Dòng chảy vốn 18/09/2014 10:01

Quy định mới có dẹp nổi “xe vua”?

Theo quy định mới, Bộ GTVT tập trung nắm quyền lập, công bố quy hoạch tuyến vận tải hành khách.

Sau khi những “ông lớn” kinh doanh xe hợp đồng trá hình nghênh ngang như “xe vua” bị cơ quan chức năng phát hiện bóc mẽ, nhiều quy định quản lý mới được ban hành để lập lại trật tự.
 
 Xe du lịch Dòng Hiền hoạt động như xe khách cạnh Bến xe Mỹ Đình dưới danh nghĩa đưa cựu chiến binh về thăm chiến trường xưa Xe du lịch Dòng Hiền hoạt động như xe khách cạnh Bến xe Mỹ Đình dưới danh nghĩa đưa cựu chiến binh về thăm chiến trường xưa
 

Quản lý chặt xe hợp đồng

 

Sáng 17/9, Bộ GTVT họp triển khai Nghị định số 86/NĐ-CP ngày 10/9/2014 về kinh doanh vận tải đường bộ. Xe hợp đồng trá hình, vấn đề mà Tiền Phong phản ánh liên tục thời gian gần đây qua vụ việc một “tập đoàn xe dù” - là nội dung quan trọng được bổ sung lần này.

 

Ông Nguyễn Văn Quyền, Phó Tổng cục trưởng Đường bộ cho biết, chỉ riêng tại Hà Nội và TPHCM có đến hàng chục nghìn xe hợp đồng.

 

“Hộ gia đình cũng được kinh doanh; quy định văn bản pháp luật lỏng lẻo; xe tuyến cố định bị cấm đón khách dọc đường còn xe hợp đồng thì không. Điều đó dẫn đến việc xe hợp đồng tranh giành khách với xe vận tải liên tỉnh cố định” - ông Quyền thừa nhận.

 

Vì thế, ngoài các quy định như xe hợp đồng phải có hợp đồng vận chuyển, không được bán vé, đặt chỗ dưới mọi hình thức, nghị định lần này bắt buộc: Trước khi vận chuyển, doanh nghiệp phải gửi thông tin về hành trình, danh sách hành khách, điểm dừng đón trả khách về Sở GTVT.

 

Từ các thông tin này, thông qua tuần tra kiểm soát và dữ liệu thiết bị giám sát hành trình (hộp đen), nếu phát hiện sai phạm, cơ quan chức năng sẽ xử lý. Ông Quyền cho biết, để tránh phiền hà, Bộ GTVT sẽ áp dụng tối đa công nghệ thông tin để doanh nghiệp không phát sinh chi phí, nhân lực vì quy định mới.

 

Ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam đánh giá, việc đưa ra các giải pháp mới chứng tỏ Bộ GTVT tiếp thu các ý kiến đóng góp của dư luận xã hội.

 

Theo ông Thanh, điểm đáng chú ý trong nghị định mới là Bộ GTVT đề xuất Chính phủ công nhận và quy định điều kiện hoạt động của xe trung chuyển. Với loại xe này, hành khách sẽ được đón tận nhà hoặc trung tâm thành phố ra bến xe. “Đây là cách xóa bỏ khoảng cách giữa xe khách và xe hợp đồng trá hình vốn tiến sâu vào trung tâm” - ông Thanh nói.

 

Từ thực tiễn điều tra của PV Tiền Phong với doanh nghiệp Thành Bưởi vừa qua cho thấy, lách thuế là lý do chính khiến các doanh nghiệp nhảy vào hoạt động xe hợp đồng trá hình. Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam cho rằng, để dẹp xe trá hình cần sự vào cuộc của nhiều cơ quan, đặc biệt Tổng cục Thuế, lực lượng CSGT, Thanh tra giao thông.

 

“Các quy định cần phải ban hành đồng bộ giữa các ngành. Đặc biệt đội ngũ tuần tra kiểm soát phải thực sự cầm cân, nảy mực. Chỉ riêng Bộ GTVT không thể giải quyết nổi” - ông Thanh nói.

 

Đấu giá luồng tuyến để tránh tiêu cực

 

Theo quy định mới, Bộ GTVT tập trung nắm quyền lập, công bố quy hoạch tuyến vận tải hành khách. Theo ông Nguyễn Văn Quyền, đây là một bước tiến, vì trước đây, doanh nghiệp tự đề xuất rồi chạy thử 6 tháng. Nếu đông khách, Tổng cục Đường bộ hoặc các sở GTVT phê duyệt. Vì thế, xảy ra tình trạng tuyến bị xé lẻ, manh mún, có tuyến một tuần chạy một lượt.

 

Tuy nhiên, bên cạnh tình trạng vắng xe như ông Quyền nói, luồng tuyến và lốt xe chạy ở các tuyến đông khách trở thành một nguồn lợi lớn; nảy sinh nghi vấn tiêu cực lo lót để được cơ quan chức năng chấp thuận tuyến.

 

Ông Quyền cho biết, tới đây, Bộ GTVT sẽ công bố quy hoạch; từ đó, các doanh nghiệp tự đăng ký để tăng tính minh bạch. Trao đổi với Tiền Phong, Vụ trưởng Vận tải Trần Bảo Ngọc cho biết, đang nghiên cứu khả năng đấu giá luồng tuyến để thu về cho ngân sách, đảm bảo minh bạch.

 

Dù Bộ GTVT đặt mục tiêu đến cuối năm nay sẽ công bố quy hoạch luồng tuyến vận tải liên tỉnh, nhưng đến thời điểm này, vẫn chưa có phương án cụ thể. Trong đó, những tuyến vận tải đến Hà Nội, đặc biệt là những tuyến đến “bến xe vàng” nhưng đã quá tải như Bến xe Mỹ Đình (Hà Nội), hay vấn đề gây tranh cãi lâu nay về xe chạy xuyên tâm TP Hà Nội vẫn chưa ngã ngũ.

 

“Có cho chạy xuyên tâm hay không tùy thuộc vào tình hình từng địa phương, chúng tôi chưa có phương án thống nhất. Tới đây, chúng tôi sẽ tham khảo ý kiến các địa phương” - ông Quyền nói.

 

Về việc cấm xe giường nằm trên tuyến đèo núi, Cục trưởng Đăng kiểm Trần Kỳ Hình cho biết: “Cục đang triển khai thử nghiệm về sự tương quan giữa xe giường nằm và địa hình để đề xuất cung đường và lộ trình hoạt động. Đồng thời, Cục sẽ sửa đổi tiêu chuẩn của ô tô khách, đặc biệt xe giường nằm theo hướng tăng tính an toàn”.

 

Vụ trưởng Vận tải (Bộ GTVT) Trần Bảo Ngọc, cho biết, nghị định mới tăng cường các quy định về ATGT, bảo vệ quyền lợi hành khách và hướng tới minh bạch, như: Lái xe phải khám sức khỏe định kỳ; tất cả xe tham gia kinh doanh phải lắp hộp đen; taxi trang bị máy in hóa đơn; doanh nghiệp kinh doanh vận tải phải có lượng xe theo quy định mới được tham gia các tuyến trên 300 km...

Theo Bảo An

Tiền Phong

Chuyên mục: Dòng chảy vốn

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *