Dòng chảy vốn 06/12/2013 14:35

Người dân miền núi Nghệ An sẽ có thu nhập trên 50 triệu đồng vào 2020

FICA - Với đề án đã được Thủ tướng phê duyệt, dự kiến thu nhập bình quân đầu người vùng miền núi phía Tây tỉnh Nghệ An sẽ đạt khoảng 25-26 triệu đồng vào năm 2015 và khoảng 51-52 triệu đồng vào năm 2020.

 

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Đề án phát triển kinh tế-xã hội miền Tây tỉnh Nghệ An đến năm 2020. Đây được coi là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của tỉnh Nghệ An, khu vực Bắc Trung Bộ và cả nước.

Miền Tây Nghệ An có tiềm năng và lợi thế phát triển về nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy điện, khai khoáng, du lịch và phát triển kinh tế cửa khẩu.

Do vậy, mục tiêu của đề án này nhằm khai thác hợp lý và có hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh trên để duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế miền Tây Nghệ An cao hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh.

Đồng thời, cải thiện rõ rệt và đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, dân sinh và bảo đảm quốc phòng, an ninh; từng bước thu hẹp khoảng cách về trình độ phát triển và mức sống của người dân trong vùng so với mức bình quân chung của tỉnh.

Với đề án này, dự kiến tốc độ tăng trưởng kinh tế miền Tây tỉnh Nghệ An bình quân sẽ đạt 12-13% cho giai đoạn 2013-2015 và đạt 11-12% giai đoạn 2016-2020.

Thu nhập bình quân đầu người đạt khoảng 25-26 triệu đồng vào năm 2015 và khoảng 51-52 triệu đồng vào năm 2020.

Đến 2015, tỷ trọng các ngành nông, lâm, thủy sản - công nghiệp, xây dựng - dịch vụ sẽ lần lượt chiếm 32%, 33% và 35% và chuyển đổi tương ứng chiếm 24%, 37% và 39% vào năm 2020.

Thu ngân sách tăng bình quân hàng năm được kỳ vọng sẽ vào khoảng 34-35% giai đoạn 2013-2015 và 33-34% giai đoạn 2016-2020, tương ứng sẽ đạt 1.720 tỷ đồng trong năm 2015 và 7.294 tỷ đồng vào năm 2020.

Phát triển Khu nông nghiệp công nghệ cao tại Nghĩa Đàn

Cũng theo đề án này, giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân tại miền Tây Nghệ An sẽ vào khoảng 3-4%/năm cho cả giai đoạn 2013-2020; đảm bảo 100% số xã có đường ô ô vào được trung tâm xã cả 4 mùa và 100% số xã có điện lưới quốc gia đến trung tâm xã vào năm 2015. Mục tiêu tỷ lệ đô thị hóa ở địa bàn này đạt 17-18% vào năm 2015 và 19-20% vào năm 2020.

Song song với đó, Nghệ An cũng sẽ bảo tồn và phát triển khu dự trữ sinh quyển thế giới Pù Mát, Pù Huống, Pù Hoạt, đặc biệt là bảo vệ tính đa dạng sinh học. Nâng độ che phủ rừng từ 68% vào năm 2015 lên 75% vào năm 2020.

Tốc độ tăng trưởng bình quân nông nghiệp của địa bàn Tây Nghệ An dự kiến trong giai đoạn 2013-2015 vào khoảng 506%/năm và giai đoạn 2016-2020 đạt 4-5%/năm.

Điểm đáng chú ý là trong quy hoạch nông nghiệp, sẽ phát triển kinh tế tiểu vùng Tây Bắc Nghệ An trên cơ sở nghiên cứu hình thành và phát triển Khu nông nghiệp công nghệ cao tại Nghĩa Đàn nhằm tạo ra sản phẩm có năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh cao trên thị trường.

Cùng với đó, sẽ tập trung đầu tư hình thành hệ thống các sản phẩm chủ lực trong những ngành và lĩnh vực có lợi thế so sánh: Kinh tế rừng; cây công nghiệp dài ngày; chăn nuôi đại gia súc.

Cần 148.000 tỷ đồng đề thực hiện Đề án

Trong khi dó, tốc độ tăng trưởng công nghiệp bình quân giai đoạn 2013-2015 dự kiến sẽ đạt cao, lên tới 16-17%/năm và 15-16% cho giai đoạn 2016-2020.

Chủ yếu là tập trung phát triển ngành công nghiệp chế biến nông, lâm sản, thực phẩm có thế mạnh của vùng như sản xuất đường và các sản phẩm sau đường; chế biến chè; các sản phẩm từ mủ cao su, sữa, thịt và các sản phẩm gỗ, bột giấy. Bên cạnh đó, phát triển công nghiệp chế biến khoáng sản, vật liệu xây dựng như chế biến đá, thiếc, xi măng, gạch không nung.

Dự kiến tại địa bàn này, Nghệ An sẽ đầu tư xây dựng hạ tầng và thu hút doanh nghiệp lấp đầy các cụm công nghiệp đã phê duyệt; nghiên cứu thành lập các khu công nghiệp Sông Dinh, Tân Kỳ và Tri Lễ. Khai thác hợp lý tiềm năng thủy điện, phấn đấu các nhà máy thủy điện trên địa bàn đạt công suất khoảng 700 MW vào năm 2015 và 1.360 MW vào năm 2020.

Cũng theo Quyết định, Thủ tướng cũng đã thông qua việc tập trung nguồn vốn đầu tư xây dựng hạ tầng các khu công nghiệp đã được quy hoạch (Nghĩa Đàn, Sông Dinh, Tân Kỳ, Tri Lễ) và Khu nông nghiệp công nghệ cao Nghĩa Đàn. Tiếp tục ưu tiên vốn đầu tư xây dựng cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn.

Đầu tư cơ sở hạ tầng cửa khẩu quốc gia Thanh Thủy trở thành cửa khẩu quốc tế, hình thành và phát triển khu kinh tế cửa khẩu Thanh Thủy khi đáp ứng đủ điều kiện và tiêu chí theo quy định. Từng bước đầu tư xây dựng cửa khẩu phụ Tam Hợp; cửa khẩu phụ Thông Thụ, cửa khẩu phụ Cao Vều; nâng cấp lối mở bản Buộc Mú, xã Na Ngoi, huyện Kỳ Sơn thành cửa khẩu phụ.

Nhu cầu vốn đầu tư thực hiện Đề án khoảng 148.000 tỷ đồng; trong đó giai đoạn 2013-2015 là 35.000 tỷ đồng, giai đoạn 2016-2020 là 113.000 tỷ đồng.

Bích Diệp

Chuyên mục: Dòng chảy vốn

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *