Dòng chảy vốn 02/01/2015 14:20

Ông Vương Đình Huệ: Kinh tế 2015 đã sáng rõ hơn

Đón chờ Việt Nam trong năm mới 2015 là những gì? Đâu là điểm nhấn cần lưu ý trong điều hành kinh tế năm nay? Ủy viên T.Ư Đảng, Trưởng Ban kinh tế T.Ư Vương Đình Huệ đã chia sẻ cùng Tiền phong.

 

Năm 2014, mọi đánh giá đều thống nhất

Kinh tế Việt Nam năm 2014 đã khép lại với nhiều chỉ tiêu về đích. Từ góc độ Ban kinh tế Trung ương, ông có nhận xét gì?

Năm 2014 chúng tôi theo dõi sát, thấy một số hiện tượng khá lý thú: hầu hết các chuyên gia kinh tế trong nước và báo chí trong nước, các tổ chức quốc tế là các đối tác phát triển của Việt Nam, các cơ quan thông tấn báo chí nước ngoài đều nhìn nhận đánh giá về kinh tế Việt Nam 2014 thống nhất, không có mâu thuẫn. Đây là điểm khác biệt so với năm trước và đáng mừng.

Những điểm sáng có thể kể ra đây là: Kinh tế vĩ mô ổn định hơn. Lạm phát thấp hơn nhiều so với chỉ tiêu của Quốc hội; Tăng trưởng dự kiến đạt trên 5.8%. Từ năm 2011 cho tới nay, đây là năm đầu tiên chỉ tiêu tăng trưởng đạt vượt kế hoạch; Thị trường tài chính tiền tệ  ổn định. Lãi suất huy động và cho vay đều giảm xuống mức khoảng 8% đến 9% là mức giảm rất mạnh so với thời kỳ trước đây. Tỷ giá của Việt Nam đồng so với đô la ít biến động; điều này hỗ trợ tích cực cho xuất khẩu và củng cố tâm lý thị trường. Dự trữ ngoại hối tăng khá mạnh. Cùng với đó, quá trình tái cơ cấu nền kinh tế đạt được những tiến bộ đáng kể. Về tái cơ cấu, Ban kinh tế T.Ư đã có một đề án nghiên cứu rất chi tiết.

Ông có thể nói thêm về kết quả tái cơ cấu nền kinh tế- lĩnh vực được Đảng và Chính phủ xác định phải ưu tiên xử lý quyết liệt?

Về tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước, điểm nhấn năm 2014 là đẩy mạnh cổ phần hóa và thoái vốn, nhất là sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 15 ngày 16/3/2014. Trước đây, thoái vốn theo nguyên tắc thị trường nhưng “cài” thêm câu phải bảo toàn vốn cho Nhà nước. Chính tháo gỡ của Nghị quyết 15 đã “đẩy” tốc độ cổ phần hóa, thoái vốn nhanh hơn.

Theo số liệu Quốc hội báo cáo, thoái vốn trong 9, 10 tháng năm 2014 bằng 3,5 lần so với năm trước. Còn tái cơ cấu ngân hàng, đẩy lùi được nguy cơ đổ vỡ hệ thống, ổn định được thanh khoản, tích cực hỗ trợ vốn cho sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Xử lý nợ xấu đạt kết quả bước đầu. Riêng tái cơ cấu đầu tư công thì đang triển khai đúng hướng, giảm dần được phân tán, dàn trải, hiệu quả sử dụng vốn đầu tư tăng lên.

Năm 2015 dồn dập Hiệp định thương mại lớn

Đi sâu vào phân tích các yếu tố của nền kinh tế 2015, Ban kinh tế T.Ư có đánh giá và nhận xét gì, thưa ông?

Qua tổng hợp chúng tôi thấy có nhiều vấn đề như: một số cân đối vĩ mô còn khó khăn, thiếu vững chắc; tốc độ tăng trưởng chưa cân xứng với tiềm năng, do nhu cầu nội địa phục hồi chậm;  sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn. Theo Tổng cục Thuế, số lượng doanh nghiệp đang hoạt động có thuế thu nhập để nộp thuế thấp, khoảng 30% thôi.

Thách thức nữa là nợ công cao, áp lực trả nợ ngân sách lớn, phải vay nợ để đảo nợ khá nhiều; nợ xấu còn cao, xử lý còn chậm và chưa thực sự hiệu quả. Nói chung, tái cơ cấu nền kinh tế diễn ra chậm chưa đạt yêu cầu như mong muốn. Ngoài ra, nếu giá dầu thế giới tiếp tục thấp như hiện nay bên cạnh yếu tố tích cực tác động đến sản xuất và tiêu dùng cũng tạo áp lực khó khăn  thu ngân sách cũng như cân đối thu chi.

Ông Vương Đình Huệ,Trưởng ban kinh tế T.Ư.
 

Nói như vậy nghĩa là kinh tế năm 2015 sẽ khởi đầu với nhiều khó khăn?

Cách đây 1 năm tôi cùng các bạn ngồi đây. Khi đó dự đoán cho năm 2014 mù mờ lắm, nhưng bây giờ ngồi đây nghĩ năm 2015 thấy sáng lên nhiều. Nhận định  chung xu hướng phục hồi kinh tế thế giới tiếp tục diễn ra tạo điều kiện cho kinh tế Việt Nam chuyển biến tích cực.

“Năm 2015 là năm cuối cùng nhiệm kỳ, các tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương đang nỗ lực hoàn thành chỉ tiêu cao nhất của kế hoạch 5 năm. Người Việt mình khi mà chạy nước rút cũng đáng nể đấy, bởi có động lực thôi thúc về đích”. 

Ông Vương Đình Huệ,Trưởng ban kinh tế T.Ư

Năm vừa rồi, các hãng đánh giá tín nhiệm nâng xếp hạng tín nhiệm đối với Việt Nam. Mooydys nâng xếp hạng Việt Nam từ B2 lên B1 ổn định, Fitch Ratings nâng tín nhiệm nợ nội địa, nội tệ và ngoại tệ dài hạn của Việt Nam từ mức B+ lên BB- và kèm theo triển vọng tích cực. Rất hay là mấy “ông” này đưa ra đánh giá trước thời điểm phát hành trái phiếu quốc tế và đã giúp chúng ta phát hành thành công 1 tỷ đô la trái phiếu quốc tế với mức lãi suất 4,8% thấp hơn dự kiến (dự kiến đưa ra khoảng hơn 5%). Tuy nhiên nhìn dài hạn, khó khăn thách thức tiếp tục diễn ra trong 2015 chứ chưa phải đã dừng.

Mà năm 2015 rất “lạ” khi là năm sẽ kết thúc đàm phán nhiều hiệp định tự do thương mại. Việt Nam đang đồng thời tham gia đàm phán các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới có tiêu chuẩn cao với sự tham gia của các cường quốc, các khối kinh tế lớn trên thế giới như Hoa Kỳ, EU, Nga, Nhật Bản, Úc...

Đại diện Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Hàn Quốc đã ký Biên bản thỏa thuận về kết thúc đàm phán Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc, Việt Nam và Liên minh thuế quan Nga - Kazakhstan - Belarus cũng đã hoàn tất quá trình đàm phán FTA. Năm 2015, Việt Nam cũng sẽ chính thức tham gia Cộng đồng kinh tế ASEAN. Nói  chung, chưa khi nào Việt Nam lại gặt hái được nhiều kết quả đàm phán như vậy, đều vào năm 2015.

Kinh tế vĩ mô ổn định hơn. Lạm phát thấp hơn nhiều so với chỉ tiêu của Quốc hội.  Ảnh: Hồng Vĩnh.
 

Giá dầu và câu chuyện phí, giá

Giá dầu giảm, ngân sách thất thu hàng chục ngàn tỷ đồng. Nhìn tổng thể, theo Trưởng ban, giá dầu tác động đến kinh tế Việt Nam như thế nào?

Việt Nam là nước vừa xuất khẩu, tỷ trọng xuất khẩu dầu thô trong cân đối ngân sách rất lớn, vừa nhập khẩu; ta xuất dầu thô và nhập dầu thương phẩm, xăng dầu sử dụng, cho nên có  lợi - có thiệt. Đơn cử, chúng ta có lợi khi nhập vào giá dầu thấp. Năm 2014, giá xăng giảm 12 lần liên tiếp. Tôi đi tiếp xúc cử tri ở Bình Định, Phú Yên về bà con phấn khởi lắm. Giá dầu giảm thế này tiết kiệm được hàng triệu đồng một chuyến đi biển, giúp bà con tranh thủ và khai thác ngư trường.

Việc giảm giá xăng dầu sẽ tạo điều kiện cho người dân tăng nhu cầu chi tiêu, doanh nghiệp tiết giảm chi phí, nâng cao hiệu quả kinh doanh. Bên cạnh việc tạo hiệu ứng lan tỏa kích thích kinh tế khi giá dầu giảm, còn phải tính toán chi tiết cấp độ ảnh hưởng để có phương án bù đắp nguồn thu đi đôi với rà soát, kiểm soát chi tiêu trong bối cảnh nợ công năm 2015 đã gần mức chạm trần cho phép 65% GDP. Đây là điểm mà chúng ta phải hết sức thận trọng, không được chủ quan!

Điều  hành giá năm 2015, ngoài giá dầu  còn giá cả mặt hàng, lĩnh vực nào chúng ta cần lưu ý, theo ông?

Giá đất năm 2015 thay đổi nhiều. Khung giá đất cuối năm vừa rồi các thành phố đô thị lớn tăng gấp đôi.  Thế nhưng trong ngắn hạn không tác động quá nhiều  đến thị trường bất động sản về các dự án đang và đã triển khai người ta làm xong hết các thủ tục về giá đất từ trước rồi; Thứ nữa, khung giá này chỉ cho một số vùng trọng điểm của đô thị lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh.

Năm 2015 trong nền kinh tế về quản lý giá rất cần lưu ý câu chuyện lệ phí và giá. Kết luận của Bộ Chính trị có ghi câu này: “Rà soát chuyển đổi chính sách phí và lệ phí đối với một số dịch vụ công sang áp dụng chế độ giá dịch vụ và không lồng ghép các chính sách xã hội trong giá”.

Ví dụ như về giá điện, khoản dùng để trợ cấp cho người dân mà thu nhập thấp hoặc khó khăn, đối tượng người nghèo, khó khăn, chính sách là một khoản trợ cấp riêng còn giá là theo yêu cầu và quy luật của kinh tế thị trường…Tương tự, học phí cũng phải chuyển sang cách như thế. Trông giữ xe là dịch vụ hay là phí hay giá? Phí hoa tiêu là giá hay phí? Nó là giá hết. Nếu rà soát lại chuyển được những thứ từ phí sang giá sẽ tạo ra bước tiến và nguồn lực mới, lớn cho đất nước.

Xin cảm ơn ông!

Theo Khánh Huyền

Tiền Phong

Chuyên mục: Dòng chảy vốn

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *