Dòng chảy vốn 06/06/2018 19:14

Tăng trưởng kinh tế chủ yếu vẫn dựa vào khai thác tài nguyên

Việt Nam dự kiến sẽ có tốc độ tăng trưởng chậm hơn trong năm 2018 ở mức 6,6%, dù đầu năm có bước khởi đầu tốt.

Theo báo cáo mới nhất của ICAEW Tiêu điểm kinh tế: Khu vực Đông Nam Á, ngay từ đầu năm nay, các nền kinh tế trong khu vực này có mức tăng 5,2% so với cùng kì, chỉ thấp hơn một chút so với mức 5,3% so với năm trước.

Tại Việt Nam, tăng trưởng kinh tế cũng giảm trong quý I, xuống mức 7,7% so với cùng kì. Tuy nhiên, nếu tính từng quý thì đây vẫn là kết quả quý I tốt nhất trong 10 năm qua.

“Tăng trưởng quý I năm nay rất tốt, các chỉ số đều rất tốt. Đều nhờ đà từ năm ngoái để lại nhưng Thủ tướng vẫn chỉ giữ mục tiêu GDP năm nay đạt 6,8%”, PGS.TS Trần Đình Thiên, Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho biết.

Ông Mark Billington, Giám đốc khu vực Đông Nam Á của ICAEW cho hay: “Tuy sức cầu ngoài nước của Việt Nam dự kiến sẽ giảm nhẹ nhưng cầu trong nước năm 2018 sẽ tăng nhờ luồng vốn FDI tốt, chi tiêu dùng sôi động và chính sách tiền tệ được nới lỏng”.

Theo đó, ông Thiên nhận định rằng, cách tiếp cận của Chính phủ giữa tăng trưởng và ổn định cũng đã cân bằng hơn. Cùng với đó, vai trò của Chính phủ cũng khá rõ ràng trong việc muốn trở thành 1 Chính phủ phục vụ DN, phục vụ xã hội chứ không phải bó buộc DN.

Tuy nhiên, theo chuyên gia kinh tế này, hiện nay, tăng trưởng của Việt Nam cơ bản vẫn dựa vào khai thác tài nguyên.

“Lúc nào tăng trưởng không đạt mục tiêu thì hút dầu thật mạnh, đào than thật nhiều hoặc tăng đầu tư như làm cầu đường thật nhiều để bù lại tăng trưởng. Đành rằng khai thác tài nguyên là cần phải có, nhưng khi không hút được dầu, không đào được than nữa thì phải nỗ lực chuyển sang ngành công nghiệp chứ”, ông Thiên bày tỏ.

Hơn nữa, năng suất lao động của Việt Nam quá thấp, kể cả có đầu tư FDI nhưng chỉ chủ yếu về gia công lắp ráp, chưa phải các ngành công nghệ cao.

“Bên cạnh đó, bộ máy Chính phủ thì cồng kềnh, tiền trả lương cho bộ máy chiếm tới 60% ngân sách, trả nợ đến 20-30% ngân sách khiến đầu tư công eo hẹp. Cho nên làm cái gì cũng phải xã hội hóa, phải để tư nhân làm, mà trả tiền cho tư nhân thì phải trả nhiều”, ông Thiên nói.

Chất lượng lao động tại Việt Nam cũng đang thấp, kém cải thiện, sự cạnh tranh không cao. Lợi nhuận của khu vực DNNN cũng giảm đáng kể, nhiều dự án thất thoát nghiêm trọng.

Theo đó, tại buổi công bố báo cáo, các chuyên gia đều cho rằng, nguyên nhân tổng thể của những điều trên là tư duy chuyển sang nền kinh tế thị trường nhưng còn chậm, ngại phát triển thị trường của Việt Nam.

“Cho đến giờ, nước ta vẫn tiếp cận thị trường theo kiểu bí chỗ nào gỡ chỗ đó chứ không phải thay đổi toàn bộ, chỗ nào trói chặt quá thì nới ra một chút, bí thì gỡ ra một chút. Nhưng vài năm tới đây, Việt Nam sẽ có sự thay đổi thể chế mạnh”, ông Thiên nói.

Theo đó, Việt Nam đang chọn cặp ngành mang tính ưu tiên là ngành công nghệ thông tin là nền tảng cho công nghệ cao và ngành du lịch, gắn liền với đó là nông nghiệp công nghệ cao.

Tuy nhiên, mâu thuẫn về thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc cũng có ảnh hưởng đến nền kinh tế nước ta khi còn là một nền kinh tế nhỏ, mở cửa, phụ thuộc nhiều vào thương mại đối ngoại.

Do đó, khi bảo hộ tăng và thương mại toàn cầu giảm sẽ có hiệu ứng lan tỏa đáng kể đến Việt Nam, dù Việt Nam không phải mục tiêu trực diện của chính sách tăng thuế quan này.

Tuy nhiên, các chuyên gia cũng đồng tình rằng, việc tăng thuế quan nhiều khả năng sẽ bị hạn chế, đồng thời đóng góp vào GDP từ thương mại nội khu vực tăng và nguồn cầu trong nước tăng cũng sẽ bảo vệ được mức tăng trưởng của Việt Nam ở một mức nào đó.

Hồng Vân

Chuyên mục: Dòng chảy vốn

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *