tiền để trả (bồi thường) cho chủ sở hữu, sẽ nảy sinh nhiều vấn đề bức xúc với nhau.

 

Hơn nữa, so với những ngành luật khác cũng có bất hợp lý. Đối với luật hình sự thì trường hợp tịch thu phương tiện là khi người đó phạm tội nghiêm trọng và có sử dụng phương tiện đó. Trong trường hợp phương tiện đó bị chiếm đoạt của người khác thì người ta vẫn trả lại cho chủ sở hữu kia mà. Như đề xuất của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia thì mới là nguy cơ gây nguy hiểm thôi, chưa tới mức như hình sự.

 

Đấy là chưa kể hệ lụy từ việc chạy xe trên đường dừng để đo nồng độ cồn; giữa xe ô tô và xe máy tịch thu ngang nhau có gì đó không ổn, bởi ô tô là nguồn nguy hiểm cao độ, còn xe máy không phải nguồn nguy hiểm cao độ; ô tô giá trị còn khác nhau nữa.

 

Tôi cho rằng còn rất nhiều vấn đề phải bàn thêm, phải suy nghĩ kỹ, bởi phải đảm bảo cả tình - lý và khả thi. Tai nạn ghê gớm đấy nhưng phải làm sao để hợp pháp, hợp tình, hợp lý nên phải suy nghĩ kỹ.

 

Nhiều nước đã hình sự hóa hành vi uống rượu bia say xỉn rồi điều khiển phương tiện hoặc treo bằng lái vĩnh viễn, tịch thu bằng lái nhiều năm. Chỉ có một số ít nước áp dụng quy định tịch thu phương tiện. Theo ông việc học hỏi kinh nghiệm của các nước để áp dụng vào ViệtNam nên theo hướng nào ?

 

Áp dụng kinh nghiệm của các nước vào mình thì cũng phải căn cứ trên điều kiện của mỗi nước và trình độ dân trí, hiểu biết pháp luật khác nhau…

Ở các nước, quyền tài sản rất lớn. Quyền tài sản của mình vừa phải nhưng quyền nhân thân nhiều hơn. Nói về lý thì tính mức phạt nặng tới mức ngang giá trị xe đi, nhưng phải đúng người vi phạm đó là chủ sở hữu chứ đừng nhắm vào người khác thì “oan gia”, thì vẫn đích đáng hơn là tịch thu xe. Nói như vậy thôi, chứ thực hiện điều này cũng khó dù nhiều người cũng nói về hướng đó và tôi thấy cần phải trao đổi kỹ hơn.

 

Khảo sát trên Báo Dân trí cho thấy số người ủng hộ việc tịch thu xe chiếm tỷ lệ khá cao, nhưng số người không đồng ý và cho rằng chỉ nên thu bằng lái có thời hạn hoặc tịch thu vĩnh viễn cũng rất đông đảo. Theo ông có nên lấy ý kiến rộng rãi của người dân trước khi quyết định việc này ?

 

Cũng phải tính tới chuyện đó đấy. Ra văn bản có tính chất ảnh hưởng rộng rãi xã hội như thế này thì phải lấy ý kiến đối tượng bị tác động và phải đánh giá tác động của cái đó với xã hội. Đây mới là đề xuất, không phải nói ra là làm được đâu, các bộ ngành phải có đánh giá kỹ lưỡng về việc này.

Xin cảm ơn ông !

 

Trao đổi với PV Dân trí ngày 7/3bà Trịnh Minh Hiền - nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Giao thông vận tải) và hiện nay là thành viên Tổ cố vấn Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải - thẳng thắn: “Tôi ủng hộ đề xuất của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia”.

 

Theo bà Hiền, Luật Xử lý vi phạm hành chính cho phép trường hợp Chính phủ có quy định thì được thực hiện tịch thu phương tiện. “Đề xuất của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia chia ra các mức độ vi phạm, phải vi phạm nồng độ cồn tới mức nào đó thì mới tịch thu xe. Khi uống tới nồng độ đó thì đi bộ còn có thể ngã rồi, chứ đừng nói tới việc cưỡi lên xe. Ở nhiều nước, uống tới mức nào đó còn có thể bị phạt tù và hiện nay tôi cũng đang suy nghĩ tới hướng này. Những hành vi nào mà xã hội coi đó là nguy cơ nghiêm trọng thì cần cho phép tịch thu phương tiện.

 

Ở đây không nói tới quyền sở hữu tài sản, bởi theo tôi nếu có tranh chấp tài sản thì người bị tịch thu phải bồi thường cho người kia (người sở hữu). Khi giao tài sản cho người khác thì phải chịu trách nhiệm, không có chuyện vô can hoàn toàn. Ở các nước tiên tiến, người ta tự giác đi chuyển quyền sở hữu phương tiện, không phải chờ pháp luật phạt bao nhiêu tiền, bởi còn đứng tên sở hữu tài sản thì còn phải chịu trách nhiệm liên đới. Xã hội mình phải coi đó (vi phạm như đề xuất của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia - PV) là nguy cơ gây tai nạn tiềm ẩn cao độ cho xã hội. Tôi cho rằng mỗi nước có phương pháp và cách xử lý đối với những hành vi mà xã hội coi nó là nguy hiểm khác nhau, quan trọng là xã hội mình có đồng thuận nó là hành vi rất nguy hiểm không. Lúc đó sẽ có cách xử lý khác nhau, không thể nói “tôi đã gây tai nạn đâu mà tịch thu xe của tôi”.

 

Đường cao tốc là đường giành cho ô tô, đi xe máy vào đó thì xã hội phải coi đó là cực kỳ nguy hiểm đã. Xử lý thế nào thì có rất nhiều cách xử lý, biện pháp. Qua cái Tết Nguyên đán vừa rồi mình thấy nó là nguy cơ cực cao, nên phải mạnh tay, kịp thời, nếu không nó sẽ tiếp tục diễn ra”- bà Trịnh Minh Hiền phân tích.

 

Trong khi đó, TS. Lê Hồng Sơn - Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) - không đồng tình với quan điểm tịch phương tiện, vốn là tài sản của người dân. Theo ông Sơn, khi thẩm định đề xuất này chắc chắn Bộ Tư pháp sẽ có những lý lẽ rõ ràng, logic.

 

Thế Kha (thực hiện).

Chuyên mục: Dòng chảy vốn

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *