Dòng chảy vốn 09/12/2013 10:22

Nhà nước sắp thu hàng ngàn tỷ đồng cổ tức, lợi nhuận từ góp vốn

FICA - Hàng ngàn tỷ cổ tức và lợi nhuận còn lại tại các doanh nghiệp Nhà nước góp vốn và các Tập đoàn, tổng công ty Nhà nước sẽ được thu về ngân sách trong tháng 12 này.



Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng ký ban hành nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành nghị quyết của Quốc hội về một số giải pháp thực hiện ngân sách Nhà nước năm 2013, 2014. Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 5/12/2013.

Theo đó, để giảm sức ép lên thu ngân sách Nhà nước, sẽ thực hiện thu ngân sách Nhà nước với cổ tức được chia năm 2013 và năm 2014 tại các doanh nghiệp có vốn Nhà nước cũng như các khoản lợi nhuận còn lại tại các tập đoàn, tổng công ty 100% vốn Nhà nước.

Cụ thể, thực hiện thu ngân sách nhà nước đối với cổ tức được chia năm 2013 và năm 2014 cho phần vốn nhà nước tại công ty cổ phần có vốn Nhà nước và chuyển 100% số cổ tức này cho ngân sách trung ương.

Đại diện phần vốn nhà nước đôn đốc các doanh nghiệp nộp về Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp thuộc Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) chậm nhất 10 ngày sau sau khi có quyết định chia cổ tức của Hội đồng quản trị.

SCIC có trách nhiệm đôn đốc và chuyển tiền về ngân sách Nhà nước chậm nhất 3 ngày sau khi tiền về Quỹ. Đối với cổ tức được chia đã nộp về quỹ SCIC trước 10/12/2013, SCIC nộp vào ngân sách Nhà nước trước ngày 15/12/2013.

Đồng thời, thu phần lợi nhuận còn lại sau khi trích lập các quỹ theo quy định của các tập đoàn, tổng công ty do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ,  bao gồm cả SCIC.

Lợi nhuận còn lại là phần lợi nhuận sau khi trừ các khoản lỗ của các năm trước đã hết thời hạn được vào lợi nhuận trước thuế, trích lập các quỹ  theo quy định. Riêng năm 2013, được trừ cả khoản chi từ lợi nhuận sau thuế theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
 
Đối với SCIC, ngoài việc thực hiện thu, nộp vào ngân sách khoản lợi nhuận còn lại, còn có trách nhiệm nộp vào ngân sách khoản lợi nhuận còn lại thu về phát sinh trong năm 2013 và năm 2014 của các công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên độc lập 100% vốn nhà nước.

Đối với khoản thu từ lợi nhuận còn lại này, điều tiết toàn bộ cho ngân sách Trung ương nếu các doanh nghiệp thuộc Trung ương quản lý và điều tiết cho ngân sách địa phương nếu doanh nghệp do Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố quản lý.

Các doanh nghiệp nộp vào ngân sách khoản lợi nhuận còn lại tạm tính cho 9 tháng đầu năm 2013 trước ngày 10/12/2013 và nộp số còn lại sau khi quyết toán năm 2013 trước ngày 31/3/2014. Trong trường hợp số quyết toán cả năm nhỏ hơn số đã nộp 9 tháng, doanh nghiệp sẽ được trả lại.


Trước đó, trả lời Tuổi trẻ liên quan đến tình trạng Nhà nước bỏ quên hàng nghìn tỷ đồng cổ tức,ông Nguyễn Hoàng Hải - Phó chủ tịch kiêm tổng thư ký Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính (Vafi) cho rằng số tiền Nhà nước để lại chắc chắn không nhỏ.

Ở các tập đoàn lớn như Viettel, Bưu chính viễn thông, Dầu khí, Than - khoáng sản Việt Nam... nếu Nhà nước thu cổ tức như những nhà đầu tư bình thường khác thì theo tính toán của Vafi, mỗi năm Nhà nước sẽ có thêm ít nhất 2 tỉ USD. "Riêng Tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) mỗi năm Nhà nước đã có thể thu được cỡ 1 tỉ USD", ông Hải nói.

Ngoài việc thu cổ tức, lợi nhuận còn lại, thực hiện thu ngân sách 75% tiền lãi dầu, khí nước chủ nhà được chia từ Liên doanh Việt - Nga "Vietsopetro" và các hợp đồng phân chia sản phẩm dầu khí, tiền đọc, sử dụng tài liệu dầu khí phát sinh năm 2013 và 2014.

Việc điều chuyển cổ tức, lợi nhuận còn lại tại các doanh nghiệp có vốn Nhà nước, các Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước được thực hiện trong bối cảnh khi ngân sách đang chịu sức ép rất lớn từ bội chi. Bội chi ngân sách Nhà nước tháng 11/2013 ước 23.000 tỷ đồng, lũy kế 11 tháng 167.890 tỷ đồng, bằng 103,6% mức bội chi dự toán năm (162.000 tỷ đồng).

Chính vì vậy, Quốc hội trong kỳ họp vừa qua đã đồng ý giao Chính phủ nâng mức bội chi năm 2013 lên 195.500 tỷ đồng (tương đương 5,3% GDP ước thực hiện). So với mức trần bội chi mới, bội chi 11 tháng bằng 85,8%.

Quốc hội cũng đồng ý phát hành bổ sung 170.000 tỷ đồng vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2014 - 2016 khi hạn mức phát hành trái phiếu chính phủ cho giai đoạn 2013-2015 không còn nhiều. Nhiều tỉnh thành phố lớn như TPHCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Quảng Ninh...liên tiếp thực hiện phát hành trái phiếu chính quyền địa phương nhằm cân đối nguồn thu cho ngân sách.


Thục Anh

Chuyên mục: Dòng chảy vốn

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *