Dòng chảy vốn 24/02/2014 17:00

Sớm bán cổ phiếu Vinalines ra công chúng

Song song với việc hoàn tất cổ phần hóa (CPH) công ty mẹ ngay trong năm 2014, Tổng công ty Hàng hải VN (Vinalines) sẽ phải đẩy nhanh tiến trình CPH các công ty con.

CPH là con đường duy nhất để Vinalines có thể tồn tại và phát triển
Vinalines sẽ phải tái cơ cấu các khoản nợ trước khi cổ phần hóa
 
CPH còn chậm, thoái vốn chưa đạt yêu cầu
 
Tại buổi làm việc với lãnh đạo Bộ GTVT về công tác tái cơ cấu, cổ phần hóa sáng nay 24/2, Phó Tổng giám đốc Vinalines Lê Anh Sơn báo cáo trong năm 2013 mới có 2 doanh nghiệp hoàn tất công tác CPH là 2 cảng Quy Nhơn, Khuyến Lương. Như vậy, sang năm 2014, ngoài 8 doanh nghiệp sẽ phải CPH theo kế hoạch (gồm cảng Sài Gòn, Cam Ranh, Nghệ Tĩnh, Cần Thơ, Năm Căn và Công ty TNHH MTV Dịch vụ hàng hải Vinalines Hải Phòng, Công ty Vận tải biển Vinalines và Công ty Vận tải biển container Vinalines), Vinalines cũng sẽ hoàn tất việc CPH 5 doanh nghiệp thuộc kế hoạch CPH năm 2013 là cảng Nha Trang, Quảng Ninh, Hải Phòng, Đà Nẵng và Công ty TNHH MTV Vinalines Nha Trang). 
 
Về giải thể doanh nghiệp, ông Sơn cho biết: Năm 2013, Tổng công ty đã giải thể được 4 doanh nghiệp gồm Công ty Kinh doanh xăng dầu Vinalines phía Bắc, Công ty Thương mại xăng dầu đường biển, Trung tâm Phát triển nhân lực Hàng hải Đông Nam Á và Công ty Hàng hải Vinalines Cần Thơ. 
 
"Cùng đó, Tổng công ty cũng đang triển khai các thủ tục phá sản doanh nghiệp đối với Công ty TNHH Vận tải viễn dương Vinashin (Vinashinlines) và CTCP Vận tải dầu khí Falcon" - ông Sơn báo cáo thêm.
 
Liên quan đến công tác tái cơ cấu tài chính, theo ông Sơn, đến thời điểm hiện tại, Vinalines đã xây dựng xong đề án tái cơ cấu lại khoản nợ hơn 54.700 tỷ đồng của công ty mẹ và các doanh nghiệp vận tải biển, cảng biển liên doanh; cơ cấu thành công 196,25 triệu USD nợ vay từ các tổ chức tín dụng nước ngoài, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại VN; cơ cấu gần 43 nghìn tỷ đồng nợ vay từ các tổ chức tín dụng trong nước; xây dựng xong phương phán cơ cấu lại khoản nợ 1000 tỷ đồng trái phiếu; thoái vốn tại 7 doanh nghiệp có vốn góp …
 
“Để tái cơ cấu thành công, tiến tới cổ phần hóa công ty mẹ Vinalines, trong năm 2014, Tổng công ty sẽ tập trung tái cơ cấu dứt điểm các khoản nợ vay mua, đóng mới tàu biển, khoản vay 1000 tỷ đồng trái phiếu; khoản nợ của các doanh nghiệp chuyển giao từ Vinashin và thoái vốn tại các doanh nghiệp theo lộ trình…” – ông Sơn khẳng định. 
 
Đầu 2015, cổ phiếu Vinalines sẽ bán ra công chúng
 
Tại buổi làm việc, khẳng định chỉ có con đường đổi mới DNNN, tái cơ cấu, sắp xếp lại mà trọng tâm là CPH là con đường duy nhất, ngắn nhất để các doanh nghiệp xử lý được các vấn đề về tài chính tồn đọng lâu nay, từ đó sản xuất kinh doanh có hiệu quả, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã phê bình Hội đồng thành viên, ban Tổng giám đốc Vinalines chưa hoàn thành tốt công tác đặc biệt quan trọng này.
 
 
Ban cán sự Đảng bộ GTVT đã có hẳn nghị quyết nêu rõ lãnh đạo các đơn vị nếu không hoàn thành nhiệm vụ CPH theo kế hoạch sẽ bị xem xét vai trò, trách nhiệm
Ban cán sự Đảng bộ GTVT đã có hẳn nghị quyết nêu rõ lãnh đạo các đơn vị nếu không hoàn thành nhiệm vụ CPH theo kế hoạch sẽ bị xem xét vai trò, trách nhiệm
 
Bộ trưởng yêu cầu lãnh đạo Tổng công ty cần tập trung đẩy mạnh hơn nữa lộ trình tái cơ cấu, CPH. “Căn cứ vào đề án đã được phê duyệt, Vinalines cần đưa ra các giải pháp quyết liệt hơn. Trong năm nay hoàn thành trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án CPH công ty mẹ Vinalines để có thể phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) vào quý I/2015. Song song với việc đẩy nhanh tiến độ CPH công ty mẹ, cần tập trung CPH các công ty thành viên theo đúng lộ trình đặt ra” – Bộ trưởng chỉ đạo. 
 
 
Bộ trưởng cũng truy rõ nguyên nhân sự chậm trễ của Vinalines trong việc tái cơ cấu, CPH thời gian qua là do bản thân VNL chưa thực sự quyết liệt. Đảng ủy, HĐTV, ban lãnh đạo TCT chưa phối hợp hiệu quả, còn có đùn đẩy trách nhiệm. Những người đứng đầu chưa thực sự kiên quyết trong việc xử lý những vấn đề thuộc thẩm quyền.
 
“Ban cán sự Đảng bộ đã có hẳn nghị quyết nêu rõ lãnh đạo các đơn vị nếu không hoàn thành nhiệm vụ CPH theo kế hoạch sẽ bị xem xét vai trò, trách nhiệm và có biện pháp xử lý thích hợp, kể cả việc điều chuyển công tác. Tại Bộ GTVT, không có lý do nào để các doanh nghiệp có thể “lùi, tránh, né” con đường tất yếu này” – Bộ trưởng nhấn mạnh. 
 
“Nếu những đơn vị như Tổng công ty Hàng không VN (Vietnam Airlines), Tổng công ty xây dựng công trình đường thủy (Vinawaco) hay Tổng công ty xây dựng công trình giao thông 8 (Cienco 8) mà còn có thể CPH thành công thì không một doanh nghiệp nào có thể “nói không, nói khó” với cổ phần hóa” - Bộ trưởng Đinh La Thăng khẳng định. 
 
 
Bộ trưởng cũng yêu cầu Vinalines nhanh chóng tiến hành giải thể các đơn vị hạch toán phụ thuộc còn lại, đẩy nhanh tiến độ thoái vốn, đặc biệt là thoái vốn tại Ngân hàng Hàng hải VN. "Đối với 21 công ty có vốn góp dưới 5 tỷ đồng, Vinalines cần có báo cáo cụ thể để Bộ đề nghị Chính phủ ủy quyền cho Bộ hoặc HĐTV Tổng công ty quyết định mức giá bán" - Bộ trưởng nêu rõ. "CPH không chỉ thuần túy để thu tiền về mà là để thay đổi bản chất công tác quản lý" cái này phải xác định rõ, Bộ trưởng nói. 
 
Liên quan đến việc phá sản 2 đơn vị là Vinashinlines và Falcon, Bộ trưởng yêu cầu ngay ngày mai (25/2), Vinalines với tư cách là đại diện cổ đông lớn phải tuyên bố phá sản 2 doanh nghiệp này. 
 
 
Theo Thanh Bình
Giao thông vận tải
Chuyên mục: Dòng chảy vốn

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *