Dòng chảy vốn 14/11/2013 14:53

Nhiều nhà đầu tư châu Âu "ngắm nghía" thị trường Việt

FICA - Các nhà đầu tư Châu Âu nhận định rằng ngành nông nghiêp - thực phẩm, hóa học, chế tạo và du lịch là những ngành đầu tư tiềm năng nhất ở Việt Nam, và họ muốn thành lập các liên doanh với các doanh nghiệp nước ta.

Một phái đoàn gồm khoảng 50 đại diện các ngành công nghiệp và các doanh nghiệp thuộc Liên minh châu Âu (EU) đã sang làm việc tại Việt Nam nhằm tìm kiếm cơ hội đầu tư về nhiều lĩnh vực như nông nghiêp - thực phẩm, hóa học, chế tạo và du lịch…

 

Ông Antonio Tajani, Phó Chủ tịch kiêm Cao ủy phụ trách Công nghiệp và Doanh nghiệp của Ủy ban châu Âu tại cuộc họp báo (Ảnh: Thảo Nguyên)

“Các doanh nhân châu Âu muốn đầu tư vào Việt Nam. Họ muốn tổ chức các liên doanh với các doanh nghiệp Việt Nam. Chúng tôi coi ngành nông nghiêp - thực phẩm, hóa học, chế tạo và du lịch là những ngành quan trọng nhất có tiềm năng hợp tác và phát triển ở Việt Nam,” ông Antonio Tajani, Phó Chủ tịch kiêm Cao ủy phụ trách Công nghiệp và Doanh nghiệp của Ủy ban châu Âu - dẫn đầu phái đoàn khẳng định.

Quan hệ thương mại và đầu tư giữa EU và Việt Nam đã phát triển ổn định trong những năm gần đây. Các doanh nghiệp EU đánh giá Việt Nam là thị trường tiềm năng đối với ngành công nghiệp chế tạo, có tốc độ tăng trưởng cao và là cửa ngõ để thâm nhập vào thị trường ASEAN.

Tuy nhiên, so sánh với các nước cạnh tranh từ Châu Á, thị phần thương mại và đầu tư của châu Âu đang có xu hướng giảm nhẹ do các doanh nghiệp vừa và nhỏ châu Âu gặp phải một số khó khan và vướng mắc trong việc thiết lập một chỗ đứng vững chắc tại Việt Nam.

Nhằm tạo thuận lợi và hỗ trợ các doanh nghiệp EU hoạt động tại Việt Nam, Phó Chủ tịch Tajani cũng tham gia lễ khai trường Trung tâm “Mạng lưới doanhg nghiệp EU – Việt Nam” (EBVN) diễn ra tại TP HCM. Hai bên đã ký kết một Ý định thư nhằm tăng cường hiệu quả hợp tác giữa các doanh nghiệp xuất khẩu vừa và nhỏ (DNVVN). Hai bên cũng sẽ tăng cường trao đổi những thông lệ tốt nhất trong việc xây dựng khuôn khổ pháp lý hỗ trợ hoạt động của các DNVVN, tham vấn giữa khu vực doanh nghiệp nhà nước và tư nhân, hợp tác trong nghiên cứu và đổi mới, trao đổi thông lệ tốt nhất về tiến trình quốc tế hóa và hợp tác giữa các DNVVN và thành lập các hiệp hội doanh nghiệp vững mạnh.

Việt Nam đang trở thành một đối tác thương mại ngày càng quan trọng của EU. Năm 2012, EU đã thay thế Hoa Kỳ trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Xuất khẩu từ EU sang Việt Nam chủ yếu bao gồm máy móc và thiết bị điện tử (chiếm 22,3%), xe cộ và thiết bị vận tải (20,9%).

Hiện EU là đối tác thương mại có kim ngạch song phương lớn thứ 2 của Việt Nam sau Trung Quốc. Năm 2012, xuất siêu của Việt Nam sang EU đạt 13 tỷ Euro, với các mặt hàng chính như nông sản, da giày, dệt may, quần áo,..

Việc đàm phán Hiệp định thương mại tự do EU – Việt Nam đã được bắt đầu từ tháng 6/2012. Hiện hai bên đã hoàn thành phiên đàm phán thứ 5. “Chúng tôi muốn đạt được những mục tiêu đề ra vào cuối năm tới. Hiện tại vẫn còn hai vấn đề đàm phán chưa hoàn tất,” ông Tajani cho biết.

Thảo Nguyên

Chuyên mục: Dòng chảy vốn

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *