Dòng chảy vốn 18/02/2015 19:21

Năm Dê Vàng: Thời kỳ mới "sung mãn" để doanh nghiệp Việt bứt phá?

Giờ Mùi kéo dài từ 13 đến 15 giờ, thời gian mở đầu buổi chiều khi con người vừa ăn trưa xong, đang thanh thản nghỉ ngơi và sung mãn bước vào buổi lao động mới. Và 2015 được kỳ vọng sẽ mở ra một giai đoạn kinh doanh đầy triển vọng cho cộng đồng doanh nghiệp.

Ảnh minh họa: Đường hoa Tết Ất Mùi 2015 tại TPHCM
Ảnh minh họa: Đường hoa Tết Ất Mùi 2015 tại TPHCM
 
Thống kê của Công ty cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Repor) cho thấy, nếu soi riêng các “doanh nghiệp tuổi Mùi”, thì số lượng doanh nghiệp được thành lập vào các năm 1955, 1967, 1979, 1991, 2003 (năm Mùi) chiếm 8,1% số doanh nghiệp toàn Bảng xếp hạng 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam (VNR500) với phần lớn là doanh nghiệp trong nước (hơn 66% là doanh nghiệp tư nhân và 26% là doanh nghiệp nhà nước). 
 
Xét về ngành nghề, “doanh nghiệp tuổi Mùi” chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp, bao gồm ngành thực phẩm – đồ uống, khoáng sản – xăng dầu, hóa chất…
 
Trong số đó, khoảng 83% doanh nghiệp được thành lập vào năm 1991 và 2003 là minh chứng cho sự năng động và nhạy bén trong kinh doanh của các doanh nghiệp trẻ. Có thể kể tên một số doanh nghiệp tuổi Mùi trẻ tiêu biểu trong BXH VNR500 năm nay như: Tổng Công ty Thương mại xuất nhập khẩu Thanh Lễ – TNHH MTV (hạng 39), Ngân hàng TMCP Sài gòn Thương tín (hạng 48), Công ty TNHH Nhà máy bia Việt Nam (hạng 49).
 
Năm 2015 - năm Ất Mùi là năm của Dê Vàng. Trong sự kết hợp thiên can với địa chi để tính thời gian và chu kỳ phát triển, Dê nhập hệ lịch can chi 12 con vật, là biểu tượng chi Mùi – một chi quan trọng mang những ý nghĩa triết lý và nhân văn sâu sắc. Giờ Mùi kéo dài từ 13 đến 15 giờ, thời gian mở đầu buổi chiều khi con người vừa ăn trưa xong, đang thanh thản nghỉ ngơi và sung mãn bước vào buổi lao động mới. 
 
Với quan điểm đó, Vietnam Report kỳ vọng, trong năm 2015, các doanh nghiệp Việt sẽ tự tin bước vào một giai đoạn kinh doanh đầy triển vọng và tạo được cho mình bước đà quan trọng để tăng trưởng trong tương lai.
 
Tìm thế hệ doanh nhân kế cận: Cần bỏ qua tư tưởng “con vua rồi lại làm vua”
 
Nếu phân tích về tuổi theo can chi của các CEO trong Bảng xếp hạng VNR500 năm 2014 thì CEO doanh nghiệp lớn sinh năm Mậu Tuất (1958), Kỷ Hợi (1959) và Canh Tý (1960) là đông nhất. 
 
Đây là những CEO “lão làng” nhưng cũng đã bước vào độ tuổi nghỉ hưu, do đó đã đến lúc các lãnh đạo cần nghĩ tới việc tìm kiếm thế hệ kế cận thay thế.
 
Ảnh minh họa: Đường hoa Tết Ất Mùi 2015 tại TPHCM
 
Thống kê về độ tuổi của CEO, 41,5% số CEO lãnh đạo các doanh nghiệp VNR500 có độ tuổi nằm trong khoảng từ 46 đến 55 tuổi (là các CEO thuộc thế hệ 6x), kế đến là CEO thế hệ 5x (trên 56 tuổi) với tỷ lệ 31,7%. Thế hệ trẻ 8x có ít CEO nhất với 0,8%. 
 
Có thể thấy, phần đông CEO doanh nghiệp lớn trong Bảng xếp hạng VNR500 năm 2014 đến từ thế hệ 6x và 5x. Nếu 6x và 5x có lợi thế là kinh nghiệm và sự từng trải trong kinh doanh cũng như trong điều hành doanh nghiệp, thì 7x, 8x lại là thế hệ được học tập trong môi trường tốt hơn, ra trường vào những năm 80 sẽ có nhiều cơ hội tiếp cận với thông tin và công nghệ mới, có cơ hội giao thương quốc tế và không bị ràng buộc bởi rào cản ngôn ngữ. 
 
Tuy nhiên, thế hệ trẻ này lại thiếu kỹ năng lãnh đạo cần thiết để trở thành ứng viên sáng giá cho vị trí điều hành cao cấp trong doanh nghiệp. Vậy thì câu hỏi đặt ra ở đây là, khi thế hệ 5x và 6x “nhường ghế”, liệu 7x và 8x có đủ tự tin trở thành những người lãnh đạo kế cận?
 
Vietnam Report dẫn câu chuyện “Những bữa tối tìm lãnh đạo kế cận của Goldman Sachs” là một ví dụ điển hình cho thấy để tìm ra được người lãnh đạo kế cận cần cả một quá trình lựa chọn kỹ lưỡng tốn rất nhiều thời gian. 
 
Goldman đã tiến hành bồi dưỡng nhân tài tốt nhất, sáng giá nhất trong nhiều năm, và qua những bữa tối, Lloyd Blankfein, Chủ tịch HĐQT kiêm CEO của Goldman Sachs đã tạo cơ hội cho các lãnh đạo trẻ thế hiện phẩm chất cá nhân và quan điểm về các vấn đề quan trọng đối với Ngân hàng, đồng thời cũng là cách giúp ông tìm kiếm những tài năng thực sự để trở thành ứng viên cho vị trí điều hành cao hơn.
 
Đơn vị khảo sát cho rằng, đến một lúc nào đó, thế hệ điều hành trẻ mới sẽ phải tiếp quản công việc của các đàn anh đi trước, do đó việc liên tục trau dồi bản thân và học hỏi kinh nghiệm quản lý, điều hành từ thế hệ đi trước là vô cùng cần thiết. Với các doanh nghiệp Việt, cần bỏ qua tư tưởng “con vua rồi lại làm vua” để lựa chọn đúng lãnh đạo kế cận tài năng và tâm huyết, từ đó giúp doanh nghiệp có cơ hội phát triển hơn nữa trong tương lai
 
Câu chuyện về “tuổi” của doanh nghiệp VNR500 dường như có phần trái ngược với tuổi CEO. Gần 53% số doanh nghiệp đều mới đi vào hoạt động trong vòng không quá 15 năm trở lại đây (thành lập từ năm 2000 đến năm 2012). 
 
Bích Diệp
Chuyên mục: Dòng chảy vốn

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *