Dòng chảy vốn 29/03/2014 09:48

Tái cơ cấu Doanh nghiệp Nhà nước: Nan giải bài toán thị trường

Việc tái cơ cấu là yêu cầu bắt buộc, nhưng nhiều đơn vị đang thực hiện rất chậm do thiếu quyết liệt. Đổi mới sản phẩm, tìm ra các hướng mới, thị trường mới là yêu cầu bắt buộc với các doanh nghiệp hiện nay.

Chậm do… thiếu quyết liệt

Báo cáo mới nhất của Đảng ủy Khối Doanh nghiệp (DN) T.Ư về tình hình thực hiện tái cơ cấu các tập đoàn, tổng Cty, ngân hàng cho thấy, thời hạn cuối để hoàn thiện đề án tái cơ cấu, trình Chính phủ là tháng 9/2013 nhưng đến nay, vẫn còn 4 ngân hàng chưa hoàn thiện xong để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt gồm: Agribank, BIDV, Vietinbank, Vietcombank.

Báo cáo cũng cho thấy, công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy chưa thật sự quyết liệt, công tác tổ chức thực hiện đề án sau phê duyệt rất chậm. Đến nay trong tổng số 80 doanh nghiệp cần cổ phần hoá, mới thực hiện xong 10 doanh nghiệp.

Như tại Tổng công ty Lương thực Miền Bắc (được phê duyệt đề án tái cơ cấu ngày 14/12/2012), đến 17/5/2013 Ban Thường vụ Đảng uỷ Tổng Cty mới ban hành kết luận chỉ đạo tổ chức thực hiện. Tổng Cty Đường sắt Việt Nam (đề án được phê duyệt ngày 21/1/2013), đến 17/6/2013 hội đồng thành viên mới có quyết định phê duyệt danh sách cổ phần hóa năm 2013.

“Để tái cơ cấu thành công, mọi việc cần được bắt đầu từ nhận thức. Mỗi doanh nghiệp cần coi đổi mới như một nhu cầu bắt buộc từ chính hoạt động của doanh nghiệp. Nó sẽ trả lại kết quả tồn tại hay không tồn tại khi DN chấp nhận thị trường có cạnh tranh”.

Lãnh đạo Vicem khẳng định

Theo thừa nhận của một số tập đoàn, tổng Cty, chính việc ôm đồm đầu tư ngoài ngành trong khi quên mở rộng thị trường, đổi mới sản phẩm khiến nhiều doanh nghiệp nhà nước mất sức chiến đấu, hiệu quả kinh doanh giảm sút.

Thực tế, tại một số tập đoàn, tổng Cty, năng lực quản trị, công tác quản lý tài chính, đầu tư…còn lỏng lẻo khiến hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp chưa cao. Tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) của các tập đoàn, tổng Cty đã giảm 2,5% trong vòng 3 năm qua.

Bên cạnh đó, công tác quản trị doanh nghiệp, thực hành tiết kiệm và chống lãng phí, thất thoát tại một số ít doanh nghiệp còn lỏng lẻo. Nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong đánh giá tài sản vì thiếu thông tin minh bạch. Đây là nguyên nhân quan trọng dễ tạo ra sơ hở cho tình trạng tham nhũng thường có dưới những hình thức khác nhau. Do việc tái cơ cấu chậm nên đã xuất hiện tình trạng thiếu việc làm, công nhân nghỉ luân phiên. Thu nhập bình quân của người lao động ở nhiều đơn vị giảm so với mức thu nhập bình quân năm 2012. 

Yếu do cạnh tranh nội bộ

Đại diện nhiều tập đoàn, tổng Cty cho biết, đang phải đối mặt với áp lực lớn từ việc tự cải tổ để thích ứng với thị trường hoặc chấp nhận “đóng cửa”. Tuy nhiên, chính việc cạnh tranh nội bộ giữa các thành viên “trong nhà” khiến hiệu quả hoạt động của nhiều đơn vị bị suy giảm.

Đại diện Tổng Cty Thuốc lá Việt Nam (Vinataba) cho biết, trong số trên 500 nhãn mác tại thị trường Việt Nam, riêng Vinataba có khoảng 380 nhãn mác. Do thiếu sự điều phối chung của Công ty mẹ, nên vẫn còn tình trạng các đơn vị thành viên trong Vinataba cùng cạnh tranh với nhau trên một thị trường (phân khúc giá, sản phẩm, vị trí địa lý).

Một lãnh đạo Tổng Cty Công nghiệp Xi măng Việt Nam (Vicem) cũng thừa nhận, do lịch sử để lại nên Vicem có tới 8 thương hiệu của 8 công ty cùng sản xuất- kinh doanh, có những địa bàn có 2 đến 3, thậm chí 4 thương hiệu. Trong những thương hiệu đó, có thương hiệu yếu, có thương hiệu mạnh. Vì vậy, việc cạnh tranh ngay trong nội bộ giữa các thương hiệu của cùng Vicem.

Trước thực trạng này, Vicem đã phải thay đổi hệ thống phân phối theo chiều hướng xã hội hóa, đa dạng hóa sản phẩm, sáp nhập những thương hiệu yếu của các đơn vị để hạn chế cạnh tranh và thực hiện chiến lược một Vicem thống nhất.

Ông Bùi Văn Cường, Bí thư Đảng ủy Khối doanh nghiệp T.Ư cho biết, Đảng ủy Khối doanh nghiệp đã chỉ đạo các tập đoàn, tổng công ty thực hiện tái cơ cấu danh mục ngành nghề kinh doanh và đầu tư, tập trung vào các ngành, nghề chính có năng lực phù hợp và lợi thế cạnh tranh.

Cùng đó, đổi mới quy trình sản xuất, đổi mới đa dạng hóa và khác biệt hóa sản phẩm, xây dựng và phát triển thương hiệu sản phẩm. “Tái cơ cấu phải thực hiện đồng thời việc đổi mới tổ chức quản lý, tăng cường hiệu lực quản trị nội bộ. Tái cơ cấu thị trường cũng phải thực hiện theo hướng vừa giữ vững vị trí cạnh tranh ở thị trường truyền thống, vừa phát triển các thị trường mới, chú ý tận dụng tối đa các cơ hội của thị trường trong nước”, ông Cường cho biết.

Theo Phạm Tuyên

Tiền Phong

Chuyên mục: Dòng chảy vốn

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *