Dòng chảy vốn 02/01/2015 11:47

Những thành viên "câu lạc bộ tỷ đô"

Tính đến thời điểm này, Việt Nam đã ký kết 8 hiệp định kinh tế, 5 hiệp định đang đàm phán và 1 hiệp định đang xem xét. Với số lượng lớn các hiệp định đã và sẽ ký kết này, xuất khẩu của Việt Nam dự báo sẽ đứng trước nhiều cơ hội lẫn thách thức.

Cùng lúc, các ngành xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam đều cán đích và hồ hởi đón nhận những tin tích cực về thị trường năm 2015. Về lĩnh vực nông nghiệp, năm 2014, có 10 mặt hàng đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD, bao gồm: gạo (3 tỷ USD), cà phê ( 3,6 tỷ USD), cao su (1,8 tỷ USD), hạt điều (2 tỷ USD), tiêu (1,2 tỷ USD), sắn (1,12 tỷ USD), rau quả (1,47 tỷ USD), tôm (4 tỷ USD), cá tra (1,8 tỷ USD), gỗ và sản phẩm từ gỗ (6,54 tỷ USD).

Trong khi đó, ngành thủy sản tiếp tục có bước đột phá trên các lĩnh vực từ khai thác, nuôi trồng đến chế biến, xuất khẩu, trong đó lần đầu tiên giá trị xuất khẩu thủy sản đạt gần 8 tỷ USD.

Trong lĩnh vực xuất khẩu hàng dệt may, đến nay, một số doanh nghiệp lớn của Tập đoàn Dệt May Việt Nam đã ký được hợp đồng xuất khẩu đến hết quý I/2015, thậm chí nhiều đơn vị còn ký đơn hàng đến giữa năm 2015. Với đà này nhiều khả năng dệt may sẽ cán đích 24,5 tỷ USD, là mức cao nhất trong 3 năm qua và dự báo tiếp tục duy trì tăng trưởng mạnh trong năm 2015.

Thủy sản: Mừng lo song hành

Sang năm 2015, ngành thủy sản đặt mục tiêu xuất khẩu đạt 8,5 tỷ USD, tức tăng khoảng 10,7% so với năm 2014. Nhưng còn đó nhiều nỗi lo...

Theo số liệu từ Tổng cục Thủy sản, xuất khẩu thủy sản năm 2014 tiếp tục tăng trưởng. Giá trị xuất khẩu của toàn ngành đạt khoảng 7,92 tỷ USD, chiếm 6-7% kim ngạch xuất khẩu cả nước, tăng 18% so với năm ngoái và vượt 11,6% so với kế hoạch. Hai sản phẩm chủ lực đóng góp vào kim ngạch xuất khẩu thủy sản là tôm nước lợ và cá tra. Trong đó, tôm thẻ chân trắng chiếm gần một nửa giá trị xuất khẩu, ước đạt 4 tỷ USD.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), sở dĩ con tôm "thắng lớn" vì diện tích và sản lượng tôm nuôi đều tăng mạnh trong khi sản lượng tôm ở các nước cạnh tranh như Thái Lan tiếp tục giảm 50% và Trung Quốc chưa hồi phục.

Riêng xuất khẩu cá tra và cá basa đạt xấp xỉ 1,8 tỷ USD, tăng 0,2% so với năm 2013. Cá tra hiện vẫn duy trì vị trí thứ 2 sau tôm, chiếm 21,8% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản của Việt Nam. Về thị trường xuất khẩu, thống kế từ VASEP cho hay, thủy sản Việt Nam hiện được xuất khẩu sang 165 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Ông Dương Ngọc Minh - Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc HVG cho biết, mục tiêu của Công ty năm 2015 là tiếp tục đầu tư và phát triển thêm 3 nhà máy chế biến cá, gồm 1 nhà máy ở Đồng Tháp, 1 nhà máy ở Bến Tre và nhà máy còn lại được xây dựng ở Tiền Giang. Tổng số vốn đầu tư cho 3 nhà máy này vào khoảng trên 300 tỷ đồng.

Năm 2015, HVG đặt chiến lược kinh doanh lĩnh vực tôm và dự tính sẽ trở thành DN xuất khẩu tôm hàng đầu từ năm 2016. Về chỉ tiêu kinh doanh, HVG đề ra kế hoạch doanh số 20.000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 1.000 tỷ đồng vào năm 2015, tăng mạnh so với doanh số ước 15.000 tỷ đồng và lợi nhuận ước 500 tỷ đồng năm 2014 của HVG. Để làm được điều này, HVG dự kiến sẽ nâng sản lượng thức ăn thủy sản lên 1 triệu tấn/năm, đồng thời đảm bảo sản lượng nuôi trồng cá tra 250.000 tấn/năm. Với sự chuẩn bị và quy trình sản xuất khép kín, mặt hàng thủy sản của HVG sẽ có giá thành thấp, cạnh tranh cao trên tất cả các thị trường.

Trong đó Mỹ, EU, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc và các nước Đông Nam Á (ASEAN) chiếm thị phần lớn nhất. Sang năm 2015, ngành thủy sản đặt mục tiêu xuất khẩu đạt 8,5 tỷ USD, tức tăng khoảng 10,7% so với năm 2014. Mục tiêu là tăng trưởng nhưng theo giới phân tích, xuất khẩu thủy sản năm 2015 sẽ đối diện với nhiều mối lo.

Thứ nhất, cạnh tranh sẽ khốc liệt hơn khi sản lượng thủy sản của Thái Lan trong năm 2015 ước tăng hơn 29% do nước này đã tìm ra cách khắc phục phần nào dịch bệnh về tôm chết sớm (EMS). Thứ hai, các rào cản kỹ thuật đối với các mặt hàng xuất khẩu thủy sản của Việt Nam dự báo sẽ tăng lên sau những lần bị "tuýt còi" gần đây.

Đơn cử, quy định kiểm tra dư lượng Oxytetracycline (OTC) đối với 100% tôm từ Việt Nam xuất khẩu vào thị trường Nhật Bản (áp dụng từ tháng 2/2014) đã và sẽ còn gây khó khăn cho DN tôm. Thứ ba, thuế chống bán phá giá (CBPG) áp dụng cho cả tôm và cá tra xuất khẩu vào Mỹ đều theo chiều hướng bất lợi cho DN Việt Nam.

Ngoài ra, theo tính toán của các DN, hàng chục loại phí liên quan đến xuất khẩu như phí dịch vụ, phí sửa chữa, phí đặt cọc cho container đều đã tăng 20 - 30% trong năm 2014 khiến lợi nhuận của DN giảm mạnh. Chưa kể, giá cước vận tải biển tại Việt Nam vẫn cao hơn từ 10 - 15% so với Thái Lan, Philippines khiến khả năng cạnh tranh của hàng xuất khẩu Việt Nam bị suy giảm.

Dịch bệnh EMS, tình hình vốn, thủ tục hải quan... cũng là những mối ưu tư. Đặc biệt, do yêu cầu gắt gao về chất lượng thủy sản xuất khẩu mà thị trường xuất hiện ngày càng nhiều tiêu chuẩn gây tốn kém cho DN.

Một số DN đầu ngành như Minh Phú, Vĩnh Hoàn, Hùng Vương (HVG) đã sớm có những kế hoạch để đối phó với các thách thức và nắm bắt những cơ hội từ hội nhập kinh tế quốc tế. Điển hình, HVG mở rộng quy mô kinh doanh bằng hàng loạt thương vụ mua, bán sáp nhập (M&A) lớn nhỏ.

Đến năm 2014, HVG tiếp tục gia tăng sở hữu ở các công ty con và công ty liên kết như tăng thêm tỷ lệ nắm giữ ở nhà máy Việt Thắng từ 65% lên trên 80%, ở Agrifish từ 75% lên trên 80%, ở FMC từ 40% lên trên 52% vốn và ở Tắc Vân từ 25% lên 52% vốn. Qua đó, HVG thể hiện vai trò chi phối và có thêm lợi nhuận từ hợp nhất các công ty con.

Dệt may: Thay đổi để phát triển

Ngành dệt may đạt tốc độ tăng trưởng xuất khẩu lớn nhất trong 3 năm qua nhưng vẫn tiếp tục dừng lại ở việc gia công.

Với giá trị xuất khẩu bình quân 1,95 tỷ USD/tháng, bà Đặng Phương Dung, Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam nhận định, xuất khẩu hàng dệt may năm 2014 của Việt Nam nhiều khả năng đạt 24,5 tỷ USD, tăng trên 19% so với năm ngoái. Đây cũng là mức tăng lớn nhất trong 3 năm qua.

Sang năm 2015, cơ hội cho xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam càng rộng mở. Ông Lê Tiến Trường, Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), phân tích: EU là thị trường tiềm năng nhưng Việt Nam mới chỉ chiếm khoảng 1% tổng giá trị nhập khẩu hàng dệt may của thị trường này.

Nếu Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (FTA VN-EU) được ký kết, thuế suất áp cho hàng may mặc Việt Nam vào EU sẽ giảm từ 12% xuống dần 0%, tạo nhiều cơ hội cho hàng dệt may Việt Nam xâm nhập và cạnh tranh ở thị trường EU.

Tương tự, khi Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) được ký kết, thuế suất áp cho hàng dệt may Việt Nam vào Mỹ sẽ giảm từ 17 - 18% xuống dần 0%, mang lại nhiều thuận lợi cho ngành dệt may gia tăng thị phần ở Mỹ.

Hiện tại, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may Việt Nam mới chỉ chiếm khoảng 9% tỷ trọng nhập khẩu hàng may mặc của Mỹ dù hàng dệt may Việt Nam vào Mỹ luôn tăng 12-13%/năm trong những năm qua.

Tại thị trường Nga, một khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam và Liên minh Hải quan (Nga, Belarus, Kazakhstan) dự kiến ký kết vào đầu năm 2015 sẽ cải thiện đáng kể chính sách thuế, hải quan và tạo sức hấp dẫn lớn với DN dệt may Việt Nam.

Theo ông Lê Quang Hùng, GMC có kế hoạch lắp đủ dây chuyền sản xuất ở các xí nghiệp may, như Tân Mỹ (Vũng Tàu) từ 20 chuyền lên 30 chuyền năm 2015 và tăng lên 36 chuyền trong các năm kế tiếp; ở xí nghiệp may Hà Lam (Quảng Nam), GMC sẽ nâng năng lực sản xuất từ 7 chuyền lên 15 - 20 chuyền. Tất cả phục vụ mục tiêu tăng năng lực sản xuất lên thêm 20% và hướng tới doanh thu 3.000 tỷ đồng vào năm 2018. Nhưng đầu tư mở rộng quy mô, tăng năng suất sẽ đẩy các DN may mặc vào rủi ro mùa vụ.

Để vẫn có hàng sản xuất trong những tháng nghịch mùa, GMC sẽ tiến tới đa dạng hóa sản phẩm, không chỉ làm các sản phẩm thể thao Thu Đông mà sẽ phát triển các sản phẩm Xuân Hè. Công ty sẽ tìm kiếm thêm các nguồn thu khác từ làm thương mại như làm dịch vụ hỗ trợ FOB, tự phát triển thị trường và phân phối hàng trực tiếp, cung cấp đơn hàng cho bạn hàng. Tuy các mảng này mới bắt đầu triển khai gần đây nhưng đã có thành quả. Cụ thể, Chi nhánh Sài Gòn Xanh LLC tại Mỹ được GMC lập ra cuối năm 2013 để làm về thương mại đã mang về 2 triệu USD doanh thu và ước đạt 150.000 USD lợi nhuận năm 2014.

Nhưng nhìn vào các yếu tố thách thức từ hội nhập, ông Lê Quang Hùng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Sản xuất Thương mại May Sài Gòn (GMC), bày tỏ lo ngại ở 2 khía cạnh: Nguồn cung nguyên vật liệu cho dệt may và mẫu mã thiết kế. Hiện tại, nguyên vật liệu đang chiếm 70-80% giá thành sản phẩm may mặc nhưng phần lớn nguyên vật liệu của dệt may Việt Nam đều phụ thuộc nhập khẩu.

Trong điều kiện tất cả các đơn vị, từ DN trong nước đến DN FDI lẫn công ty nước ngoài đều muốn tranh thủ cơ hội từ TTP, FTA VN-EU..., cầu nguyên liệu dệt may dự báo tăng mạnh.

Khi đó, ông Hùng phân tích, tình trạng mất cân đối cung cầu nguyên liệu dệt may sẽ xảy ra, dẫn đến khả năng giá nguyên liệu bị đẩy lên cao, chất lượng nguyên liệu có thể bị giảm sút và nhà cung cấp có thể trễ nãi trong giao hàng.

Như vậy, rủi ro và nguy cơ thiệt hại cho DN dệt may là không ít. Nhưng theo ông Hùng, các DN khó lòng khắc phục được rủi ro từ nguyên liệu khi Việt Nam vẫn chưa có trung tâm công nghiệp phụ trợ cho ngành may mặc.

Một lo ngại khác đối với ngành dệt may Việt Nam là thiết kế thời trang. Theo ông Hùng, muốn nâng giá trị xuất khẩu cho ngành dệt may, các DN không thể mãi gia công mà phải chuyển sang các hình thức sản xuất hiện đại, phù hợp nhu cầu thị trường như FOB (tự chủ nguyên liệu) ODM (tự thiết kế mẫu).

Đặc biệt, trong bối cảnh mà nguyên liệu, nhân công các nơi gần như giống nhau, hơn thua giữa các DN, cạnh tranh giữa các quốc gia có thế mạnh xuất khẩu hàng may mặc nằm ở khâu mẫu mã thiết kế.

Tuy nhiên, đến nay, Việt Nam mới chỉ dừng ở sao chép, chỉnh sửa, bắt chước chứ chưa đủ khả năng sáng tạo thời trang cho ngành may mặc. Một trung tâm công nghiệp thời trang cho ngành dệt may Việt Nam vẫn chưa hình thành dù đã được bàn đến cách đây nhiều năm.

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, năm 2014, tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành ước đạt 30,86 tỷ USD, tăng 11,2% so với năm 2013. Thặng dư thương mại toàn ngành ước đạt 9,5 tỷ USD, tăng 7,7% so với năm 2013. Hầu hết các mặt hàng xuất khẩu đều tăng giá trị so với năm 2013.

Trong đó, nhiều mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng mạnh. Như cà phê tăng 32,2%, hạt điều tăng 21,1%, hồ tiêu tăng 34,1%, rau quả tăng 34,9%, thủy sản tăng 18%, lâm sản và đồ gỗ tăng 12,7%, gạo tăng 5,3%. Nhiều doanh nghiệp (DN) trở thành những "ngôi sao xuất khẩu" khi không chỉ gia tăng nhanh chóng kim ngạch mà còn cả giá trị mặt hàng xuất khẩu.

Ông Phan Minh Thông - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Phúc Sinh, Phó chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam: 

Cạnh tranh sẽ quyết liệt hơn

Bắt đầu từ năm 2007, mảng kinh doanh chính của Phúc Sinh là sản xuất và xuất khẩu các mặt hàng nông sản, như hạt tiêu, cà phê, dừa, hạt điều.

Phúc Sinh trở thành công ty có sản lượng xuất khẩu hồ tiêu lớn nhất Việt Nam và chiếm 6% thị phần hồ tiêu xuất khẩu trên thế giới. Riêng năm 2013, Việt Nam đạt sản lượng tiêu rất tốt do nhu cầu thế giới tăng nhanh, chỉ đến giữa năm, chúng tôi đã xuất khẩu gần hết lượng tiêu trong nước và phải mua thêm hàng từ Indonesia, Ấn Độ và Brazil.

Vào gần cuối năm 2013 và đầu năm 2014, giá tiêu thế giới đã tăng 33%. Phần lớn lợi nhuận của Phúc Sinh trong cả năm đến từ kinh doanh tiêu và hiện nay, chúng tôi đã đứng đầu về xuất khẩu hạt tiêu ở Việt Nam và ở trong top đầu về xuất khẩu cà phê Robusta lẫn Arabica.

Năm 2014, Phúc Sinh xuất qua các thị trường Mỹ, châu Âu, Canada trên 16.000 tấn hồ tiêu. Phúc Sinh cũng là đơn vị thu mua hạt tiêu lớn nhất tại các nước Ấn Độ, Indonesia, Sri Lanka...

Ở mảng cà phê, năm 2014, dù kế hoạch chỉ đặt ra 40.000 tấn nhưng Phúc Sinh đã xuất được 45.000 tấn cà phê với mức tăng ấn tượng 50% so với năm 2013. Thị trường chính là các nước châu Âu như Ý, Đức, Tây Ban Nha..., đồng thời, Phúc Sinh cũng đang phát triển xuất khẩu sang các thị trường Mỹ, Canada và các nước châu Á.

Nhưng phải nhìn nhận, năm 2014 là năm nhiều thách thức và khó khăn. Giá cả các mặt hàng như cà phê và hạt tiêu biến đổi liên tục. Giá hồ tiêu đã chạm đỉnh chưa từng có trong ngành. Giá cà phê cũng thay đổi chóng mặt do giới đầu cơ tài chính tham gia thị trường, bên cạnh đó do cà phê Việt Nam được nhiều thị trường nước ngoài biết đến nên cạnh tranh khốc liệt hơn.

Tuy nhiên, với kinh nghiệm xuất khẩu nhiều năm, cộng với các công cụ hỗ trợ như bảo hiểm hàng hóa, chúng tôi đã đảm bảo các vị thế kinh doanh thông qua giao dịch hàng hóa phái sinh trên sàn, đồng thời mua hàng hóa từ các nước khác.

Chúng tôi không để tình trạng thiếu hàng hóa và nhiều năm qua, Phúc Sinh đã xây dựng nguồn nguyên liệu cho các dự án phát triển bền vững. Chúng tôi xây dựng nhà máy trên Đắk Lắk, tiếp cận với nguồn hàng trực tiếp từ các nông hộ; xây dựng hệ thống bền vững chứng chỉ Rainforest Alliance cho hồ tiêu và UTZ, 4C cho cà phê.

Dự báo năm 2015, sản lượng cà phê sẽ giảm 2% nên xuất khẩu cũng sẽ giảm so với năm 2014, cạnh tranh tiếp tục khốc liệt nên kế hoạch năm 2015, sản lượng xuất khẩu của Phúc Sinh đặt ra chỉ tăng trưởng 20% so với năm 2014.

 

Ông Đỗ Hà Nam - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Xuất nhập khẩu Intimex TP.HCM, Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam: 

Tìm chỗ đứng trong thị trường giá trị cao hơn

Liên tục gần 14 năm liền, hạt tiêu Việt Nam luôn đứng vị trí số 1 về thị trường xuất khẩu. Đây được xem là mặt hàng nông sản hiếm hoi ít khi rơi vào tình trạng "được mùa, mất giá”, do người nông dân có thể tự điều tiết lượng hàng hóa bán ra từng thời điểm để có được giá cả có lợi nhất.

Tính đến năm 2014, tổng diện tích hồ tiêu kinh doanh của Việt Nam đạt khoảng 63.000 ha, cho sản lượng 135.000 tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt 1,08 tỷ USD. Theo đó, năm 2014 được xem là năm thành công của bà con nông dân trên cả 3 phương diện về diện tích, sản lượng và giá trị.

Năm 2015, thị trường tiêu được dự báo sẽ là một năm tốt, chúng ta hoàn toàn có thể điều tiết giá. Dự kiến chung của toàn ngành là giá bán sẽ cao hơn năm 2014. Ấn Độ đang là thị trường nhập khẩu tiêu lớn nhất (chiếm khoảng 59% tổng kim ngạch xuất sang Nam Á).

Tiếp theo là Pakistan (35%), Bangladesh (3,4%), Nepal (2,2%), Sri Lanka (0,4%). Mỹ, Singapore, Hà Lan... cũng đang được xem là các thị trường tiêu thụ hạt tiêu lớn của Việt Nam.

Dù mang danh dẫn đầu thị trường thế giới nhưng hồ tiêu Việt Nam chỉ đứng đầu thị trường chất lượng thấp như: hạt tiêu thô ăn, dùng làm gia vị trực tiếp... Còn đối với thị trường châu Âu, tinh dầu từ hồ tiêu thì Việt Nam vẫn chưa tìm được chỗ đứng.

Do kỹ thuật, công nghệ chưa cao và thứ hai là dư lượng thuốc hóa học trong hồ tiêu đang là rào cản lớn đối với việc chiếm thị phần chất lượng cao.

Dù chỉ chiếm 8% trên tổng giá trị tiêu xuất khẩu của Việt Nam, nhưng Intimex (đơn vị xếp thứ 5 trong danh sách 500 DN hàng đầu của Việt Nam) vẫn tập trung phát triển mặt hàng chất lượng cao. Với doanh thu đạt hơn 1 tỷ USD năm 2014, Intimex Group có mức tăng trưởng 10% so với năm 2013.

Tuy nhiên, doanh thu từ hạt tiêu chỉ chiếm khoảng 10% tổng doanh thu của Intimex. Năm 2015, Intimex tập trung đầu tư phát triển nhà máy chế biến cà phê và nâng cao chất lượng hạt tiêu. Theo đó, chúng tôi cũng kỳ vọng năm 2015 sẽ là một năm bản lề cho việc đầu tư vào vệ sinh an toàn thực phẩm trong ngành nông nghiệp.

 

Ông Hà Duy Hưng - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Đông Hưng Group:

Năm của phát triển nội lực

Ngành da giày Việt Nam 2014 có khá nhiều chuyển biến khi ngày càng nhiều nhà đầu tư nước ngoài gia nhập thị trường Việt Nam. Điều này đã tạo sự cạnh tranh mạnh mẽ giữa các DN nước ngoài với nhau. Đồng thời, cũng tạo ra nhiều cơ hội cho DN Việt Nam thử sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Mục tiêu kim ngạch xuất khẩu ngành da giày Việt Nam đặt ra cho năm 2014 là 12 tỷ USD. Báo cáo của Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam cho thấy, kim ngạch xuất khẩu 10 tháng đầu năm là 10 tỷ USD, nên mục tiêu 12 tỷ USD vào cuối năm 2014 là rất khả quan.

Song, hơn 80% kim ngạch xuất khẩu của ngành da giày Việt Nam lại xuất phát từ các DN FDI. Thế nên, việc các DN da giày Việt Nam muốn tồn tại là phải biết cách khẳng định mình, chọn hướng đi khác biệt, chứ không nhất thiết một con đường là đối đầu.

Năm 2014, lượng đơn hàng của Đông Hưng Group tăng 30% so năm 2013 (tương đương tăng 3 triệu đôi). Đến thời điểm này, đơn hàng xuất khẩu năm 2015 cũng đã được ký kết.

Lý do giúp chúng tôi gia tăng đơn hàng một phần từ sự dịch chuyển đơn hàng từ châu Âu, Mỹ, Nhật, thay vì đặt hàng từ Trung Quốc. Tuy nhiên, đây chỉ là trường hợp thiểu số, vì nếu Trung Quốc vẫn có lợi thế về vùng nguyên liệu.

Theo đó, năm 2015 dự báo sẽ là một năm cạnh tranh mạnh mẽ đối với các ngành thâm dụng lao động, trong đó có ngành da giày Việt Nam. Nhưng giá nhân công không còn là yếu tố quyết định, nên DN gia công da giày muốn khẳng định mình phải phát triển được mẫu mã. Nếu DN phụ thuộc vào chỉ định gia công thì sẽ rất khó định vị được chỗ đứng trên thị trường.

 
Theo NGỌC THỦY - Ý NHI - BÍCH LOAN
Doanh nhân Sài Gòn
Chuyên mục: Dòng chảy vốn

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *