Dòng chảy vốn 16/11/2013 11:15

Quy trách nhiệm tổ chức, cá nhân gây thất thoát đầu tư công

FICA - Theo đánh giá của Chính phủ, đầu tư công còn dàn trải, phân tán, kế hoạch đầu tư bị cắt khúc ra từng năm, hiệu quả đầu tư kém. Tình trạng thi công vượt quá vốn kế hoạch được giao đã gây nợ đọng xây dựng cơ bản quá mức…

Sáng nay 16/11, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Kế hoạch - Đầu tư Bùi Quang Vinh đã đọc Tờ trình về dự án Luật Đầu tư công.

 

Luật Đầu tư công được kỳ vọng sẽ bảo đảm tính công khai,
Luật Đầu tư công được kỳ vọng sẽ bảo đảm tính công khai, minh bạch trong tất cả các khâu của quá trình đầu tư.
 

Theo đánh giá của Chính phủ, do hệ thống pháp luật quản lý đầu tư công chưa hoàn chỉnh và đồng bộ, thiếu các chế tài và biện pháp quản lý, giám sát, nên đã phát sinh nhiều tồn tại, hạn chế; đầu tư còn dàn trải, phân tán, kế hoạch đầu tư bị cắt khúc ra từng năm, hiệu quả đầu tư kém.

 

Tình trạng thi công vượt quá vốn kế hoạch được giao, gây nợ đọng xây dựng cơ bản quá mức, gây áp lực lớn đến cân đối ngân sách Nhà nước các cấp. Ngoài ra, việc quản lý đầu tư công hiện nay được quy định rải rác trong nhiều văn bản pháp luật khác nhau.

Hiện tại cũng chưa có văn bản pháp luật chế định đầy đủ toàn bộ quá trình đầu tư công từ chủ trương đầu tư, thẩm định nguồn vốn đối với các chương trình, dự án sử dụng vốn đầu tư công, lập, thẩm định, phê duyệt kế hoạch đầu tư, triển khai thực hiện kế hoạch, theo dõi, đánh giá, kiểm tra, thanh tra kế hoạch đầu tư công.

Do đó, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, của Thủ tướng Chính phủ, Ban soạn thảo đã xây dựng dự án Luật Đầu tư công; được Ủy ban Kinh tế thẩm tra và Ủy ban thường vụ Quốc hội nhất trí để Chính phủ trình Quốc hội trong kỳ họp này.

Một trong những điểm nhấn nổi bật của dự thảo Luật là quy định rõ quyền hạn và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong tất cả các khâu liên quan đến quản lý và sử dụng vốn đầu tư công; trong đó quy định rõ quyền hạn và trách nhiệm của người đứng đầu các tổ chức, cơ quan đơn vị liên quan đến việc quản lý và sử dụng vốn đầu tư công. Đây cũng chính là một trong những biện pháp nhằm bảo đảm tính công khai, minh bạch trong quản lý và sử dụng vốn đầu tư công.

Theo đánh giá của Ban soạn thảo, thực tế quản lý đầu tư công trong thời gian qua cho thấy lãng phí, thất thoát có nhiều nguyên nhân khác nhau, như: Do buông lỏng quản lý, đầu tư dàn trải, tham nhũng, bớt xén trong thi công,... nhưng lãng phí lớn nhất là do chủ trương đầu tư không đúng, không hiệu quả.

Tình hình trên đã kéo dài trong nhiều năm nhưng chưa có biện pháp khắc phục triệt để. Vì vậy, trong dự án Luật đã dành riêng một chướng để chế định các nội dung, quy trình, phê duyệt chủ trương đầu tư và quyết định đầu tư nhằm nâng cao hiệu quả của các dự án đầu tư công, trên cơ sở xem xét quyết định đầu tư có căn cứ khoa học hơn.

Ban soạn thảo cũng chỉ ra một thực tế, đó là nhiều bộ, ngành và địa phương chưa coi trọng công tác thẩm định về nguồn vốn và cân đối vốn hoặc chỉ làm hời hợt, chiếu lệ; từ đó quyết định các chương trình, dự án với quy mô lớn gấp nhiều lần khả năng cân đối vốn của ngành mình, cấp mình, cũng như vượt quá khả năng bổ sung, hỗ trợ của ngân sách cấp trên.

Do vậy, dự án luật bổ sung công tác thẩm định về nguồn vốn và cân đối vốn, bởi yêu cầu thẩm định nguồn vốn sẽ là giải pháp quan trọng nhằm hạn chế và đi tới chấm dứt việc quyết định chương trình, dự án vượt quá khả năng bố trí vốn, khắc phục tình trạng bố trí dàn trải, kéo dài và gây nợ đọng xây dựng cơ bản lớn như hiện nay.

Cùng với đó, theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Bùi Quang Vinh, dự thảo luật lần này sẽ đổi mới một cách căn bản, tạo ra sự thay đổi về chất đối với công tác lập kế hoạch đầu tư bằng việc chuyển từ việc lập kế hoạch ngắn hạn, hàng năm sang kế hoạch trung hạn 5 năm, phù hợp với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm.

“Đây là điểm đổi mới rất quan trọng trong quản lý đầu tư công và phù hợp thông lệ quốc tế. Với việc xây dựng và thực hiện kế hoạch đầu tư trung hạn sẽ vừa bảo đảm các cân đối kinh tế lớn trong phạm vi cả nước, vừa tạo sự chủ động cho các bộ, ngành, địa phương biết cấp mình, cơ quan mình có bao nhiêu vốn trong kế hoạch 5 năm tới, để có quyết định chủ trương đầu tư đúng đắn, hiệu quả hơn; đặc biệt là tạo ra sự công khai, minh bạch, hạn chế tiêu cực, tham nhũng trong phân bổ nguồn lực của Nhà nước”, Bộ trưởng nói.

Ngoài ra, dự thảo Luật cũng dành riêng một chương quy định việc lập, thẩm định, phê duyệt và giao kế hoạch đầu tư công bao quát toàn bộ quy trình từ lập kế hoạch đến thẩm định, phê duyệt và giao kế hoạch đầu tư trung hạn và hàng năm theo các nguyên tắc, điều kiện lựa chọn danh mục chương trình, dự án đầu tư theo từng nguồn vốn cụ thể. Việc lập, thẩm định và phê duyệt kế hoạch trước mắt vẫn thực hiện theo phân cấp hiện hành; nguồn vốn do cấp nào quản lý cấp đó sẽ chịu trách nhiệm lập và phê duyệt kế hoạch theo các nguyên tắc quy định trong Luật đầu tư công…

Trên cơ sở giữ các nguyên tắc về phân cấp quản lý đầu tư công, quyền hạn của các cấp, các ngành như hiện nay, dự thảo Luật quy định rõ giữa trách nhiệm thẩm định nguồn vốn và quyền quyết định đầu tư. Cơ quan có thẩm quyền chỉ quyết định đầu tư sau khi có thẩm định về nguồn vốn và cân đối vốn.

Dự thảo Luật cũng quy định rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan đến đề xuất, quyết định chủ trương đầu tư; lập, thẩm định, phê duyệt chương trình, dự án; theo dõi, đánh giá thực hiện kế hoạch, chương trình, dự án đầu tư công; đồng thời, quy định rõ trách nhiệm và các chế tài xử lý vi phạm đối với các tổ chức, cá nhân, cũng như người đứng đầu các tổ chức, cơ quan có liên quan đến quản lý đầu tư công.

Nguyễn Hiền
Chuyên mục: Dòng chảy vốn

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *