Dòng chảy vốn 29/07/2014 08:28

Nan giải việc quản lý tập đoàn kinh tế

Tập đoàn kinh tế nhà nước là đề tài thuộc loại chiếm nhiều giấy mực nhất trong mấy năm qua với nhiều nhận định màu xám. Đây là mối bận tâm lớn nhất của Chính phủ.


Mới đây, Thủ tướng vừa ký ban hành Nghị định về Tập đoàn kinh tế và Tổng công ty Nhà nước, có hiệu lực từ 1/9/2014. Nghị định nêu rõ các tập đoàn kinh tế dự kiến được thành lập phải đáp ứng các điều kiện gồm: các ngành, lĩnh vực kinh doanh chính thuộc ngành, lĩnh vực sản suất, cung ứng sản phẩm, dịch vụ đặc biệt quan trọng trong đảm bảo an ninh quốc gia về kinh tế; tạo nền tảng về hạ tầng kinh tế quốc gia, tạo động lực nâng cao khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp và toàn bộ nền kinh tế.

Theo nghị định này, nếu không đáp ứng các yêu cầu trên, tập đoàn kinh tế, tổng công ty sẽ phải chấm dứt hoạt động dưới hình thức tập đoàn kinh tế, tổng công ty.

Đặc biệt, công ty mẹ trong tập đoàn kinh tế phải có vốn điều lệ không thấp hơn 10.000 tỉ đồng; tập đoàn kinh tế phải có tối thiểu 50% số công ty con hoạt động trong những khâu, công đoạn then chốt trong ngành, lĩnh vực kinh doanh chính.


Đối với tổng công ty, phải đáp ứng điều kiện vốn điều lệ của công ty mẹ không thấp hơn 1.800 tỉ đồng.

Quy định này không cho phép góp vốn, mua cổ phần của doanh nghiệp giữ quyền chi phối trong cùng một tập đoàn kinh tế, tổng công ty. Các doanh nghiệp bị chi phối trong cùng một tập đoàn kinh tế, tổng công ty không được góp vốn, mua cổ phần để sở hữu chéo lẫn nhau.

Nghị định cũng yêu cầu các tập đoàn, tổng công ty phải công khai, minh bạch các thông tin chủ yếu trên trang webhttp://www.business.gov.vn.

Giới quan sát cho rằng sự ra đời của văn bản này nằm trong số nhiều cố gắng khắc phục những nhược điểm của tập đoàn được xem là đã gây ra nhiều tiêu cực cho nền kinh tế, mà một trong những vướng mắc lớn nhất là trách nhiệm về mặt quản lý.

Ở các nước mà tập đoàn làm ăn có hiệu quả thì người chịu trách nhiệm đối với mọi thăng trầm của tập đoàn là tổng giám đốc. Ở nước ta trách nhiệm đó thuộc về Thủ tướng là cấp trên của tổng giám đốc, nhưng trong thực tế lại không thể áp dụng chế độ trách nhiệm vừa nói, bởi Thủ tướng là người đứng đầu Chính phủ có vai trò nặng nề tầm vóc quốc gia.

Tập đoàn ở nước ta không độc lập mà phụ thuộc hoàn toàn vào Nhà nước, nghĩa là Nhà nước vẫn phải chịu trách nhiệm vô hạn. Chính vì vậy nên tập đoàn càng yếu kém, Nhà nước càng phải đầu tư, không chỉ bằng ngân sách mà bằng cả vay nợ, bảo lãnh tín dụng quốc gia; càng phải tập trung sức lực của cả bộ máy hành chính, nghĩa là Chính phủ ngày càng dấn sâu vào kinh doanh vốn gắn liền với rủi ro, bằng bộ máy hành chính, tài chính và ngân sách cả nước. Có thể nói đó là những con cưng của Nhà nước và trong đó có không ít đứa con hư.

Nhiều chuyên viên kinh tế qua các thảo luận tìm giải pháp cho mô hình này đã kết luận rằng Nhà nước cho ra đời các tập đoàn kinh tế nhưng lại chưa có được một công cụ quản lý hiệu quả. Chưa có một văn bản pháp luật nào chuẩn mực để có thể điều chỉnh tập đoàn kinh tế Nhà nước, càng không có một văn bản pháp lý nào quy định cụ thể tập đoàn kinh tế hoạt động ra sao, quy mô thế nào?

Điểm yếu trong quản lý các tập đoàn còn là việc không có quy định rõ ràng về nợ của công ty nhà nước. Nợ của công ty nhà nước phải vừa được ghi nợ của công ty, vừa được ghi là nợ của Nhà nước (tức là công ty nợ ngân sách, ngân sách nợ người cho vay). Do vậy các tập đoàn kinh tế có tình trạng né tránh ghi nợ mặc dù khoản nợ của họ rất lớn, nếu tính theo tỷ giá hiện nay là trên 60 tỉ USD. Đáng chú ý là có một số tổng công ty, doanh nghiệpcó tỷ lệ nợ trên vốn rất cao, đến độ khó lòng mà trả nợ được.

Trong báo cáo về các tập đoàn nhà nước mới đây, Bộ Tài chính đã nêu rõ nợ ngân hàng thương mại của các tập đoàn chiếm 1/3 tổng dư nợ của nền kinh tế. Trong khi đó, sở hữu chéo tập đoàn nhà nước – ngân hàng là một trong ba nhóm chính trong ma trận sở hữu chéo đã được chỉ ra. Đây cũng là điểm mà Nghị định vừa được Chính phủ ban hành muốn giải quyết dứt điểm để hạn chế tình trạng phát sinh số nợ quá lớn.

Một doanh nghiệp tư nhân chịu trách nhiệm về hiệu quả kinh doanh chỉ vay tiền khi họ có khả năng trả nợ và có phương án kinh doanh sinh lời. Trong khi đó nhiều doanh nghiệp nhà nước chẳng những sử dụng đồng vốn không hiệu quả mà lại còn đầu tư ra ngoài ngành, tham gia nhiều lĩnh vực kể cả bất động sản, chứng khoán, nhưng vẫn được cho vay như hiện nay thì là tai họa không chỉ cho bản thân tập đoàn mà cho cả Nhà nước. Cho dù đã có một vài chấn chỉnh sau các vụ bê bối của Vinashin và Vinalines, nhưng hậu quả thì đến nay vẫn chưa khắc phục được.


Trở lại với Nghị định vừa được Thủ tướng ban hành và sẽ có hiệu lực vào tháng 9/2014, chúng ta vẫn chưa thấy nói đến một vấn đề hết sức quan trọng là việc tách bạch chức năng vừa quản lý nhà nước vừa quản lý doanh nghiệp mà hệ lụy là chính sách đưa ra bị chi phối bởi lợi ích ngành và các nhóm lợi ích khác.


Phải chăng vì vậy mà ông Bùi Văn Dũng, Trưởng ban cải cách và phát triển doanh nghiệp – Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương, trong một bài trả lời phỏng vấn báo chí đã nói rằng rất cần thiết thành lập cơ quan độc lập quản lý các tập đoàn, tổng công ty.


Thật ra, từ năm 2011, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương đã được giao thực hiện đề án về đổi mới mô hình quản lý đối với doanh nghiệp nhà nước và sau đó đã trình lên ba phương án.


Thứ nhất, thành lập Tổng công ty Đầu tư kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) để quản lý. Thứ hai là vẫn để các bộ quản lý doanh nghiệp nhà nước, mỗi bộ lập một vụ hoặc cục riêng để quản lý.


Thứ ba là lập một ủy ban độc lập quản lý vốn nhà nước tại các doanh nghiệp. Cuối cùng thì phương án thứ nhất được chọn nhưng chỉ sau một thời gian mô hình này đã cho thấy là không có hiệu quả.

Chính vì vậy người ta đã nghĩ đến phương án khác là cho ra đời một ủy ban độc lập quản lý vốn nhà nước tại các doanh nghiệp nhà nước, trong đó từng thành viên ủy ban chịu trách nhiệm các vấn đề riêng. Người đứng đầu là một phó thủ tướng.


Một câu hỏi được đặt ra là cơ quan ấy có thể quản lý được hơn 2.000 doanh nghiệp có đồng vốn nhà nước hay không. Thế là có ý kiến cho rằng ủy ban này chỉ nên quản lý khoảng 40 tập đoàn, tổng công ty lớn đang nắm 70 – 80% vốn, doanh thu, lợi nhuận của các doanh nghiệp nhà nước.


Một cơ quan chuyên trách quản lý, giám sát doanh nghiệp nhà nước như vậy sẽ có tính chuyên nghiệp hơn, tạo động lực cho các cá nhân đại diện vốn nhà nước hoàn thành tốt nhiệm vụ. Việc giải quyết vướng mắc, yêu cầu của doanh nghiệp nhà nước cũng sẽ nhanh chóng và thống nhất hơn.


Dù sao đó cũng chỉ là niềm hy vọng, khi mà cho đến nay việc quản lý các tập đoàn kinh tế qua bao nhiêu biện pháp thực hiện vẫn là vấn đề nan giải.

Theo Phạm Thành

Doanh nhân Sài Gòn

Chuyên mục: Dòng chảy vốn

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *