Dòng chảy vốn 22/11/2013 10:09

Sếp tập đoàn: Lương cao hưởng riêng, trách nhiệm chia chung

Các tập đoàn do các lãnh đạo này điều hành hoạt động kinh doanh chưa hẳn đã hiệu quả, thậm chí nhiều sai phạm đã được phát hiện nhưng việc quy trách nhiệm cá nhân lại không hề dễ dàng.

Chủ tịch, Tổng giám đốc các Tập đoàn kinh tế nhà nước được lương, thưởng và nhiều khoản ưu đãi khác lên tới cả tỷ đồng mỗi năm. Tuy nhiên, các tập đoàn do các lãnh đạo này điều hành hoạt động kinh doanh chưa hẳn đã hiệu quả, thậm chí nhiều sai phạm đã được phát hiện nhưng việc quy trách nhiệm cá nhân lại không hề dễ dàng.

Sai sót tài chính: Chuyện thường?

Thời gian gần đây, mỗi khi cơ quan kiểm toán sờ gáy dường như tập đoàn, Tổng công ty nào cũng có vấn đề. Sếp của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) trong 2 năm qua đều đứng thứ 10-15 số những sếp Tập đoàn thu nhập cao với con số khoàng 1-1,2 tỷ đồng. Riêng lương, thưởng… của lãnh đạo năm 2012 tăng 14% - 73%.

Khá dễ hiểu cho mức lương thưởng tăng cao vì đây là đơn vị có lãi lớn, lợi nhuận sau thuế/vốn chủ sở hữu đạt 22,95%. Song, khi Kiểm toán nhà nước vào cuộc thì việc sử dụng vốn của Vinachem cũng bị soi ra nhiều vấn đề.

 

Sếp DNNN chỉ được tăng lương khi sản xuất kinh doanh hiệu quả

Trong khi bản thân đang phải đi vay ngân hàng để phục vụ sản xuất kinh doanh thì ở Tập đoàn này, lại có chuyện lạ đời là các đơn vị cho nhiều cá nhân tổ chức khác vay hàng tỷ đồng. Ví dụ như công ty TNHH MTV Apatit Việt Nam cho Cảng Việt Trì vay 7 tỷ đồng, Công đoàn khách sạn Biển Mây vay 0,8 tỷ đồng, Cty CP phân lân Văn Điển cho công ty cơ khí hóa chất Hà Bắc vay 2,2 tỷ đồng. Cơ quan kiểm toán nhìn nhận, việc này đã làm giảm hiệu quả sử dụng vốn.

Đối với trường hợp Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam, kKểm toán Nhà nước phát hiện, năm 2011, DN này mua sắm tài sản tới 6 lần nhưng không thực hiện đúng quy định về hồ sơ chào hàng. Nhiều khoản chi phí chưa được quản lý chặt chẽ đúng quy định. Ví dụ như khoản chi làm thêm giờ 0,29 tỷ đồng là không hợp lý, chi hỗ trợ hoạt động đoàn thanh niên không đúng quy định 0,42 tỷ đồng, hạch toán vào chi phí đối với vật liệu chưa xuất dùng 0,72 tỷ đồng.

Ngoài ra, cơ quan kiểm toán cũng cho biết, bảo hiểm tiền gửi Việt Nam đã sử dụng 12 thẻ tín dụng cá nhân có bảo lãnh của doanh nghiệp để thanh toán chi phí tiếp khách nhưng chưa lưu đầy đủ sao kê báo nợ từ ngân hàng phục vụ đối chiếu, kiểm tra.

Dù vậy, lãnh đạo của tổ chức tài chính đặc biệt này vẫn được trả thu nhập cho năm 2012 tăng tới 37% so với trước, vào khoảng hơn 1 tỷ đồng.

Một đại gia khác là HUD, vốn đã dính nhiều tai tiếng sai phạm về xây các dự án khu đô thị nhưng vị sếp tại đây vẫn được tăng thu nhập.

Năm 2012, thanh tra TP Hà Nội đã phát hiện Tập đoàn này đã xây dựng sai thiết kế, quy hoạch khu đô thị kiểu mẫu Linh Đàm. Nhiều hạng mục ở đây được chuyển gia cho nhà đầu tư thứ cấp không đúng quy định. Trước đó, năm 2011, Bộ Xây dựng đã thừa nhận nhiều hoạt động kém hiệu quả ở Tập đoàn này. Đến cuối năm 2012, HUD đã bị giáng cấp từ Tập đoàn trở lại là Tổng công ty.

Dù thế, tổng thu nhâp của lãnh đạo HUD vẫn tăng đều. Năm 2011, thu nhập của lãnh đạo cấp phó ở đây khoảng 950 triệu đồng thì năm 2012, đã tăng thêm 5%, nâng mức tổng thu nhập tương ứng gần 990 tỷ đồng.

Đầu tư ngành ngoài thua lỗ: Biết để đấy?

Như nhiều đại gia DNNN, nhiều Tập đoàn mà sếp kiếm tiền tỷ này cũng ‘chết” vì ham đầu tư ngành ngoài.

Năm 2011, kiểm toán cho biết các khoản đầu tư chứng khoán của Vinachem đều thua lỗ, phải trích lập dự phòng cao. Ví dụ như Công ty mẹ Vinachem góp vốn vào Công ty CP chứng khoán VICS 22 tỷ đồng, phải trích lập dự phòng 18,5 tỷ đồng, mua cổ phần của Tổng công ty CP Bảo Minh 16 tỷ đồng, phải trích lập dự phòng 5,6 tỷ đồng. Tại thời điểm kiểm toán, công ty mẹ Vinachem chưa thoái vốn các khoản đầu tư vào lĩnh vực chứng khoán, bảo hiểm theo quy định.

Tại Tập đoàn Dệt may, khi mà năm 2011, lãnh đạo có thu nhập tới gần 3 tỷ đồng thì kết quả kinh doanh năm sau, năm 2012 lại chưa đạt kế hoạch đề ra. Ban chỉ đạo đổi mới DNNN cho biết, năm 2012, đơn vị này nộp ngân sách chỉ đạt 74,26%. Còn theo kiểm toán, Công ty Tài chính CP Dệt may thuộc Tập đoàn này đầu tư vào Quỹ đầu tư chứng khoán Hà Nội và năm 2011 đã dẫn tới lỗ mất 87,3 tỷ đồng.

Đối với Tập đoàn Dầu khí nơi thu nhập lãnh đạo 1-1,2 tỷ đồng, xếp thứ 8-13 trong các DN tuy công ty mẹ có kết quả kinh doanh chung sáng sủa nhưng một số đơn vị thành viên lại kinh doanh kém hiệu quả.

Điển hình là PVC- Công ty cổ phần xây lắp dầu khí Việt Nam. Năm 2011, theo Kiểm toán, các khoản đầu tư, liên doanh liên kết của PVC không hiệu quả, thua lỗ mất vốn như đầu tư vào công ty liên kết PVC- SG lỗ 85,8 tỷ đồng, PVC- Land lỗ 66,4 tỷ đồng, công ty Sopewaco lỗ 48,5 tỷ đồng, công ty CP xi măng Hạ Long. Lỗ lũy kế tới 31/12/2011 của PVC lên tới 1.090 tỷ đồng, vượt vốn điều lệ 982 tỷ đồng. Tại công ty này, nợ phải trả quá hạn cũng rất cao, tới 1.369,1 tỷ đồng.

Một thành viên khác của PVN là PVI- Công ty cổ phần bảo hiểm dầu khí cũng được cơ quan kiểm toán “nhắc nhở’ khi có tới 31,8% giá trị các khoản đầu tư ngắn hạn năm 2011 tiềm ẩn rủi ro cao, các khoản đầu tư vào Quỹ đầu tư tăng trưởng VN đã suy giảm 51% giá trị, quỹ tầm nhìn SSIVF suy giảm 24% giá trị.

Bên cạnh đó, rất nhiều vị sếp của các Tập đoàn, Tổng công ty khác chỉ được hưởng mức thu nhập trung bình và thấp vì kết quả kinh doanh kém như sếp của Tổng công ty Thép, Tổng công ty cà phê Việt Nam, thu nhập chỉ có 35 -45 triệu đồng/tháng, hay như sếp của Tổng công ty Giấy Việt Nam, thu nhập trung bình 24 triệu đồng/tháng. Mức thu nhập của các vị này chỉ bằng ½ đến 1/6 so với TOP ‘lương thưởng tiền tỷ’ trên.

Một lãnh đạo của Bộ Lao động và thương binh xã hội cho biết, các vị lãnh đạo Tập đoàn, Tổng công ty chỉ được hưởng tăng lương khi mà đạt đủ các yếu tố: lợi nhuận năm sau cao hơn năm trước, không thua lỗ, hai là năng suất lao động tăng, thứ ba là nộp ngân sách tăng.

Theo Phạm Huyền

VEF

Chuyên mục: Dòng chảy vốn

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *