Dòng chảy vốn 09/09/2015 13:09

Nợ công có thể tăng thêm 20.000 tỷ đồng sau biến động tỷ giá

FICA - Theo tính toán của VDSC, nghĩa vụ trả nợ gốc tính theo nội tệ có thể tăng thêm 15.000 - 20.000 tỷ đồng sau đợt biến động tỷ giá vừa qua, tuy nhiên, ảnh hưởng này sẽ được phân bổ theo thời gian dựa trên kỳ hạn trả nợ.

Trong tháng 8/2015, sau khi Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PboC) thay đổi cơ chế tỷ giá, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam đã phản ứng trước biến động tỷ giá của đồng NDT bằng cách điều chỉnh nới biên độ tỷ giá USD/VND lên 2% (12/08/2015), tiếp theo đó là điều chỉnh biên độ lên 3% và nâng tỷ giá bình quân liên ngân hàng thêm 1% (19/08/2015).

 

Tính đến thời điểm hiện tại, tiền đồng đã mất giá 3% so với trước khi có biến động đến từ Trung Quốc, còn so với đầu năm, tiền đồng đã mất giá tổng cộng là 5,1%.

 

no-cong-1441726747055
Việc điều chỉnh tỷ giá tạo áp lực nhất định lên nợ công của Việt Nam (ảnh: FT)
 

Theo World Bank, tính đến cuối năm 2014, tổng dư nợ công của Việt Nam ước tính khoảng 110 tỷ USD, tương đương với 59,6% GDP.

 

Tại báo cáo chiến lược vừa phát hành, Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho biết, trong cơ cấu vay nợ, nợ nước ngoài của Chính phủ ổn định khoảng 27-28% GDP, chiếm khoảng 1/2 tổng nợ công của Việt Nam. Trong những năm gần đây, tốc độ nợ vay trong nước tăng khá nhanh nhưng tốc độ tăng nợ vay nước ngoài chậm lại ở mức bình quân 5%.

 

Theo ước tính của VDSC, nợ vay bằng đồng USD chiếm khoảng 30-35% cơ cấu nợ vay nước ngoài, nợ vay bằng JPY cũng chiếm một tỷ lệ tương tương nợ vay bằng USD và nợ vay bằng EUR chiếm 6-7% tổng cơ cấu nợ vay.

 

VDSC cho biết, dựa trên diễn biến của các cặp tỷ giá từ đầu năm đến nay, nghĩa vụ trả nợ gốc tính theo nội tệ có thể tăng thêm 15.000-20.000 tỷ đồng sau đợt biến động tỷ giá vừa qua, tuy nhiên, ảnh hưởng này sẽ được phân bổ theo thời gian dựa trên kỳ hạn trả nợ.

 

Trong ngắn hạn, năm 2015, Việt Nam sẽ phải chi trả khoảng 1,5 tỷ USD để trả nợ gốc và lãi vay đối với nợ nước ngoài, ước tính tương đối cho thấy chi trả nợ có thể sẽ tăng thêm khoảng 1.000 tỷ đồng sau đợt điều chỉnh tỷ giá vừa qua. Năm 2016, chi trả nợ và nợ gốc khoảng 2,5 tỷ USD, rủi ro về tỷ giá tiếp tục tạo ra áp lực lớn hơn đối với ngân sách trong năm sau nếu như không có biện pháp tìm nguồn tài trợ thêm.

 

Dựa theo kết quả nghiên cứu từ báo cáo của Ủy ban Kinh tế Quốc hội và UNDP về nợ công và tính bền vững ở Việt Nam, VDSC tính toán, với mức thâm hụt ngân sách cơ bản/GDP trong năm 2015 ước tính là 2%, trong kịch bản tốt thì nợ công của Việt Nam sẽ chạm ngưỡng giới hạn 65% vào năm 2019.

 

“Mô phỏng tỷ lệ nợ công theo tỷ giá cho thấy cứ 1% mất giá của đồng nội tệ sẽ làm tăng tỷ lệ nợ công thêm 0,8%. Như vậy, sau đợt điều chỉnh tỷ giá vừa qua, rủi ro khủng hoảng nợ công có thể đến sớm hơn 1 năm” – bộ phận phân tích của Rồng Việt lo ngại.

 

Bàn về áp lực điều chỉnh tỷ giá lên nợ công, hiện trong giới phân tích vẫn đang có những ý kiến trái chiều. Theo TS Nguyễn Đức Thành – Giám đốc Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR), nếu điều chỉnh tỷ giá giúp nền kinh tế phát triển hơn, xuất khẩu tốt hơn thì điều này cũng đồng nghĩa với việc khả năng trả nợ tăng lên.

 

Tuy nhiên, theo GS.TS Nguyễn Mại, trên thực tế, khi điều chỉnh tỷ giá, chỉ một phần xuất khẩu được hưởng lợi, trong khi Việt Nam lại nhập khẩu lớn. Do đó, ông Mại cho rằng, khi điều chỉnh tỷ giá, không nên chỉ lấy lý do hỗ trợ cho xuất khẩu.

 

Tại phiên họp Thường trực Chính phủ diễn ra ngày 25/8, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình khẳng định, với việc điều chỉnh tiền Đồng khá lớn thời gian qua, “không có lý do gì để tiếp tục phá giá đồng tiền Việt Nam nữa, vấn đề còn lại là niềm tin thị trường”. Lãnh đạo NHNN cũng cho biết, cơ quan này sẵn sàng cung cấp thanh khoản vào thị trường để bình ổn tỷ giá khi cần thiết.

Bích Diệp

Chuyên mục: Dòng chảy vốn

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *