Dòng chảy vốn 16/07/2015 07:19

Samsung xuất khẩu 30 tỷ USD, nhập phụ kiện từ doanh nghiệp Việt 30 triệu USD

Trong khi Samsung Việt Nam xuất khẩu đạt khoảng 30 tỷ USD trong năm 2014, thì số tiền mà "ông lớn" này bỏ ra nhập linh phụ kiện từ các nhà cung ứng tại Việt Nam chỉ là 35 triệu USD.

Samsung xuất khẩu 30 tỷ USD, nhập phụ kiện từ doanh nghiệp Việt 30 triệu USD

Thông tin được đại diện Công ty Samsung Việt Nam tại một cuộc hội thảo cho hay, năm 2014 doanh số mua hàng của Samsung từ các doanh nghiệp Việt Nam khoảng 35 triệu USD, năm nay dự kiến tăng 30%, lên 45 triệu USD.

Theo chia sẻ của đại diện Samsung Việt Nam, việc các nhà cung cấp của Việt Nam đáp ứng được yêu cầu về chất lượng và khả năng cung ứng của SEV còn ít. Số các doanh nghiệp (DN) nội địa Việt Nam lọt được vào chuỗi cung ứng linh phụ kiện của Samsung chỉ đếm trên đầu ngón tay và chủ yếu sản xuất được những linh phụ kiện có giá trị gia tăng thấp.

Theo ông Han Myoungsup, Tổng Giám đốc của SEV, hiện có khoảng hơn 41 DN Việt Nam tham gia vào các chuỗi cung ứng sản xuất của công ty này, trong đó có 4 DN là nhà cung ứng cấp 1 (cung ứng trực tiếp cho Samsung), còn lại hơn 28 nhà cung ứng cấp 2, cung ứng qua trung gian tới Samsung, số còn lại là các DN cung ứng cấp 3, 4.

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Anh Tuấn, số DN Việt Nam tham gia hiện chỉ chiếm chưa đếm 10% tổng số nhà cung ứng của Samsung.

“Các doanh nghiệp Việt Nam mới chỉ tham gia được vào các công đoạn có giá trị thấp do năng lực sản xuất của họ còn hạn chế. Chính phủ, Bộ Công Thương bên cạnh các chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ, đang dành nhiều sự quan tâm, lắng nghe và chia sẻ với DN Việt Nam để không chỉ các DN FDI tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu của Samsung Việt Nam mà các DN Việt Nam được cơ hội thử sức và thu về giá trị tương ứng”.

Theo nhiều DN tham gia hội nghị, điều họ cần nhất ở Chính phủ, bộ ngành chính là các ưu đãi về chính sách tiếp cận vốn, đổi mới công nghệ. 

“Trong khi Samsung đề ra các yêu cầu khắt khe về công nghệ, thì điều mà DN Việt Nam chủ yếu cung ứng được bao bì, túi bóng đó là khâu yếu của DN Việt Nam. Chúng tôi thiếu vốn để nhập khẩu các công nghệ tiên tiến, đời đầu của các nước phát triển. Thiếu vốn để mở rộng sản xuất đáp ứng các tiêu chuẩn về nhà xưởng, nhân sự và con người của Samsung. Thiếu trình độ quản lý của các tập đoàn xuyên quốc gia…”, một DN tham dự hội nghị cho biết.

Lọt được vào “mắt xanh” của Samsung, nhưng bà Đinh Thị Thúy Loan, Đại diện Công ty CP sản xuất và xuất nhập khẩu bao bì Thăng Long cho rằng: “Các tiêu chuẩn kỹ thuật, công nghệ, môi trường, đặc biệt là chất lượng được Samsung đặt ra hết sức ngặt nghèo đối với DN Việt Nam. Để tham gia vào chuỗi sản xuất của họ, DN chúng tôi đã có cố gắng lớn để đạt được các tiêu chuẩn ISO về kỹ thuật, tiêu chuẩn quản lý, tiêu chuẩn môi trường".

Bà Loan nói thêm: “Trong 4 DN nội địa tham gia với vai trò nhà cung ứng cấp 1, hầu hết đều là cung ứng bao bì, thùng giấy, hộp xốp, hộp nhựa, giá trị gia tăng thấp do chúng ta yếu về công nghệ và khó chen chân với các nhà cung ứng khác đến từ nước ngoài”.

Còn theo ông Nguyễn Văn Tiến, Giám đốc một DN là nhà cung ứng cấp 2 chuyên cung cấp một thiết bị inox ở vở điện thoại Samsung cho biết: “Thời gian giao hàng, chất lượng và vốn là 3 yếu tố thách thức các DN 100% vốn trong nước để trở thành nhà cung ứng của Samsung Việt Nam”.

Ông Nguyễn Văn Hào, Giám đốc Công ty cơ khí HTMP Việt Nam, nhà cung ứng cấp 1 các thiết bị khuôn nhựa cho máy hút bụi của Tập đoàn Samsung cho rằng: “Tôi khẳng định các DN Việt Nam đều có thể tham gia vào chuỗi được, điều quan trọng là họ cần tìm hiểu công nghệ và đáp ứng các yêu cầu của Samsung và cố gắng hơn. Samsung luôn yêu cầu rất cao về độ chuẩn xác từng chi tiết về sản phẩm và thời gian giao hàng. Chính vì vậy, các nhà cung cấp phải đáp ứng ngay lập tức để phù hợp tiến độ của họ. Để có ngay được đơn hàng, các DN Việt phải có công nghệ, kỹ thuật tốt và lượng vốn đủ để mở rộng sản xuất”.

Nguyễn Tuyền

Chuyên mục: Dòng chảy vốn

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *