Dòng chảy vốn 19/11/2013 07:30

Quốc hội còn nợ Luật về quản lý kinh doanh vốn Nhà nước

Luật đầu tư công ra đời là cần thiết nhưng chưa đủ để kiểm soát nguồn vốn nhà nước đầu tư vào xã hội và phát triển kinh tế.

Chiều nay (18/11), các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật đầu tư công.

Các đại biểu đều khẳng định sự cần thiết ban hành Luật đầu tư công nhằm tạo cơ sở pháp lý đồng bộ, thống nhất; khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, phân tán, lãng phí, góp phần nâng cao hiệu quả đầu tư công theo đúng mục tiêu, định hướng chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; bảo đảm tính công khai, minh bạch; đáp ứng yêu cầu tái cơ cấu nền kinh tế. Đồng thời, việc ban hành Luật đầu tư công cũng nhằm đáp ứng yêu cầu hội nhập, phù hợp với thông lệ quốc tế và đáp ứng việc thực hiện cam kết với các đối tác phát triển về minh bạch, chuẩn mực trong quản lý nhà nước đối với lĩnh vực này.

Có ý kiến cho rằng, các nội dung điều chỉnh như dự án Luật mới chỉ đề cập chủ yếu về chủ trương và kế hoạch đầu tư công, các nội dung về thẩm định dự án đầu tư chưa cụ thể; trong khi mục tiêu ban hành Luật là tạo cơ sở pháp lý để thống nhất quản lý nhà nước về toàn bộ quá trình đầu tư công từ khâu phê duyệt chủ trương đến khâu giám sát, thanh tra, kiểm tra. Vì vậy, đề nghị bổ sung vào dự án Luật các quy định cụ thể để triển khai toàn bộ quá trình đầu tư công như mục tiêu đã đề ra.

Cho ý kiến về dự thảo Luật đầu tư công, đại biểu Trần Du Lịch (đoàn TP HCM) khẳng định sự cần thiết phải xây dựng luật này. Tuy nhiên, đại biểu Lịch cho rằng, Quốc hội còn nợ Luật về quản lý kinh doanh vốn Nhà nước. Vì khối tiền của Nhà nước đầu tư còn 2 mảng, một là phát triển kinh tế - xã hội và mảng đầu tư vào làm kinh tế tại các tập đoàn, tổng công ty thì hiện chưa có luật.

Chưa có luật quản lý vốn của Nhà nước tại doanh nghiệp

Ngoài ra, đại biểu Trần Du Lịch cho rằng, phải đánh giá lại một số vấn đề, thứ nhất luật này điều chỉnh đầu tư của Nhà nươc hay nguồn vốn của Nhà nước vì hai khái niệm này là khác nhau. Quan điểm của Đại biểu Trần Du Lịch là phải làm rõ quản lý tất cả các nguồn vốn Nhà nước, ai sử dụng nguồn vốn đầu tư này thì phải tuân theo luật này.

“Quan điểm của tôi là luật này quản lý toàn bộ dòng vốn của Nhà nước hoặc nguồn ngân sách Nhà nước không phân biệt đó là ai, nếu sử dụng là bị chi phối” – đại biểu Lịch nói.

Về nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan nhà nước các cấp và trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan đến quản lý sử dụng vốn đầu tư công của dự án Luật, nhiều ý kiến cho rằng cần xác định cụ thể hơn trách nhiệm cá nhân, đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu, người có thẩm quyền phê duyệt quyết định chủ trương đầu tư, dự án đầu tư để nâng cao tính chế tài của Luật đối với các trường hợp phê duyệt dự án đầu tư sai, kém hiệu quả, tổng mức đầu tư tăng so với dự toán ban đầu, không cân đối được nguồn vốn để thực hiện, gây thất thoát, lãng phí.

Đặt câu hỏi: Tại sao chúng ta đầu tư lôm côm, lãng phí thế này? Đại biểu Trần Du Lịch tự đưa ra câu trả lời: “Vì chúng ta không kiểm soát được đầu tư. Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư nhưng lại không nhìn thấy cụ thể một khoản nào. Chúng ta nói là quyết định đầu tư sai vậy ai là người chịu trách nhiệm? Ai quyết định cuối cùng là người chịu trách nhiệm” – Đại biểu Trần Du Lịch nói.

Đồng tình với quan điểm đại biểu Trần Du Lịch đưa ra, đại biểu Võ Thị Dung (đoàn TP HCM) cho rằng, Luật đầu tư công cần điều chỉnh toàn diện, tất cả nguồn vốn sử dụng ngân sách Nhà nước kể cả vốn vay của Nhà nước, nói chung là ngân sách quốc gia. .

Về nguyên tắc đầu tư công, đại biểu cho rằng có tới 6 nguyên tắc nhưng không thể hiện rõ mục đích thực hiện luật này. Theo đại biểu, nguyên tắc đầu tư công phải nêu mạnh mẽ việc sử dụng đúng mục đích, công khai, minh bạch tài chính quốc gia. Thời gian qua, tham nhũng ở đầu tư công rất nhiều. Nếu không kiểm soát được điều này là có tội với người dân, cử tri.

Đại biểu Võ Thị Dung cũng đề nghị cần có một chương riêng và qui định cụ thể về giám sát cộng đồng, quyền hạn của cộng đồng, vì đây là giám sát cần thiết.

Về chủ trương đầu tư và lập, thẩm định, phê duyệt các chương trình, dự án đầu tư công, nhiều ý kiến nhất trí việc phân cấp thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư như quy định tại Điều 11 với mục tiêu tăng cường quản lý nhà nước đối với toàn bộ quá trình đầu tư công, đồng thời xác định rõ thẩm quyền và trách nhiệm của các cấp trong việc ra quyết định chủ trương đầu tư. Bên cạnh đó, tạo cơ sở cho việc bố trí vốn cho công tác chuẩn bị đầu tư, góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc hiện nay.

Có ý kiến đề nghị cân nhắc chỉ quy định về thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư (phê duyệt báo cáo dự án tiền khả thi) đối với các dự án, chương trình quan trọng quốc gia và nhóm A. Việc quy định thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư đối với các dự án nhóm B và cả nhóm C do thủ tục sẽ ảnh hưởng đến quá trình đầu tư.

Về nội dung này, theo đại biểu Trần Du Lịch, trong điều kiện quan điểm về hệ thống tài chính công hiện nay, Bộ KH-ĐT xây dựng luật này là tốt nhưng phải thay đổi, phân biệt được nguồn tiền nào là ngân sách trung ương, địa phương, ai là người cao nhất quyết định, chứ không thể phân theo cách tiền lớn thì trung ương quyết, tiền nhỏ địa phương quyết. Nếu chia ra thành nhóm dự án A, B… như trong dự thảo thì về cơ bản phương thức quản lý vốn đầu tư công không có gì thay đổi.

Về nội dung thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn chương trình, dự án đầu tư công quy định tại Điều 28, có ý kiến đề nghị xem xét, nghiên cứu quy định cụ thể hơn nội dung này vì dự thảo Luật mới chỉ đề cập đến việc phân cấp đối với các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền thẩm định nguồn vốn mà chưa nêu nguyên tắc, cách thức thẩm định nguồn vốn để các cơ quan có thẩm quyền làm căn cứ xác định, thẩm định nguồn vốn./.

Theo Vũ Hạnh
VOV

Chuyên mục: Dòng chảy vốn

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *