Dòng chảy vốn 29/12/2014 15:07

Tăng trưởng, lạm phát định hình bức tranh kinh tế 2014

2014 là năm đầu tiên kể từ 2011 đến nay GDP không chỉ về đích mà còn vượt kế hoạch...

Tăng trưởng, lạm phát định hình bức tranh kinh tế 2014

Tổng cục Thống kê nhìn nhận, mức tăng trưởng năm nay cao hơn mức tăng 5,25% của năm 2012 và mức tăng 5,42% của năm 2013 cho thấy dấu hiệu tích cực của nền kinh tế - Ảnh: Reuters.

 

Dù vẫn đi kèm với hai chữ ước tính, song hàng ngàn con số tại báo cáo vừa được Tổng cục Thống kê công bố dường như cũng đã đủ chi tiết cho bức tranh kinh tế Việt Nam 2014.



Nếu so với chỉ tiêu đã được Quốc hội quyết định là 5,8% thì đây là năm đầu tiên kể từ 2011 đến nay GDP không chỉ về đích mà còn vượt kế hoạch, đạt 5,98%.

Đây cũng là con số cao hơn đáng kể so với ước tính từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong cùng tháng cuối của năm 2014 với mức 5,93% vào ngày 11/12 và 5,9% vào ngày 15/12.

Nghịch lý của tăng trưởng

Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, tăng trưởng kinh tế phục hồi là nhận định của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. 

Tổng cục Thống kê, cơ quan thuộc bộ này nhìn nhận, mức tăng trưởng năm nay cao hơn mức tăng 5,25% của năm 2012 và mức tăng 5,42% của năm 2013 cho thấy dấu hiệu tích cực của nền kinh tế.

Tuy nhiên, mổ xẻ sâu hơn, một số chuyên gia kinh tế cho rằng trong nhiều trường hợp thì GDP càng tăng trưởng thì nguồn lực càng mất đi. Và ở Việt Nam, tăng thêm vài phần trăm GDP không phải là điều quá khó.

Nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển, trong một diễn đàn kinh tế lớn cuối tháng 9/2014 từng rất trăn trở khi phân tích tình hình 2013, tăng trưởng không những không làm tiềm lực đất nước mạnh lên mà còn làm doanh nghiệp trong nước yếu đi.

Đầu tháng 12/2014, công bố báo cáo về tình hình kinh tế Việt Nam, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam (World Bank) cho rằng hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp trong nước vẫn tiếp tục trong tình trạng khá tương phản trong quá trình phục hồi kinh tế. 

Vẫn theo nhìn nhận của World Bank thì khu vực có vốn đầu tư nước ngoài hiện vẫn là nguồn tăng trưởng quan trọng của nền kinh tế Việt Nam khi đóng góp gần 20% GDP, 22% tổng vốn đầu tư, 2/3 kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và tạo ra 1/4 việc làm cho khu vực doanh nghiệp chính thức. 

Báo cáo phát hành ngày 27/12 của Tổng cục Thống kê cũng cho thấy, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa 2014 của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 101,6 tỷ USD trong khi khu vực kinh tế trong nước đạt 48,4 tỷ USD. Và các nhóm hàng xuất khẩu chủ lực vẫn thuộc về khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Và trong khi khu vực có vốn đầu tư nước ngoài xuất siêu cao hơn năm trước, thì khu vực kinh tế trong nước lại nhập siêu cao hơn 2013.

Đáng chú ý, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước tính đạt 43,7 tỷ USD, tăng 18,2 % so với năm 2013. Nhập siêu cả năm từ Trung Quốc ước tính đạt 28,9 tỷ USD, tăng 21,8% so với năm trước.

Đây hẳn là các con số không vui, khi giảm lệ thuộc vào kinh tế Trung Quốc là vấn đề được đặt ra rất mạnh mẽ trong nhiều phiên thảo luận tại nghị trường trong hai kỳ họp Quốc hội năm 2014.

Lạm phát thấp là “tin mừng”

Luôn song hành cùng với tăng trưởng trong các cuộc tranh luận về kinh tế vĩ mô chính là lạm phát.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12/2014 tăng 1,84% so với cùng kỳ năm 2013 được Tổng cục Thống kê công bố chiều 27/12 đã không còn là bất ngờ, khi từ giữa tháng 12 một số dự báo đã đưa ra con số xấp xỉ 2%.

Thế nhưng, khi mới kết thúc 9 tháng đầu năm với CPI tăng 2,25% và dự báo cả năm tăng đến 4,5- 4,7%, báo cáo của Ủy ban Kinh tế Quốc hội đã phản ánh một số ý kiến cho rằng kết quả CPI thấp từ 2012 - 2014 là biểu hiện các chính sách kinh tế có phần thắt chặt đã tác động trực tiếp đến doanh nghiệp, việc làm, thu ngân sách, nợ xấu, tăng trưởng, làm giảm tổng cầu.

Đến nay, sau khi công bố con số 1,84%, Tổng cục Thống kê cho rằng, mục tiêu kiểm soát lạm phát của Chính phủ tiếp tục được thực hiện thành công, góp phần quan trọng giúp các doanh nghiệp giảm chi phí đầu vào, hạ giá thành sản phẩm, kích thích tiêu dùng, thúc đẩy tăng trưởng.

Lạm phát thấp xa chỉ tiêu, vậy điều hành giá 2015 nên như thế nào là câu hỏi từng được đặt ra với nhiều cơ quan tham mưu.

Cũng thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư ,Viện Chiến lược phát triển cho rằng năm 2015 có nên cho tăng giá khoảng 5% hay không là câu hỏi cần thảo luận cụ thể nhưng quan trọng hơn là phải đảm bảo được mức tăng trưởng kinh tế cao hơn mức lạm phát. 

Nhìn nhận CPI năm nay là mức thấp trong nhiều năm qua, song Tổng cục Thống kê cũng quả quyết, không phải mức lạm phát thấp này dẫn đến tăng trưởng thấp mà là tín hiệu đáng mừng.

Với kế hoạch kinh tế xã hội năm 2015 đã được Quốc hội quyết định thì CPI tăng dưới 5%. Theo dự kiến sơ bộ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, lạm phát năm sau ở mức 4%. Trong điều kiện trên, việc xem xét điều hành một số mặt hàng do nhà nước quản lý giá cũng đã được bộ này đặt ra tại cuộc họp với Ngân hàng Nhà nước và các Bộ Tài chính, Công Thương mới đây.

Và lạm phát năm 2015 có thể ở mức thấp, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng là cơ hội để tiếp tục hạ lãi suất cho vay với tính toán sơ bộ nếu lãi suất cho vay giảm 1% sẽ làm GDP năm 2015 tăng thêm khoảng 0,45% và lạm phát giảm khoảng 0,76%.

 

Theo Nguyên Thảo

Vneconomy

Chuyên mục: Dòng chảy vốn

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *