Dòng chảy vốn 28/05/2015 11:53

Neo giữ tỷ giá đang tích lũy bất ổn tiềm tàng

FICA - Việc neo giữ tỷ giá giữa đồng Việt Nam và USD đang tích lũy những bất ổn tiềm tàng, đồng thời gây ảnh hưởng tiêu cực đến nông nghiệp, du lịch và những ngành xuất khẩu có thâm dụng lao động.

Đây là những quan điểm của các chuyên gia kinh tế, học giả và nhóm tác giả đến từ Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) trong Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam năm 2015 “Tiềm năng hội nhập Thách thức hòa nhập” vừa được Viện này công bố sáng nay 28/5 tại Hà Nội.

 

Theo các chuyên gia kinh tế, tỷ giá VNĐ/USD cần được điều chỉnh linh hoạt hơn

 

Theo đó, nhóm tác giả này khẳng định, việc chỉ điều chỉnh 2% tỷ giá trong năm nay của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trong bối cảnh các đồng tiền mạnh thế giới đang phá giá mạnh khiến đồng tiền Việt Nam mất lợi thế cạnh tranh và chứa đựng nhiều rủi ro đối với nền kinh tế. Nhóm nghiên cứu khẳng định, việc neo giữ tỷ giá đang là rủi ro vĩ mô cho nền kinh tế, trong đó đặc biệt là rủi ro về đầu cơ và trả nợ công.

 

Theo TS Nguyễn Đức Thành, Viện Trưởng VEPR: “Việc duy trì tỷ giá VNĐ/USD ổn định danh nghĩa như hiện nay, trong bối cảnh nhiều đồng tiền mạnh đã giảm giá trong năm 2014 sẽ khiến VNĐ ngày càng bị đánh giá cao, khiến bất lợi cho xuất khẩu. 5 ngành bị tác động tiêu cực từ VNĐ cao là: nông nghiệp, khai khoáng, chế biến nông nghiệp, công nghiệp nhẹ thâm dụng lao động và công nghiệp nặng. Hai ngành hưởng lợi từ VNĐ cao là công nghiệp chế tạo thâm dụng lao động và công nghiệp nặng”.

 

Trong khi đó, ở góc độ phản biện, chuyên gia kinh tế, TS Lê Đăng Doanh khẳng định: các đồng tiền như Euro (EU), Yen (Nhật Bản), Nhân dân tệ (Trung Quốc) đã phá giá rất mạnh so với đồng USD. Như vậy, việc neo giữ tỷ giá như hiện nay sẽ có nhiều rủi ro cho kinh tế vĩ mô trong trung và dài hạn như: rủi ro đầu cơ, gia tăng nhập siêu, thất thu cho ngân sách và chi tiêu khách du lịch quốc tế tăng lên do giá đồng Việt Nam đắt.

 

Bằng các mô hình kinh tế, nhóm tác giả báo cáo chỉ rõ những tác động của neo giữ tỷ giá , từ năm 2011  - 2014, VNĐ đang có xu hướng lên giá và đang được định giá cao từ 7 – 11%.  Công nghiệp nhẹ thâm dụng lao động chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ việc tỷ giá thiếu sức cạnh tranh. Nếu VNĐ định giá cao 10%, khiến sản lượng ngành này có thể giảm 7,65% và xuất khẩu giảm 11,64%. Kim ngạch nhập khẩu có thể tăng lên 33,17% nếu VNĐ được định giá cao hơn 10%. Trong khi đó, lượng khách du lịch quốc tế sang Việt Nam đang có xu hướng giảm.

 

Theo TS Nguyễn Đức Thành, “VEPR kiến nghị cần có một lộ trình phù hợp để đạt được mức tỷ giá cạnh tranh hơn cho Việt Nam, tối thiểu ở mức giá cân bằng. Trong đó,  bước đầu tiên cần phải để tỷ giá thực tiền đồng tiếp tục gia tăng và đòi hỏi mức điều chỉnh tỷ giá danh nghĩa cần phải lớn hơn khoảng cách giữa lạm phát của Việt Nam và thế giới”.

 

TS Huỳnh Thế Du, Giảng viên Chương trình Giảng dạy Fulbright chia sẻ: cần phải điều chỉnh tỷ giá linh hoạt theo thị trường bởi với đồng Việt Nam yếu sẽ có lợi cho xuất khẩu, tăng ngoại tệ và trả nợ quốc gia. “Không nên bảo hiểm tỷ giá toàn bộ nền kinh tế như hiện nay bởi các đồng tiền mạnh trên thế giới đã giảm giá. Trong các thứ mạnh lên, mọi người đều đáng mừng, riêng sự mạnh lên của đồng tiền thì không. Đồng tiền của một quốc gia mạnh lên thì cạnh tranh với quốc tế bị ảnh hưởng, sức cạnh tranh của quốc gia bị ảnh hưởng nhiều. Vì hội nhập thương mại, các quốc gia muốn có sự cạnh tranh của mình tăng lên thì thường không muốn đồng tiền của mình mạnh lên so với ngoại tệ. Ngay như Nhật Bản, Hàn Quốc hướng đến xuất khẩu nên họ hạ thấp đồng nội tệ của mình so với ngoại tệ để kích thích xuất khẩu, gia tăng giá trị cho nền kinh tế. Cách làm này họ đã thành công".

 

Ngày 27/5,  Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng cho biết, NHNN vẫn kiên định mục tiêu giữ biên độ điều chỉnh tỷ giá 2% trong năm nay. Như vậy, từ tháng 1 – 5/2015 hai lần điều chỉnh tỷ giá đã được NHNN sử dụng hết, từ nay đến cuối năm, “room” cho điều chỉnh tỷ giá đã hết.

Nguyễn Tuyền

Chuyên mục: Dòng chảy vốn

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *