Dòng chảy vốn 02/11/2013 20:21

Thu hẹp 16 chương trình mục tiêu quốc gia

Sáng nay (2/11), Quốc hội thảo luận về tình hình ngân sách và sơ kết 3 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2011-2015.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh

 

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho rằng, việc dàn trải tới 16 chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) khiến ngân sách không thể kham nổi. Do đó, sau năm 2016, có thể 16 CTMTQG sẽ được thu hẹp lại còn 2 chương trình.

Xin Bộ trưởng đánh giá lại một số kết quả nổi bật và những tồn tại lớn nhất của các CTMTQG từ năm 2011 đến nay?

Các CTMTQG đã giúp nước ta thực hiện được nhiều mục tiêu an sinh xã hội và mục tiêu thiên niên kỷ, tạo ra những điều kiện để nước ta xóa đói, giảm nghèo, cải thiện chất lượng cuộc sống của nhân dân những vùng kinh tế khó khăn. Nhờ các chương trình này, người dân được chăm sóc tốt hơn về y tế, giáo dục, nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn…

Có thể nói, nhờ các CTMTGQ mà ta đã đạt được rất nhiều mục tiêu an sinh xã hội và mục tiêu thiên niên kỷ, được thế giới công nhận.

Dù đã đạt được một số kết quả, song cũng phải thẳng thắn nhìn nhận, còn rất nhiều vấn đề chưa được trong thực hiện các CTMTQG. Cụ thể là: dàn trải, phân tán, số lượng chương trình không tương thích với nguồn lực.

Chúng ta đã đặt ra các mục tiêu quá cao, song nguồn lực không có khả năng đáp ứng. Hiện có tới 16 CTMTQG, trong đó nhiều chương trình có chức năng, nhiệm vụ chồng lấn nhau và trùng lặp với nhiệm vụ thường xuyên mà các bộ, ngành phải làm. Chính vì mục tiêu đề ra quá lớn, nguồn lực lại không đáp ứng được nên có những chương trình đạt mục tiêu rất thấp, chỉ 9-10%.

Hơn nữa, trong thực tế, sự quan tâm của chính quyền địa phương các cấp với các CTMTQG không cao, gần như phó mặc. Qua phản ánh của lãnh đạo nhiều địa phương và đại biểu Quốc hội, chúng tôi thấy rằng, thực sự cần phải xem xét lại việc lựa chọn các CTMTQG. Chính vì vậy, Chính phủ đã thẳng thắn đánh giá lại mặt được và chưa được của các CTMTQG giai đoạn 2011-2015 và đề ra các giải pháp để nâng cao hiệu quả các chương trình này.

Cụ thể, Chính phủ sẽ sắp xếp lại những CTMTQG này như thế nào, thưa Bộ trưởng?

Chính phủ đã quyết định từ nay đến năm 2015 sẽ đánh giá lại, thu hẹp bớt các CTMTQG. Theo đó, mỗi CTMTQG đều phải tự đánh giá lại xem mục tiêu nào khả thi để thực hiện trong 2 năm tới, chứ không thực hiện dàn trải nữa. Nguồn lực bố trí cho các CTMTQG cũng giảm rất mạnh. Năm 2014, do ngân sách khó khăn, các CTMTQG chỉ còn được bố trí 50% tổng mức đầu tư, kể cả chi sự nghiệp lẫn chi đầu tư.

Từ năm 2016, Chính phủ sẽ thu hẹp các CTMTQG, chỉ xem xét để lại 2-3 chương trình quan trọng và hiệu quả. Hiện đa số các ý kiến đồng tình để lại 2 chương trình là Xóa đói giảm nghèo và Nông thôn mới. Còn hai chương trình đang có nhiều ý kiến khác nhau là: môi trường nông thôn và tạo việc làm.

Tuy vậy, theo tôi, nên lồng ghép hai chương trình này vào Chương trình Nông thôn mới. Bởi bản thân Chương trình Nông thôn mới đã bao gồm rất nhiều chương trình khác như: nước sạch nông thôn, môi trường, y tế, giáo dục…

Trên địa bàn một xã chỉ cần một CTMTQG tổng hợp là nông thôn mới và một chương trình chuyên sâu là xóa đói, giảm nghèo. Như vậy, nguồn lực bố trí sẽ được tập trung hơn, mục tiêu rõ ràng hơn. Đồng thời, sẽ tạo quyền chủ động cho địa phương bố trí vốn linh hoạt tùy theo mục tiêu nào địa phương thấy cần ưu tiên. Hiện có rất nhiều CTMTGQ, nhưng lại không lồng ghép được với nhau.

Theo Bộ trưởng, trách nhiệm chính để xảy ra tình trạng dàn trải, không lồng ghép được các CTMTQG là do Trung ương hay địa phương?

Trách nhiệm chính là ở cấp Trung ương. Các địa phương cũng phản ánh với tôi là các CTMTQG quá phân tán. Hiện nay, bộ, ngành nào cũng có chương trình mục tiêu của ngành mình.

Có 16 CTMTQG thì có tới 9 bộ quản lý, ban hành 9 hướng dẫn nên rất chồng chéo, khiến địa phương không thể lồng ghép. Hơn nữa, trong tỷ lệ bố trí vốn của các CTMTQG, tỷ trọng chi sự nghiệp chiếm phần lớn trong khi chi đầu tư phát triển lại quá nhỏ là không cân đối.

Để tăng sự tham gia của chính quyền địa phương, khắc phục tình trạng lồng ghép kém, việc phân cấp, phân quyền các CTMTQG thời gian tới sẽ được thay đổi như thế nào, thưa Bộ trưởng?

Để các CTMTGQ triển khai có hiệu quả, Chính phủ sẽ sửa đổi Quyết định 135/2009/QĐ-TTg về Quy chế quản lý, điều hành thực hiện các CTMTQG. Theo đó, sẽ giao quyền chủ động nhiều hơn cho các địa phương.

Trước đây, trên cơ sở tổng nguồn lực và mục tiêu mà các bộ đề ra, Chính phủ sẽ phân cho các bộ quản lý, các bộ từ đó chia cho các địa phương, nhưng nguồn lực ít nên rất phân tán. Tuy nhiên, sau này, với mục tiêu được thu gọn (còn khoảng 2 CTMTQG) và trên cơ sở nguồn lực được Trung ương phân bổ, cùng với nguồn lực huy động của địa phương và nguồn do nhân dân đóng góp, các địa phương tự xác định năm nay sẽ ưu tiên mục tiêu, công trình nào để tập trung hoàn thành dứt điểm, sang năm hoàn thành mục tiêu khác. Như vậy, sẽ bớt đi sự can thiệp của các bộ ngành, các địa phương có đủ cơ chế để lồng ghép các chương trình, được toàn quyền chủ động và tự chịu trách nhiệm trước các mục tiêu đặt ra.


Theo Hà Tâm
Đầu tư

Chuyên mục: Dòng chảy vốn

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *