Dòng chảy vốn 15/05/2015 00:30

Nghi vấn doanh nghiệp sữa có biểu hiện thao túng, chuyển giá

FICA - Nguồn nguyên liệu để sản xuất sữa trong nước và sản phẩm sữa thành phẩm phần lớn đều được nhập khẩu do đối tác nước ngoài trực tiếp chỉ định và có biểu hiện thao túng, chuyển giá từ nước ngoài trước khi nhập khẩu vào Việt Nam.

Tại buổi họp báo chiều ngày 14/5, đánh giá về những vướng mắc trong quản lý giá sữa, Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho hay, hiện nay nguồn nguyên liệu để sản xuất sữa trong nước và sản phẩm sữa thành phẩm phần lớn đều được nhập khẩu do đối tác nước ngoài trực tiếp chỉ định.

Phía Cục Quản lý giá cho rằng, có biểu hiện thao túng, chuyển giá từ nước ngoài trước khi vào Việt Nam do đó gặp rất nhiều khó khăn trong việc kiểm soát. Cơ quan quản lý cũng thừa nhận gặp khó khăn trong việc xác định yếu tố đầu vào của sản xuất, phân phối sản phẩm sữa và hạn chế thông tin để so sánh sản phẩm cùng loại tại các thị trường trong khu vực ASEAN.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Quản lý giá cũng cho rằng nhận định doanh nghiệp sữa thao túng, chuyển giá mới chỉ dừng lại ở mức “nghi vấn” và cần có thời gian mới đưa ra câu trả lời cuối cùng được.

Đối với công tác quản lý, điều hành giá sữa, ông Nguyễn Anh Tuấn cho biết, giá sữa Việt Nam hiện cao hơn so với hầu hết các nước trong khu vực. Cục Quản lý giá dẫn số liệu từ AC Nielsen cho thấy, giá bán trung bình trên kg sữa công thức cho trẻ dưới 6 tuổi ở Việt Nam là 16 USD, cao hơn so với mức 14 USD của Thái Lan, 12,9 USD của Philippines, 10,9 USD của Malaysia và 9,5 USD của Indonesia.

Theo ông Tuấn, từ 1/6/2014, Nhà nước thực hiện bình ổn giá sản phẩm sữa bằng 2 biện pháp: Quản lý giá tối đa với sản phẩm sữa trong thời hạn 12 tháng và đăng ký giá đối với sản phẩm sữa trong thời hạn 6 tháng. Từ nay tới hết năm 2016, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục bình ổn giá mặt hàng sữa thông qua áp trần giá sữa cho trẻ dưới 6 tuổi nhằm thu hẹp khoảng cách giá sữa trong nước và thế giới. 

Lãnh đạo Bộ Tài chính cũng cho hay, vẫn còn xuất hiện tình trạng có nhiều doanh nghiệp sản xuất và cạnh tranh không bình đẳng, dùng các chiêu trò như thay đổi trọng lượng, chất lượng, mẫu mã để xác định giá tối đa mới của sản phẩm.

Tuy vậy, qua triển khai thực hiện cũng có thể thấy, về cơ bản UBND, Sở Tài chính các tỉnh, thành phố và các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh sản phẩm sữa đã thực hiện nghiêm túc chủ trương bình ổn giá sữa của Chính phủ, hướng dẫn của Bộ Tài chính.

Tính đến nay, cơ quan quản lý giá từ trung ương đến địa phương đã rà soát, công bố công khai giá tối đa, giá đăng ký, giá kê khai của 708 dòng sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi. Giá bán lẻ giảm từ 0,1% - 34% so với thời điểm trước khi áp dụng biện pháp bình ổn giá, qua đó cơ bản ổn định giá sữa liên tục trong thời gian 12 tháng.

Hiện nay, qua nắm bắt thông tin và báo cáo của các địa phương, mức giá bán lẻ của một số sản phẩm sữa dành cho trẻ dưới 24 tháng tuổi trên thị trường đã giảm so với mức giá trước đó với tỷ lệ giảm 1-5,5%.

Phương Dung

Chuyên mục: Dòng chảy vốn

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *