Dòng chảy vốn 28/11/2013 17:47

Sóc Trăng "đội sổ" về năng lực hội nhập quốc tế

FICA - Ngược lại với Hà Nội và TPHCM, 10 địa phương bị xếp vào mức độ hội nhập ở mức “thấp” là Yên Bái, Trà Vinh, Đắk Nông, Bắc Kạn, Cao Bằng, Bình Phước, Tuyên Quang, Bạc Liêu, Hậu Giang và địa phương "đội sổ" trong đợt xếp hạng lần này là Sóc Trăng.

 


Theo kết quả tại Báo cáo năng lực hội nhập kinh tế quốc tế cấp địa phương 2013 của Ủy ban Quốc gia về hợp tác kinh tế quốc tế vừa công bố chiều 27/11/2013, thì Tp.Hồ Chí Minh đang đứng đầu cả nước về mức độ hội nhập. Những vị trí tiếp theo lần lượt thuộc về Hà Nội, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đà Nẵng, Thanh Hóa, Bắc Ninh, Nghệ An, Hưng Yên và Thừa Thiên Huế.

Ở chiều ngược lại, 10 địa phương bị xếp vào mức độ hội nhập ở mức “thấp” là Yên Bái, Trà Vinh, Đắk Nông, Bắc Kạn, Cao Bằng, Bình Phước, Tuyên Quang, Bạc Liêu, Hậu Giang và địa phương "đội sổ" trong đợt xếp hạng lần này là Sóc Trăng.

Tại bảng đánh giá lần này, nhóm nghiên cứu cũng chia 63 tỉnh, thành phố thành 4 nhóm chính bao gồm: nhóm duy trì, nhóm phát triển, nhóm giảm hạng và nhóm chưa có dữ liệu đối sánh. Tốp đầu trong nhóm duy trì thuộc về thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương. Nhóm phát triển gồm Bắc Kạn, Hà Giang, Lai Châu, Bắc Ninh, Thừa Thiên - Huế, Quảng Trị... Nhóm giảm hạng là những địa phương chưa tận dụng và khai thác hiệu quả nhất những lợi thế của địa phương mình, gồm Cà Mau, Bến Tre, Điện Biên, Sóc Trăng, Quảng Ninh, Đồng Nai, Hải Phòng...

Theo báo cáo, có 8 tiêu chí cần thiết để đánh giá năng lực hội nhập kinh tế, gồm thể chế, cơ sở hạ tầng, văn hóa, đặc điểm tự nhiên, con người, thương mại, đầu tư và du lịch. Về thương mại, ngoài hai thành phố lớn nhất nước là TPHCM và Hà Nội thì Bà Rịa - Vũng Tàu cũng lọt vào danh sách có kim ngạch trao đổi hàng hóa tốt, tiếp đến là An Giang, Kiên Giang.

Xét về đầu tư, TP.HCM, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu và Hà Nội vẫn là ưu tiên hàng đầu của các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài. Ngược lại, An Giang và Long An là 2 địa phương tụt hạng trong bảng xếp hạng.

Theo thông tin từ ông Nguyễn Cẩm Tú, Thứ trưởng Bộ Công thương, Tổng thư ký Ủy ban Quốc gia về hợp tác kinh tế quốc tế, Việt Nam đang chuẩn bị tổng kết 30 năm mở cửa và hội nhập kinh tế nên Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương rất cần có đánh giá thường xuyên về năng lực hội nhập và hiệu quả hội nhập. Mục đích chính của việc công bố chỉ số hội nhập kinh tế quốc tế cấp địa phương không phải xếp hạng tỉnh, thành này cao hay thấp mà là xác định mức độ hội nhập địa phương, đánh giá sự phù hợp giữa tầm nhìn chiến lược của địa phương với năng lực thực hiện tại, từ đó khuyến nghị các điều chỉnh cần thiết.

Chỉ số hội nhập kinh tế quốc tế cấp địa phương (PEII) có nhiều điểm khác biệt với chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Nếu như chỉ số PCI cho thấy năng lực điều hành kinh tế cấp tỉnh với các chính sách của chính quyền địa phương trong phát triển kinh tế của các doanh nghiệp thì chỉ số PEII cho thấy mối quan hệ giữa điều hành kinh tế, phát triển doanh nghiệp và đời sống người dân.

Theo các chuyên gia, kết quả của báo cáo có thể là nguồn tham khảo tốt cho các địa phương trong việc đưa ra các lựa chọn chính sách hội nhập và phát triển cho mình dựa trên cơ sở năng lực hiện có.

Bích Diệp

Chuyên mục: Dòng chảy vốn

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *