Dòng chảy vốn 20/03/2014 06:25

Quảng Bình kêu gọi hơn 4 tỷ USD vốn đầu tư

FICA - Trong giai đoạn 2014 - 2015, Quảng Bình kêu gọi đầu tư 40 dự án với 6 lĩnh vực có tính cạnh tranh cao trong đầu tư kinh doanh. Tổng quy mô các dự án tối thiểu 26.300 tỷ đồng và 2,85 tỷ USD, tương đương khoảng 4,1 tỷ USD.

Ngày 18/3, tỉnh Quảng Bình và BIDV đã tổ chức buổi gặp gỡ các nhà đầu tư tiềm năng đang có nhu cầu tham gia đầu tư vào tỉnh Quảng Bình. Đây là hoạt động được tổ chức trước thềm Hội nghị xúc tiến đầu tư vào Quảng Bình lần I vào đầu tháng 4 tới.

 Buổi gặp gỡ giữa tỉnh Quảng Bình và các nhà đầu tư tại Hà Nội.

 

Theo đánh giá của ông Nguyễn Hữu Hoài, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Bình: Quảng Bình được đánh giá là một trong những tỉnh có môi trường đầu tư kinh doanh tốt của Việt Nam, hiện đang là điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Đến nay, tổng số dự án đăng ký đầu tư vào tỉnh Quảng Bình là 267 dự án, với số vốn đăng ký gần 100.000 tỷ đồng; trong đó, số dự án tỉnh đã chấp thuận chủ trương và thực hiện đầu tư là 158 dự án, với số vốn đăng ký đầu tư là 78.900 tỷ đồng.

Trong giai đoạn 2014 - 2015, Quảng Bình kêu gọi đầu tư 40 dự án với 6 lĩnh vực có tính cạnh tranh cao trong đầu tư kinh doanh so với nhiều địa phương khác trong cả nước, như: đầu tư cơ sở hạ tầng nói chung và cơ sở hạ tầng các khu công nghiệp; Phát triển thương mại du lịch; Sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, văn hóa, y tế, giáo dục. Tổng quy mô các dự án tối thiểu 26.300 tỷ đồng và 2,85 tỷ USD, tương đương khoảng 4,1 tỷ USD.

Ông Hoài khẳng định, “Quảng Bình sẽ dành những cơ chế chính sách ưu đãi đặc biệt cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư khi đầu tư vào tỉnh”. Hai trong số nội dung ưu đãi hỗ trợ cụ thể, thiết thực được ông Hoài đưa ra là là: Ưu đãi về thuế sử dụng đất, tiền sử dụng đất, tiền thuê đất và tiền thuê mặt nước; ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp. Ngoài ra, tỉnh Quảng Bình cũng sẽ áp dụng một số chính sách hỗ trợ đầu tư khác như hỗ trợ kinh phí đào tạo lao động; giao đất sạch, giải phóng mặt bằng; hỗ trợ về hạ tầng kỹ thuật...

Cũng theo đánh giá của ông Hoài, Quảng Bình có lợi thế phát triển nhiệt điện, phong điện khi Thủ tướng đã đưa vào quy hoạch trung tâm nhiệt điện công suất 2.400 - 3.000 MW tại khu kinh tế Hòn La và Nhà máy phong điện công suất 600 - 1.000 MW đang được nghiên cứu. Tỉnh cũng khu kinh tế cửa khẩu Cha Lo kết nối với Lào, Thái Lan và khu kinh tế biển Hòn La nằm trong vùng kinh tế trọng điểm Nam Hà Tĩnh - Bắc Quảng Bình, tạo điều kiện về cơ sở hạ tầng cho nhà đầu tư.

Với 21 dự án trọng điểm mà Quảng Bình kêu gọi đầu tư, trong đó có các dự án lớn như: Nhà máy nhiệt điện Quảng Trạch II (1.200 MW) tại Khu kinh tế Hòn La, vốn 1,3 tỷ USD; Dự án Khu công nghệ cao điện tử (Quán Hàu) vốn tối thiểu 1.500 tỷ đồng; Khu công viên giải trí phục vụ du lịch quốc tế Bảo Ninh, Đồng Hới vốn từ 1.500 - 2.000 tỷ đồng; Dự án khai thác Phong Nha - Kẻ Bàng, động Sơn Đoòng và hệ thống hang động ở Phong Nha - Kẻ Bàng vốn đầu tư dự kiến khoảng 2.000 tỷ đồng...

Là trung gian kết nối giữa nhà đầu tư và các tỉnh, ông Phan Đức Tú, Tổng giám đốc BIDV khẳng định sẽ đồng hành với các doanh nghiệp trong quá trình đầu tư vào Quảng Bình. Theo đó, nhà đầu tư rót vốn vào Quảng Bình sẽ được BIDV cho vay với lãi suất ưu đãi nhất, thời hạn dài nhất.

Bởi theo ông Tú, Quảng Bình vẫn như “nàng công chúa bị bỏ quên”, do vị trí địa lý nằm xa trung tâm kinh tế của đất nước, chịu ảnh hưởng của thiên tai, chi phí xúc tiến đầu tư hạn chế và thiếu hạ tầng kinh tế xã hội. Tuy nhiên, những hạn chế trên vừa là khó khăn, nhưng cũng là dư địa cho Quảng Bình kêu gọi nhà đầu tư, theo đánh giá của ông Đặng Xuân Quang - Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư).

Tại buổi gặp gỡ, một số nhà đầu tư cho biết, các mức hỗ trợ ưu đãi của Quảng Bình đã rất hấp dẫn và rất tốt. Ông Đặng Minh Trường, Tổng Giám đốc Tập đoàn Sun Goup cho hay, Tập đoàn đang quan tâm vào dịch vụ, du lịch và bất động sản nghỉ dưỡng của Quảng Bình, mà lĩnh vực này cũng là lợi thế của tỉnh.

“Tuy nhiên, chúng tôi mong muốn Quảng Bình có những ưu đãi, hỗ trợ cụ thể hơn như thủ tục giấy tờ, giải phóng mặt bằng, thu hồi bàn giao đất, thuế sử dụng đất cần phải được làm nhanh gọn, nếu giải quyết không nhanh thì sẽ tốn thời gian và tiền bạc”, ông Trường nhấn mạnh.

Đại diện Petro Lào cho hay đã đã khảo sát dự án tại Quảng Bình và kiến nghị tỉnh quan tâm đến lĩnh vực giải phóng mặt bằng tại vị trí cảng, kho ngoại quan cũng như tại vị trí mà đường ống đi qua.

Ông Phạm Duy Hạnh, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Vinatex, đơn vị đã có nhiều dự án của các công ty con đầu tư tại Quảng Bình cũng cho biết, đơn vị này sẽ tham gia đầu tư vào các dự án đang thu hút đầu tư của Quảng Bình. Trước mắt là một số nhà máy dệt may, đồng thời, đề nghị Quảng Bình tạo điều kiện đất đai để Vinatex phát triển vùng bông nguyên liệu theo công nghệ mới của Israel.

Nguyễn Hiền

Chuyên mục: Dòng chảy vốn

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *