Dòng chảy vốn 07/02/2014 08:19

Tách MobiFone khỏi Tập đoàn VNPT: Cơ hội phát triển cho cả 3 nhà mạng

Sau nhiều lần từ chối trả lời trước giới truyền thông về việc tái cơ cấu Tập đoàn VNPT, cuối cùng lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã lên tiếng về vấn đề này. Theo đó, Bộ ủng hộ phương án tách MobiFone để thành lập Tổng Công ty Thông tin di động.

Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2014 của Công ty Thông tin di động VMS-MobiFone diễn ra mới đây, Thứ trưởng Bộ TT-TT Lê Nam Thắng cho biết, một trong những nhiệm vụ quan trọng trong năm nay của Bộ là thực hiện đề án tái cơ cấu Tập đoàn VNPT với nội dung quan trọng là tách một trong hai mạng di động hoặc MobiFone, hoặc Vinaphone khỏi VNPT để thành lập doanh nghiệp (DN) mới. Trong đề án trình Chính phủ, Bộ ủng hộ phương án tách MobiFone khỏi VNPT để thành lập Tổng Công ty Thông tin di động VMS - MobiFone kinh doanh đa dịch vụ, trong đó có dịch vụ di động và MobiFone là một thành viên. Vị lãnh đạo Bộ TT-TT cũng cho biết, việc tách MobiFone hoàn thành cũng sẽ cổ phần hóa (CPH) DN này theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, trong đó Nhà nước sẽ nắm 75% vốn, còn lại sẽ gọi đầu tư nước ngoài. Hiện nay đề án tái cơ cấu Tập đoàn VNPT đang được Chính phủ xem xét phê duyệt. 
 
Việc tách MobiFone sẽ đem lại cơ hội phát triển cho cả ba doanh nghiệp: VNPT, Viettel, MobiFone và cái được lớn nhất là Việt Nam sẽ có ba tập đoàn viễn thông mạnh.	 Ảnh: Hoàng Anh
Việc tách MobiFone sẽ đem lại cơ hội phát triển cho cả ba doanh nghiệp: VNPT, Viettel, MobiFone và cái được lớn nhất là Việt Nam sẽ có ba tập đoàn viễn thông mạnh. Ảnh: Hoàng Anh

Thực tế là trong gần một năm qua, thông tin về quá trình xây dựng đề án, cũng như câu chuyện có hay không việc tách, nhập hai mạng di động thuộc sở hữu của VNPT, đã thu hút sự quan tâm lớn của dư luận trong nước và nước ngoài. Những chia sẻ trên của lãnh đạo Bộ TT-TT cho thấy, Bộ TT-TT (cơ quan chủ quản của VNPT) cũng là đơn vị trình bản đề án đã chính thức ủng hộ phương án tách MobiFone khỏi VNPT. Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Bắc Son cho biết, việc nên tách MobiFone khỏi VNPT để bảo đảm cho cả MobiFone và VNPT đều phát triển.

Trở lại với câu chuyện CPH mạng di động, trong đó có CPH MobiFone, vấn đề này đã từng được đề cập tại các tọa đàm về triển vọng thị trường viễn thông do Câu lạc bộ Nhà báo công nghệ thông tin tổ chức hàng năm. Tại cuộc tọa đàm diễn ra cuối năm 2012, nguyên Thứ trưởng Bộ Bưu chính - Viễn thông (nay là Bộ TT-TT) Mai Liêm Trực từng nhận định, để thị trường viễn thông tiếp tục phát triển lành mạnh trong thời gian tới, Nhà nước cần đẩy mạnh việc CPH các DN viễn thông, theo hướng chỉ nên giữ Viettel là DN 100% vốn Nhà nước vì liên quan đến an ninh quốc phòng, còn lại sẽ CPH kể cả VNPT theo hướng Nhà nước giữ 51% vốn. Theo ông Trực, thị trường viễn thông trong nước đã bước qua giai đoạn tăng trưởng mạnh và hiện đang ở giai đoạn bão hòa, nên DN khó đạt doanh thu, lợi nhuận cao trong khi để tiếp tục phát triển phải cần nguồn vốn lớn mà nếu các đơn vị kinh doanh đều là DN Nhà nước sẽ có những hạn chế. Vì vậy, phải đẩy mạnh CPH để gọi nguồn lực đầu tư của toàn xã hội, kể cả nước ngoài. Việc CPH DN viễn thông cũng là để bảo đảm sự cạnh tranh lành mạnh cho thị trường với sự tham gia của các thành phần kinh tế, tránh như hiện nay cả VNPT, Viettel đều là DN Nhà nước và dù sao cũng là "con một nhà"…

Theo lãnh đạo Tập đoàn Viettel phương án tách MobiFone khỏi VNPT để CPH mạng di động này trong giai đoạn đầu sẽ khiến VNPT gặp khó khăn, song theo quy luật khi gặp khó khăn DN sẽ tự tìm ra hướng đi và có những điều chỉnh việc sản xuất, kinh doanh phù hợp như tập trung chủ lực cho phát triển mạnh Vinaphone… khi đó VNPT sẽ mạnh lên. Với MobiFone, việc kêu gọi đầu tư nước ngoài vào nhà mạng này không chỉ có thêm nguồn vốn và còn học hỏi được kỹ năng, kinh nghiệm quản trị… và những giá trị phát triển từ đó cũng sẽ đem lại cho MobiFone nhiều cơ hội phát triển mới. Như vậy, việc tách MobiFone sẽ đem lại cơ hội phát triển cho cả ba DN: VNPT, Viettel và MobiFone và cái được lớn nhất là Việt Nam sẽ có 3 tập đoàn viễn thông mạnh.
 
Chuyên mục: Dòng chảy vốn

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *