Dòng chảy vốn 05/12/2013 09:35

Thủ tướng: GDP bình quân đầu người đạt 1.960 USD

FICA - Theo thông tin được Thủ tướng cập nhật tại Diễn đàn VDPF, quy mô nền kinh tế trong năm 2013 đã đạt gần 176 tỷ USD, thu nhập bình quân đầu người khoảng 1.960 USD. Dự trữ ngoại tệ quốc gia đạt 12 tuần nhập khẩu.

 

  

Phát biểu tại phiên khai mạc Diễn đàn Đối tác Phát triển Việt Nam (VDPF) sáng nay (5/12), Thủ tướng Chính phủ cho biết, trong năm nay, thay cho Hội nghị CG, Việt Nam từ một “quốc gia nhận tài trợ” trong 20 năm qua đã trở thành “quốc gia đối tác phát triển”.

Đây là lần đầu tiên VDPF được tổ chức để tập trung đối thoại về chính sách, kết nối giữa đối thoại chính sách ở cấp ngành với cấp quốc gia.

Cập nhật về tình hình tăng trưởng kinh tế với các đối tác phát triển, Thủ tướng khẳng định, kinh tế Việt Nam đã vượt qua nhiều khó khăn, đang phục hồi và hướng tới tốc độ tăng trưởng cao hơn.

Năm 2013, tăng trưởng GDP dự kiến đạt 5,4%, bình quân 3 năm 2011-2013 tăng 5,6%/năm, tuy còn thấp hơn mức 7,2% giai đoạn 2006-2010 ; đưa quy mô nền kinh tế đạt gần 176 tỷ USD, thu nhập bình quân đầu người khoảng 1.960 USD. Dự kiến, GDP năm 2014 tăng khoảng 5,8% và năm 2015 tăng 6%.

Thủ tướng cũng cho biết, Việt Nam đã kiên trì thực hiện mục tiêu ưu tiền kiềm chế lạm phát, giảm từ mức 18,13% năm 2011 xuống còn khoảng 6% năm 2013, thấp nhất trong 10 năm qua. Đây là một trong những thành tựu nổi bật trong điều hành giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô.

Trong 3 năm qua, xuất khẩu liên tục tăng cao, 11 tháng năm 2013 kim ngạch xuất khẩu ước đạt 121 tỷ USD, tăng 16,2%, nhạp siêu giảm mạnh, năm nay ước chỉ còn khoảng 500 triệu USD.

Vốn ODA ký kết và giải ngân đạt kết quả khá, 11 tháng giải ngân trên 4 tỷ USD tăng 13,5%; tổng vốn FDI đăng ký tăng mạnh, đạt gần 21 tỷ USD tăng 54,2%, số vốn giải ngân đạt khoảng 11,5 tỷ USD.

Cũng theo Thủ tướng, mặt bằng lãi suất huy động và lãi suất cho vay đã giảm mạnh. Tính theo lãi suất năm, mặt bằng lãi suất huy động giảm 7-10% lãi suất cho vay giảm 9-12%. Riêng 9 tháng năm 2013 lãi suất huy động giảm 2-3%, cho vay giảm 3-5%. Mặt bằng lãi suất cho vay đã trở về với mức của giai đoạn 2005-2006.

Đáng chú ý là lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên phổ biến ở mức 7-9%/năm; đối với các lĩnh vực sản xuất kinh doanh khác là 9-11,5%. Thậm chí, một số doanh nghiệp tình hình tài chính lành mạnh đã được vay với lãi suất 6,5-7%/năm.

Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng đánh giá tỷ giá cơ bản đã ổn định. Dự trữ ngoại hối nhà nước đã tăng từ 6 tuần nhập khẩu vào cuối năm 2010 lên 6,5 tuần vào cuối năm 2011 và khoảng 12 tuần vào cuối năm 2012 và 2013.

Trên thị trường ngoại hối, tình trạng đô la hóa, vàng hóa đã giảm đáng kể, niềm tin vào đồng tiền Việt Nam được nâng lên.

Người đứng đầu Chính phủ khẳng định, trong năm 2014-2015, Việt Nam kiên định mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Thực hiện chính sách tiền tệ linh hoạt, chính sách tài khóa chặt chẽ, đẩy mạnh xuất khẩu, kiểm soát nhập khẩu.

Trước các đối tác phát triển, Thủ tướng cho biết, Việt Nam sẽ tiếp tục thực hiện lộ trình cơ chế giá thị trường đối với các mặt hàng, dịch vụ công thiếu yếu như điện, than, xăng dàu, nước, dịch vụ y tế… nhưng song song với đó vẫn đảm bảo yêu cầu kiểm soát lạm phát, công khai minh bạch và có hỗ trợ cho người nghèo.

Mức bội chi ngân sách nhà nước trong năm 2013-2014 được nâng lên 5,3%GDP, từ năm 2015 sẽ điều chỉnh giảm dần. Việc nâng bội chi sẽ được dành cho đầu tư phát triển và trả nợ.

Chính phủ Việt Nam nói, sẽ kiểm soát chặt chẽ nợ công, nợ chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia, đảm bảo trong giới hạn an toàn.

Bích Diệp

Chuyên mục: Dòng chảy vốn

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *